Ánh đèn soi qua đời Sáu Trong

28/04/2020 - 08:04

PNO - “Sau đêm 30, mấy cô chiếm dinh Tỉnh trưởng Gia Định xong thì đi về hướng ngã năm Chuồng Chó bây giờ. Đi tới đâu, dân mừng đón tới đó. Đêm xuống ở đâu thì cả đoàn ngủ tại đó. Mấy đêm ấy, hễ vừa thiếp đi, cô nào cũng giật mình vì mơ màng thấy ánh đèn. Xưa nay mình ở trong rừng, chỉ dám ngủ trong bóng đêm, chỉ khi bị cầm tù, tra tấn, hoặc đi vào vùng địch mới thấy ánh đèn nửa đêm”.

Đã 45 năm kể từ cái ngày “chập chờn vì sợ ánh đèn” giữa Sài Gòn, bà Sáu Trong - tên thật là Võ Thị Tiệp - vẫn nhớ như in từng chi tiết trong những ngày kỳ lạ đó. Bây giờ, trong tư gia khang trang, rộng rãi ở phường Trung Mỹ Tây, quận 12, TPHCM của bà, đèn điện sáng choang. Hai thứ ánh đèn là hai phần đời của nữ du kích Củ Chi trong cả những ngày cam go và hào hùng nhất.

Bà Sáu Trong nhớ rành rõ từng chi tiết, địa danh dù những ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh đã trôi qua 45 năm
Bà Sáu Trong nhớ rành rõ từng chi tiết, địa danh dù những ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh đã trôi qua 45 năm

Hồi ức tháng Tư 

Chiều 26/4/1975, bà Sáu Trong bước ra khỏi đơn vị thì thấy xe tăng đậu giáp vòng. Chưa kịp hỏi, bà nghe một anh lính đặc công nói với giọng tự hào: “Tăng lội sông qua Sài Gòn về đậu kín chiến trường Củ Chi đó”. 

Chiều đó, bà được Quận đội gọi lên phân công việc, chuẩn bị cho một nhiệm vụ lớn. Đó là lần đầu tiên bà nghe công bố về Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trên bản đồ đang trải ra trước chỉ huy, bà thấy điểm xuất phát hành trình ngay tại Củ Chi, còn điểm đến xa nhất là khu vực chợ Bà Chiểu và dinh Tỉnh trưởng Gia Định. Bà được giao làm đội trưởng đội nữ du kích 12 người, cùng với đội trinh sát Củ Chi lập thành một đại đội trinh sát thuộc Trung đoàn Đất Thép, làm nhiệm vụ trinh sát cho trung đoàn tiến từ Củ Chi vào hướng Gia Định, rồi hỗ trợ các quận Gò Vấp, Bình Hòa, Thạnh Mỹ Tây (quận Bình Thạnh bây giờ).

Sáu Trong có hai ngày để chuẩn bị lương thực, toàn là lương khô. Cầm cây súng Rulo trái khế, Sáu Trong được chỉ đạo: “Đây là một chiến dịch, phải nhắm thẳng mục tiêu, chỉ tiến, không lùi, có gặp thương binh cũng không dừng, sẽ có một đội theo sau để tải thương. Nhiệm vụ của Sáu Trong là đánh giặc, có chết cũng phải tiến".

Chiều 28/4/1975, trung đoàn của Sáu Trong lên đường đi bộ từ xã An Phú, huyện Củ Chi qua cầu Rạch Sơn. Lần đầu cầm súng đi công khai trên đường trống, không có chỗ khuất ẩn nấp, Sáu Trong cố gắng gạt cái bất an mơ hồ, ôm súng đi thẳng. Đi tới con rạch mà bây giờ là Công viên nước Củ Chi, cả đoàn đang chuẩn bị bơi qua như thường lệ thì thấy từ mép bờ sông, một con đường đã mở ra từ bao giờ với nẹp tre bện chặt. Không biết công binh đã làm ở đâu, rồi đặt ở đây từ lúc nào, nhưng trung đoàn cứ thế bước lên đường tre mà qua sông. 

Hành trình sau đó là cả một chuỗi thuận lợi không ngờ. Đêm đầu tiên, trung đoàn chiếm được xã Tân Thạnh Đông, đào công sự dài theo đường số 15 (đường từ cầu Xáng đi lên), nằm ngủ. Ngay gần đó có một khúc cua, thường có nhiều binh lính của địch tuần tra và canh gác, nhưng suốt một đêm 28 và sáng 29, không có tên địch nào. Đồn địch vắng tanh. Đại đội trinh sát cứ thế băng đi dẫn đường, đến chiều 29 thì qua cầu Xáng, rẽ qua Gò Cát (quận 12) rồi ngủ đêm tại Sở Cao su gần đó. Đến 10g sáng 30/4, khi vẫn còn ở Gò Cát, Sáu Trong nghe giọng ông Dương Văn Minh nói trên loa phát thanh, lệnh “tất cả các đơn vị ngừng bắn". Nghĩa là, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa ra lệnh cho binh sĩ của mình đầu hàng. Sáu Trong cùng đồng đội chợt hiểu ra tình thế, ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi.

Thế nhưng, 10g30, ra đến đường Quang Trung, trung đoàn giáp mặt một toán địch rất đông. Họ không đầu hàng. Đến ngã tư An Sương, địch càng đông như kiến cỏ, chạy tán loạn, vừa chạy vừa bắn vô tội vạ. Một vài đồng đội của Sáu Trong ngã xuống. Đến ngã năm Chuồng Chó (quận Gò Vấp), người dân đã chạy ra chờ sẵn, tay bắt mặt mừng. Có những phụ nữ xin “cho đi theo luôn với các chị", rồi cùng đoàn đi vòng ra ngã tư Phú Nhuận, chiếm chợ Bà Chiểu rồi chiếm luôn tòa hành chánh tỉnh Gia Định. Đúng 11g30 ngày 30/4/1975, bà Sáu Trong chứng kiến một chỉ huy Trung đoàn Đất Thép cắm lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên tòa nhà này.

Lúc đó, Sáu Trong không hề biết rằng, ngay lúc bà cùng đồng đội nghe lời ông Dương Văn Minh trên loa phát thanh thì tại nơi phát đi giọng nói đó, bộ đội đã đem lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam cắm lên nóc Dinh Độc Lập. 

Tấm hình cũ khiến địch nhận ra bà Sáu Trong (thứ hai từ trái qua) vì bà chụp cùng Phó tư lệnh Quân giải phóng  miền nam Việt Nam Nguyễn Thị Định
Tấm hình cũ khiến địch nhận ra bà Sáu Trong (thứ hai từ trái qua) vì bà chụp cùng Phó tư lệnh Quân giải phóng miền nam Việt Nam Nguyễn Thị Định

Đối diện tôi, người đàn bà 72 tuổi lanh lẹ hoạt bát như mới ngoài 50 nhớ không sót một chi tiết, địa danh nào của trận chiến. Mới đây, bà nhận được một cuộc điện thoại từ số lạ, nói: “Chị Sáu ơi, hồi đó gặp chị ở Phạm Văn Cội, tôi không nhớ mặt nhưng tôi nhớ dáng chị, hình như chị cụt tay phải không chị Sáu?”. Người đàn ông đó là một trong những chiến sĩ của Quân đoàn 3 đã đánh thắng trận Đồng Dù trong những ngày tháng Tư lịch sử. Ông gọi để mời người đàn bà mà mình chỉ thấy duy nhất một lần ở Củ Chi cách đây 45 năm dự buổi khánh thành bia tưởng niệm các đồng đội hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. 

Chỉ đến chi tiết này, tôi mới nhớ bà là thương binh. Chiếc áo sơ-mi che cánh tay trái chỉ còn một nửa trong tay áo dài. Đó là người “đàn bà thép" tôi từng được biết với bao trận thắng không ngờ, bao phen diệt ác, phá kìm, rồi ba lần bị địch bắt giam, tra tấn tàn khốc. Lạ một điều, bà không bao giờ nhắc về gian khổ. Kể cả khi nhắc đến việc xử trí cái tay cụt, bà vẫn nhẹ tênh. 

Dựng cơ nghiệp từ một bàn tay trắng

Mỗi lần Sáu Trong bị bắt, đồng đội lại lo, vì bà quá rành rẽ mọi thứ trong vùng kháng chiến, bọn địch lại không từ thủ đoạn tra tấn nào để lấy thông tin. Thế nhưng, suốt 13 tháng bị giam lần đầu, bà không hé nửa lời về cơ sở. Được thả với hồ sơ được xếp loại “tình nghi", bà lại tiếp tục về với căn cứ, tổ chức diệt ác, phá kìm. “Đời cô giờ không biết sợ gì nữa, gì cũng trải qua rồi, nên giờ chỉ có an vui mà sống” - bà nói.

Trong lần thứ ba bị bắt, địch đánh bà bể xương khuỷu tay. Sáu tháng trong tù, vết thương cứ thế lan rộng, thối rữa. Ra tù, bà được bác sĩ ở căn cứ khám, chỉ định “tay này giờ phải cắt". Nghe chỉ định xong, bà ôm cái tay, tiếp tục đi làm nhiệm vụ. Trong lần tái khám, bác sĩ lại cảnh báo vết thương có thể gây nguy hiểm tính mạng. Nhiều lúc gặp nhau sau những nhiệm vụ cam go, chỉ huy lại nhìn Sáu Trong, nói: “Em phải cắt cái tay đi để còn sức khỏe chiến đấu nữa". Khi đó, bà mới chừng 20 tuổi. 

Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, bà xuống bệnh viện Bình Dân, khai “không cha, không mẹ, không gia đình" để được tự tay ký giấy cưa cánh tay trái. Cắt xong, bà ra bến xe Tây Ninh để bắt xe về ấp chiến lược Tân Lập Thượng. Taxi vừa đỗ xuống bến xe Tây Ninh ở ngã sáu Sài Gòn, bước xuống để đi bộ tới chỗ hàng xe khách, Sáu Trong chợt thấy mất thăng bằng vì hai cánh tay giờ chỉ còn một. 

Sau giải phóng, Sáu Trong không biết chữ, lại cụt tay nên quyết tâm đi học bổ túc văn hóa, đến năm 1981 thì tốt nghiệp. Đường binh nghiệp của Sáu Trong có một điểm lạ: từ lúc ở rừng về, bà đã đeo quân hàm chuẩn úy nhưng đến khi giải phóng, sau bao chiến tích vẻ vang mà không một lần sai sót hay bị kỷ luật, bà vẫn chỉ đeo hàm chuẩn úy. Trong chiến trường, mỗi lần lập công, cấp trên chỉ tưởng thưởng bằng cân đường, hộp sữa chứ không đủ thời gian báo cáo về cấp trên để thăng hàm. Đất nước thống nhất, dù có bằng tốt nghiệp, cánh tay cụt vẫn khiến Sáu Trong không đủ điều kiện sức khỏe để tham gia công tác. Lúc này, chồng bà lại đang thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Bà quyết: “Không được chính trị thì mình làm kinh tế".

Nói là làm, bà vay tiền đồng đội, mua một miếng đất làm chỗ chăn nuôi. Đầu tắt mặt tối trong trang trại, bà một mình nuôi hàng trăm con gà và đàn heo thịt ở khu Tân Thạnh (quận Tân Bình). Đến năm 1992, chồng từ Campuchia trở về, khu đất làm trang trại cũng bị giải tỏa. Bà lấy tiền đền bù, xuống vùng Trung Mỹ Tây mua một mẫu đất. Bắt đầu từ lúc này, từ tay bà, mảnh đất mọc lên trang trại, nhà trọ, nhà kho, trường mẫu giáo, có tiền thì làm từ thiện. Lúc này, ở quanh khu Trung Mỹ Tây, ít ai biết bà từng là du kích, nhưng hễ tới gần Trường quân sự Quân khu 7, hỏi “bà Sáu Trong" thì không ai không biết, bởi bà ủng hộ từ thiện cho hoạt động của mọi hội, nhóm trong vùng. Và còn bởi "bả giàu lắm, cả dãy nhà trọ thắp đèn điện vô tuốt trong kia, là của bả".

Sáu Trong giờ không sợ ánh đèn nữa. Ánh đèn bỡ ngỡ với chiến thắng năm xưa giờ được chính bà thắp lại trong tư gia khang trang tự mình gầy dựng. Bà khởi nghiệp khi chỉ có một thân một mình, cơ thể bất toàn, lại không có bất kỳ kinh nghiệm mưu sinh nào. Có lẽ bởi từ thời kháng chiến cho đến thời mưu sinh khốc liệt, bà đều đã sống bằng chính phẩm chất kiên cường của người nữ du kích Đất Thép. 

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI