Chia sẻ mặt bằng làm ăn mùa dịch

02/07/2020 - 10:47

PNO - Hoạt động sau dịch COVID-19, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã lập nhóm để kêu gọi giảm chi phí mặt bằng, san sẻ khó khăn, cùng vượt qua mùa “Cô Vy”.

Một nhà nhiều “chủ”

Gần đây, trên các công cụ tìm kiếm cũng như mạng xã hội rộ lên phong trào chia sẻ mặt bằng kinh doanh tại những nơi đắt đỏ. Không quá khó để tìm một mẩu tin với tiêu đề “share mặt bằng kinh doanh”, hoặc “chia sẻ mặt bằng”... Chỉ trong thời gian ngắn, nhóm chia sẻ mặt bằng đã có hơn 7.000 thành viên, nhất là với các dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn như ăn uống, làm đẹp, thời trang…

Kinh doanh trở lại sau dịch, vấn đề giá thuê mặt bằng là “gánh nặng” của không ít người
Kinh doanh trở lại sau dịch, vấn đề giá thuê mặt bằng là “gánh nặng” của không ít người

Thuê nhà nguyên căn trên đường Võ Văn Tần (Q.3, TPHCM) một trệt một lầu với diện tích vỏn vẹn 15 mét vuông, chị Trần Thị Kim Thoa đã chia sẻ đến bốn shop kinh doanh khác nhau để tiết giảm chi phí.

Bên này là quầy mỹ phẩm, còn bên kia là quầy thực phẩm chức năng. Trên lầu là sản phẩm cho mẹ và bé. Khoảng không còn lại đang được chủ cửa hàng đăng tin cho thuê theo hình thức chia sẻ mặt bằng, dành cho người đang cần không gian đặt hàng.

“Người thuê có thể dùng mặt bằng của mình, sử dụng nhân viên và các hệ thống bán hàng của mình luôn. Như vậy mỗi người đều có thể tiết kiệm được 50% chi phí nếu chia cho hai người, nếu chia bốn thì sẽ tiết kiệm tới 75%. Những người đến chia sẻ, ngoài đưa sản phẩm đến bày bán thì không cần phải đầu tư gì cả” - chị Thoa cho biết.

Tình hình buôn bán quần áo trẻ em không thuận lợi sau dịch COVID-19, trong khi khoản tiền thuê mặt bằng hơn chục triệu đồng/tháng khiến chị Linh Đan (ngụ Q.10, TPHCM) không khỏi đau đầu. Qua các diễn đàn, chị tìm được một chủ shop chuyên bán đồ chơi, phụ kiện trẻ em thuê chung mặt bằng để giảm bớt “gánh nặng”.

Không cần ngăn đôi cửa hàng, hai bên thỏa thuận và bày biện đồ hợp lý, bắt mắt. Tiền thuê mặt bằng 15 triệu đồng/tháng (diện tích 18 mét vuông) chia đôi giúp chị Đan đỡ áp lực hơn mỗi khi cửa hàng vắng khách. Chị hồ hởi: “Hoàn cảnh khó khăn thế mà lại hóa hay. Khách vào ngó mấy món đồ chơi, nhìn thấy quần áo trẻ em đẹp mắt cũng ghé vào lựa mua. Dần dần, tôi có thêm nhiều khách quen từ cửa hàng thuê chung này”.

Nhiều nhóm thông báo chia sẻ mặt bằng tại TP.HCM
Nhiều nhóm thông báo chia sẻ mặt bằng tại TP.HCM

Theo chị Đan, khi đăng thông tin tìm người thuê chung, chị cũng lưu ý rõ tình trạng cửa hàng, về mặt hàng chị đang bán để tránh trùng lặp, diện tích mà chị đã sử dụng, chưa sử dụng, tìm những chủ buôn cùng nhưng không cần đầu tư quá nhiều vào việc trang hoàng cửa hiệu... để “đối tác” tìm hiểu rõ và không mất thời gian của nhau.

Không chỉ các mặt bằng nhỏ mới tìm người thuê để vượt khó mà nhiều cao ốc lớn, mặt tiền đắt địa ở Q.1 (TPHCM) cũng cho thuê chung. Người thuê là các công ty mở văn phòng đại diện, phòng giao dịch khách hàng... Mỗi công ty chỉ kê tượng trưng một chiếc bàn làm nơi tiếp khách. Chính vì vậy, một cửa hàng có thể có tới 2 -3 tấm biển quảng cáo là bình thường.

Shop “3 ca”

Không bán cùng nhau, nhiều mặt bằng tại Sài Gòn lại cho thuê theo giờ, chia ba ca bán nhiều mặt hàng khác nhau trong một ngày.

Mở quán bún cá Châu Đốc góc đường Hòa Bình (Q.11, TPHCM), bà Hiền lo chi phí mặt bằng cao sẽ bị lỗ. Để trụ lâu, bà quyết định kéo thêm khách thuê mặt bằng tính theo giờ. Buổi sáng từ 5g-10g, bà cho khách thuê bán cơm tấm. Ca hai từ 11g-16g, một bạn hàng khác bán nước giải khát. Từ 17g trở đi, khi phố chập choạng lên đèn, bà Hiền mới cùng con gái dọn hàng bún cá bán đến 23g.

Người này tiết lộ, nhờ cách làm này mà chi phí thuê mặt bằng không còn là rào cản kinh tế, lại còn giúp cho cả ba bạn hàng đều vượt qua những khó khăn bước đầu để trụ lại nơi đây. “Thời buổi khó khăn, chi phí mặt bằng lại đắt đỏ, nếu không chọn cách này thì gay go lắm. Tiền thuê chúng tôi ăn đồng chia đủ làm ba phần, mỗi bên gánh một phần” - bà Hiền bộc bạch.

Trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh, TPHCM), không ít nhà mặt phố cũng được gia chủ cho thuê mặt bằng theo giờ để tăng doanh thu. Dọn hàng ốc chuẩn bị bán ca tối, chị Đào Thị Hồng (40 tuổi, chủ quán) kể, ban ngày nơi này chủ bán hàng gia dụng nhà bếp, chiều tối thì nhượng lại để chị kinh doanh ẩm thực.

“Tôi buôn bán kiểu share (chia sẻ) mặt bằng thế này hơn ba năm rồi. Nhưng mình là người đi share nên phụ thuộc vào người thuê chính, nếu họ trả mặt bằng hoặc sang nhượng cho người sau, mà người này không chịu share cho mình thì bắt buộc tôi phải tìm nơi khác. Do vậy, trước khi thuê phải có thỏa thuận hợp đồng rõ ràng, tránh phiền phức về sau” - chị Hồng nêu kinh nghiệm.

Chia sẻ rủi ro

Nghiên cứu mới đây của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, xu hướng thuê mặt bằng bán lẻ ở các mặt phố trong nội đô Sài Gòn theo ca, theo giờ ngày càng phổ biến. Khách thuê tận dụng mặt bằng chỉ trong vài giờ một ngày rồi chuyển giao cho khách thuê kế tiếp. Họ tự thỏa thuận với nhau cùng chia sẻ chi phí để thuận lợi cho việc kinh doanh ngành hàng riêng của mình. Cách làm linh hoạt này có mặt tích cực là giá rẻ, tiện lợi và rất hiệu quả trong điều kiện phí thuê khá đắt đỏ và kinh tế khó khăn.

Một mặt bằng nhỏ nhưng chia sẻ cho nhiều chủ cùng thuê
Một mặt bằng nhỏ nhưng chia sẻ cho nhiều chủ cùng thuê

Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, bộ phận đầu tư Savills Việt Nam cho biết, bên cạnh chi phí nhân viên, chi phí cố định thì chi phí cho thuê mặt bằng rất lớn. Do đó, người ta cũng cần kết hợp chung trong việc cho thuê mặt bằng. Cùng chung mặt bằng nhưng có nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau. Bên cạnh đó, vấn đề kinh doanh online và trực tuyến được các doanh nghiệp dùng để giảm thiểu chi phí đầu vào và trong trường hợp này là chi phí cho thuê mặt bằng.

“Khi hợp tác chia sẻ mặt bằng, vấn đề bảo vệ quyền lợi liên quan đến hợp đồng giữa các đối tác cùng chơi với nhau; giữa các đối tác và chủ cho thuê là những điều khoản mà hợp đồng cần làm rõ. Đặc biệt trong những trường hợp bất khả kháng thì cần nghiên cứu bổ sung, để tránh những tranh chấp sau này” - ông Sử Ngọc Khương lưu ý.

Chị Trần Thị Kim Thoa (người chia sẻ mặt bằng) cho rằng: “Khi khách hàng của bên share với khách hàng của mình cùng tới mua sản phẩm của nhau thì có thể tương trợ lẫn nhau. Mình phải soạn thảo hợp đồng rất kỹ, trách nhiệm của từng bên như thế nào, bán hàng giúp cho nhau, chia sẻ doanh thu ra sao… đều phải làm rõ”.

Theo các chuyên gia kinh tế, người dân thành phố ưa chuộng phương tiện giao thông cá nhân, có truyền thống bán buôn nhỏ lẻ mà không cần phô trương tên tuổi bằng bảng hiệu nên đã phát sinh xu hướng thuê mặt bằng theo giờ. Tiểu thương thuê mặt bằng bán lẻ theo giờ thậm chí không cần treo bảng hiệu để giới thiệu ngành hàng mình kinh doanh. Họ chỉ bán cho những khách quen, mối ruột, khách vãng lai tình cờ ghé qua là chính.

Xu hướng thuê mặt bằng bán lẻ theo giờ, theo ca tuy hiệu quả đối với tiểu thương kinh doanh nhỏ lẻ nhưng hoàn toàn không phù hợp với những doanh nghiệp làm ăn theo phong cách chuyên nghiệp, có nhu cầu quảng bá thương hiệu. Sự khác biệt lớn giữa mặt bằng bán lẻ nhà phố và trung tâm thương mại đã tạo điều kiện cho xu hướng thuê mặt bằng bán lẻ theo giờ phát triển. Đây là nhân tố tích cực, mỗi phân khúc phục vụ một nhóm đối tượng riêng.

Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược và quản lý doanh nghiệp, cho rằng việc các doanh nghiệp liên kết cùng tạo thành những diễn đàn trao đổi kinh nghiệm, kết nối kinh doanh, giúp giảm chi phí trong thời dịch là rất cần thiết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nghiên cứu, không ngừng tung ra các sản phẩm mới, hấp dẫn khách hàng. Những điều chỉnh dù nhỏ của doanh nghiệp trong lúc này phù hợp với hành vi mua sắm mới, cũng sẽ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. 

Thiên Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI