Anh là hậu phương của em

11/09/2021 - 06:00

PNO - Em mơ ước một ngày không xa dịch bệnh được kiểm soát, cả nhà mình sẽ làm vài món ngon “tiễn đưa”... cô Vy, chào mừng thành phố trở về trạng thái “bình thường mới".

Công việc của em là làm cầu nối hỗ trợ các thủ tục hành chính, chăm lo đời sống cho những hoàn cảnh khó khăn.  Em đi tối ngày, len lỏi từng hộ dân, có khi mang giấy tờ về nhà. Những ngày này, em tự nguyện vác cái “tù và” to nặng, mà chưa biết khi nào có thể “thả” xuống được. 

Cứ tưởng anh sẽ bắt em nghỉ ngay, vì dịch COVID-19 ngày càng căng thẳng, vậy mà không ngờ anh lại nhiệt tình tạo điều kiện cho em. 

Phần anh, vì bệnh nền, anh phải ở nhà thay em cáng đáng gia đình nhỏ, không thể “ra trận” cùng em. Những ngày này, anh làm hậu phương, em ra tiền tuyến. Em xung trận đến nay tròn ba tháng.

Còn nhớ tháng Tám, dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, mỗi khi em ra khỏi nhà là anh dặn dò đủ thứ, kiểm tra cốp xe xem có đủ dụng cụ... hành nghề chưa, và không quên xem bình xịt khuẩn vơi hay đầy. 

Ngày thường, anh ít khi vào bếp,  ngại rửa chén, lau nhà, vậy mà giờ anh làm “ngon lành”, không một câu than vãn. Nhà mình có nhà nội gửi hàng viện trợ, nên thịt, cá, rau, củ, đồ khô đầy đủ. Anh còn biết hành lá có thể cắt nhỏ bỏ tủ lạnh để dành dùng dài ngày, bồ ngót, quả dứa anh cũng cho vào ngăn đông, mấy “chiêu” em chưa hề biết. 

Tác giả tham gia phân phát quà cho bà con ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM
Tác giả tham gia phân phát quà cho bà con ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM

Mùa dịch, anh biết cách tiết kiệm, biết chọn món nào nấu trước, món nào nấu sau. Ngày thường, em về trễ là anh nói khó nghe, hoặc gọi điện thoại; còn bây giờ, có khi 22 giờ em mới lọ mọ về, anh mở cổng đầy thông cảm, thương xót, lo lắng, mang bình xịt ra... tưới khắp người em, rồi mới cho vào nhà. 

Trưa nào anh cũng pha cho em ly nước chanh để tăng sức đề kháng. Vài hôm, anh nấu cho nồi nước sả, chanh, gừng để xông, mùi hương lá thơm nức gian bếp nhỏ. Rồi ai bày gì anh làm nấy, “miễn sao cho con vi-rút né vợ anh ra là được”. 

Các con ở nhà với ba ngoan lắm,  nghe anh kể về con, em cảm nhận chưa bao giờ anh hiểu con mình như lúc này, chưa bao giờ anh quan tâm con cái như lúc này, và các con càng quấn quýt ba, gần gũi ba. 

Có hôm anh kể, bé Nâu nói ba nấu cơm ngon hơn mẹ, ba ít la con hơn mẹ. Từ nhận xét của con gái, anh nhận ra rằng vợ nhiều việc nên hay quạu, vợ nhiều việc nên cơm nước có khi qua loa. Anh hứa từ nay phụ vợ bếp núc, có vào bếp anh mới hay vợ vất vả... 

Những ngày thành phố siết chặt Chỉ thị 16, bà con bí bách vì không được ra ngoài, việc đi chợ hộ, mua combo thực phẩm cũng gây khó khăn cho nhiều người, việc chưa được nhận tiền trợ cấp… khiến vài người gọi điện thoại mắng vợ, chồng nghe rất xót nhưng vẫn động viên:

“Lúc này, bà con mình khó khăn trăm bề, nghe nói về gói hỗ trợ này, quà trợ cấp kia nhưng chưa tới tay thì nôn nóng, bức xúc, thôi thì cứ để bà con trút giận, mình cứ làm hết mình, người ta cũng sẽ hiểu ra”. 

Trong số phụ nữ làm việc chung với em, ít ai được chồng tạo điều kiện đi làm như em. Có chị 11 giờ trưa đã phải đứng dậy ra về kẻo chồng trách, em thì thoải mái vì nhờ có chồng quản việc nhà, nên không phải lăn tăn. 

Em mơ ước một ngày không xa dịch bệnh được kiểm soát, cả nhà mình sẽ làm vài món ngon “tiễn đưa”... cô Vy, chào mừng thành phố trở về trạng thái “bình thường mới”, em sẽ trở về “điểm phấn tô son lại”, vì gương mặt em bây giờ đen sạm, chỉ có chỗ đeo khẩu trang là trắng một cách đặc biệt mà thôi. 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI