Áp lực học hành căng thẳng ngay từ tuổi mầm non

23/05/2025 - 16:07

PNO - Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, việc chạy đua vào những ngôi trường “điểm” ở bậc tiểu học rất căng thẳng, tạo ra áp lực cho cả phụ huynh lẫn học sinh ngay ở bậc mầm non.

Trẻ mầm non miệt mài luyện thi

Tại Hàn Quốc, cụm từ “kỳ thi thứ tư” ám chỉ xu hướng giáo dục tư thục cho trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi. Tờ Financial Times trích dẫn số liệu thống kê từ Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết: 47,6% trẻ em dưới 6 tuổi ở nước này đang theo học tại các cơ sở giáo dục tư thục, được gọi là “hagwon”.

Bài báo nhấn mạnh, khoảng 1/4 trẻ em dưới 2 tuổi cũng học ở trường tư thục. Với các trường mẫu giáo dạy bằng tiếng Anh, học phí trung bình là 1,5 triệu won/tháng (khoảng 1.100 USD). Một cuộc khảo sát gần đây của chính phủ cho thấy cha mẹ của những đứa trẻ dưới 6 tuổi đã chi gần 815 tỉ won (558 triệu USD) cho giáo dục tư thục chỉ trong 3 tháng cao điểm vào năm 2024.

Bài báo viết: “Hagwon dạy các môn tiếng Anh, toán, khoa học và viết luận đã trở thành một ngành công nghiệp lớn ở Hàn Quốc. Cơn sốt giáo dục tư nhân này đang làm tăng gánh nặng cho các hộ gia đình và hạn chế tiêu dùng trong nước, chưa kể nó còn dẫn đến khủng hoảng nhân khẩu học”.

Tại một trong những khu phố giàu có nhất của Seoul, trẻ em 4 tuổi đang chạy đua với thời gian khi phải viết bài luận bằng tiếng Anh trong 15 phút. Yêu cầu này là một phần của quy trình tuyển sinh vào các trường mẫu giáo tiếng Anh ưu tú ở Daechi-dong - một khu phố giàu có của thủ đô và thường được xem là trung tâm của cuộc “chạy đua giáo dục” tại Hàn Quốc.

Các bậc phụ huynh ở đây không chỉ chuẩn bị cho con vào trường tiểu học mà còn chuẩn bị cho chúng thi tuyển vào các trường mẫu giáo dạy bằng tiếng Anh. “Những tổ chức giáo dục độc quyền này giúp trẻ em đắm mình trong môi trường nói tiếng Anh, với giáo viên nước ngoài. Việc học ở một trường như vậy được coi là tấm vé vàng để nói trôi chảy ngoại ngữ, tạo một khởi đầu thuận lợi trong cuộc đua vào các trường ưu tú” - một bà mẹ cho hay.

Đối với nhiều phụ huynh, việc được vào học tại những trường mẫu giáo danh giá đánh dấu bước đầu tiên trong hành trình gian nan hướng đến 1 trong 3 trường đại học hàng đầu của Hàn Quốc là Seoul National, Korea và Yonsei. Và đây không chỉ là vấn đề của riêng Seoul. Một số phụ huynh thậm chí đã mua căn hộ ở những khu phố “học thuật” chỉ để con cái họ đủ điều kiện nhập học.

Một lớp ngữ pháp với giáo viên nước ngoài tại trường mẫu giáo tiếng Anh Edible Village ở quận Gangnam, Seoul (Hàn Quốc)  - Ảnh: PARK SANG-MOON (Korea Joongang Daily)
Một lớp ngữ pháp với giáo viên nước ngoài tại trường mẫu giáo tiếng Anh Edible Village ở quận Gangnam, Seoul (Hàn Quốc) - Ảnh: PARK SANG-MOON (Korea Joongang Daily)

Bảo vệ phúc lợi của trẻ em

Không phải phụ huynh nào ở Daechi-dong cũng ủng hộ cuộc đua giáo dục. Một bà mẹ ở quận Gangnam (thủ đô Seoul) phản đối xu hướng trên. Cô nói: “Tôi chỉ muốn con trai mình được hạnh phúc, không phải tham gia vào cuộc thi điên rồ này”. Nhưng điều đó khiến con cô tụt hậu so với các bạn cùng lứa và cô cảm thấy áp lực ngày càng tăng trong việc giúp con “làm được những bài tập cơ bản”.

Điều khiến các phụ huynh lo lắng hơn là sự gia tăng các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ em. Theo tờ Korea Herald, số trẻ em từ 7-12 tuổi được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm hoặc lo âu tại Hàn Quốc đã tăng từ 2.500 trẻ (năm 2018) lên 5.589 vào năm 2023. Những con số cao nhất tập trung ở Gangnam, Songpa và Seocho-gu - các “thánh địa giáo dục” của Seoul.

Một dự thảo luật đầu tiên về bậc giáo dục mầm non đã được thông qua tại Trung Quốc vào tháng 11/2024 và sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2025. Luật này nhằm mục đích cung cấp cơ hội bình đẳng cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và chưa đăng ký vào trường tiểu học.

Ngoài việc kiểm tra sức khỏe, các trường mẫu giáo không được phép tổ chức thi tuyển sinh, không được dạy trước nội dung ở bậc tiểu học. Các trường mẫu giáo cũng được khuyến cáo không nên có bất kỳ bài kiểm tra nào mà thay vào đó là giúp học sinh hình thành đạo đức tốt, thói quen ứng xử, cơ thể khỏe mạnh và nhận thức về an toàn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục Trung Quốc Huai Jinpeng nhận xét giáo dục mầm non vẫn là một mắt xích yếu trong hệ thống giáo dục của nước này. Theo tờ Nikkei Asia, nhiều gia đình ở Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào việc giáo dục con cái bằng cách cho con theo học tại các trường mầm non tư thục, từ đó góp phần dẫn đến chi phí giáo dục của đất nước tăng cao.

Linh La (theo First Post, Korea Herald, Chosun Biz, The Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI