An ninh hàng không tại Đông Nam Á: “Mất bò mới lo làm chuồng”

12/03/2014 - 18:09

PNO - PN - Trong lúc cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines (MAS) vẫn đang tiếp diễn trên Biển Đông với sự tham gia của chín quốc gia, các chuyên gia hàng không đã đưa ra cảnh báo rằng việc phát hiện hai hành khách lên máy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Các chuyên gia an ninh hàng không và cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cho rằng, hai trường hợp mang hộ chiếu giả đi trên chuyến bay MH370 cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong an ninh hàng không quốc tế. Theo Interpol, hơn một tỷ người đi máy bay mỗi năm nhưng hộ chiếu của họ không hề được nhà chức trách đối chiếu với cơ sở dữ liệu của Interpol. Về phần mình, Interpol xác nhận hai hộ chiếu trên đã được nhập vào cơ sở dữ liệu này sau khi chúng bị đánh cắp ở Thái Lan.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc trên, Malaysia đã tiến hành cuộc điều tra chống khủng bố.

An ninh hang khong tai Dong Nam A: “Mat bo moi lo lam chuong”

Hình ảnh hai kẻ mang hộ chiếu giả do cảnh sát Malaysia công bố - Ảnh: AFP

Ngày 11/3, nhà chức trách an ninh hàng không Malaysia công bố hình ảnh hai kẻ sử dụng hộ chiếu giả, một trong hai người này là Eouria Nour Mohammed Mhrdad (19 tuổi), người Iran, đang xin cư trú tại Đức, không có quan hệ gì với các tổ chức khủng bố. Cảnh sát Malaysia đang xác định nhân thân của nghi phạm sử dụng hộ chiếu ăn cắp thứ hai, cũng được cho là đang tìm cách tị nạn ở Đức.

Về tình trạng lỏng lẻo trong kiểm tra hộ chiếu tại Malaysia, hãng tin AFP dẫn lời Tổng thư ký Interpol Ronald Noble cho biết, tổ chức của ông từ lâu đã thắc mắc tại sao các quốc gia lại chờ đến khi “thảm kịch” xảy ra mới chịu tăng cường các biện pháp an ninh nghiêm ngặt tại sân bay. Bộ trưởng Nội vụ Malaysia, ông Ahmad Zahid Hamidi cho rằng: “Rất khó xác định được tính xác thực của một tấm hộ chiếu vì không phải nước nào cũng áp dụng yếu tố sinh học và mã vạch như Malaysia đang làm”. Tuy nhiên, ông Hamidi vẫn phải phê phán cách làm việc của bộ phận xuất nhập cảnh tại phi trường Kuala Lumpur: “Tôi không thể hiểu tại sao các nhân viên không hề ngạc nhiên khi kiểm tra thấy những người có nét mặt thuần châu Á mà lại sử dụng hộ chiếu của Áo và Ý”. Trong khi đó, hãng Malaysia Airlines cho là họ không có trách nhiệm trong việc xác định hộ chiếu giả hay thật mà chỉ xem tên trong hộ chiếu và vé có trùng khớp hay không.

An ninh hang khong tai Dong Nam A: “Mat bo moi lo lam chuong”

Luigi Maraldi cho cảnh sát Thái Lan thấy hộ chiếu anh đang dùng, trong khi hộ chiếu trước đây bị mất trở thành hộ chiếu giả

“Dùng hộ chiếu giả để lên máy bay là điều không thể xảy ra ở Trung Quốc vì việc kiểm tra nhân thân hành khách tại sân bay là rất nghiêm ngặt”, Zhang Qihuai, một chuyên gia hàng không và là giáo sư Khoa học chính trị và luật của trường ĐH Bắc Kinh khẳng định. Tuy nhiên, từng có trường hợp nhân viên an ninh cửa khẩu cho phép hành khách nước ngoài lên máy bay dù tên trên hộ chiếu và tên trên vé đặt mua trước là khác nhau.

Chính hãng Malaysia Airlines hồi năm 2012 từng bị an ninh hàng không New Zealand phạt vì đã sửa số hộ chiếu của một hành khách Malaysia để cho người này đến Auckland, dù đã có yêu cầu không cho hành khách này lên máy bay. Hãng hàng không Cathay Pacific cũng từng bị phía New Zealand phạt tiền vì không cung cấp được thông tin của một người Nam Phi đáp chuyến bay đến Auckland thông qua cửa ngõ Hồng Kông.

Clip về mạng lươới ngầm buôn bán hộ chiếu giả tại Thái Lan

Hiện Thái Lan là một trong những nước sản xuất hộ chiếu giả “đáng nể” nhất thế giới. Năm 2009, cảnh sát Thái Lan bắt được một phụ nữ Thái sau khi có thông tin từ cảnh sát Tây Ban Nha là cô ta liên quan đến băng đảng Pakistan bán hộ chiếu giả cho nhóm khủng bố dính dáng đến vụ đánh bom xe lửa năm 2004 khiến 191 người chết. Những hộ chiếu này bị đánh cắp từ du khách đến Tây Ban Nha, sau đó chuyển về Bangkok để làm giả rồi chuyển lại cho Tây Ban Nha. Năm rồi, cảnh sát Thái Lan đã bắt một người đàn ông Thái với hơn 5.000 chiếc hộ chiếu giả, được làm với công nghệ hiện đại mà một nhân viên hàng không bình thường không thể phát hiện được. Thiếu tướng Warawuth Thaweechaikarn, chỉ huy bộ phận cảnh sát xuất nhập cảnh Thái Lan, thừa nhận: “Chỉ những chuyên gia có kỹ năng cao mới nhận biết hộ chiếu và dấu visa nào là giả”.

Sau khi xảy ra việc chiếc máy bay của hãng Malaysia Airlines mất tích, chính phủ Philippines thông báo sẽ xem xét lại các biện pháp an ninh. Ông Edwin Lacierda, người phát ngôn của Tổng thống Aquino, cho biết: “Dù các biện pháp an ninh hàng không mà Philippines hiện áp dụng là rất nghiêm ngặt nhưng sự cố này buộc chúng tôi phải xem xét lại mọi thứ”.

Việc hai tấm hộ chiếu bị đánh cắp và làm giả được dùng để đáp chuyến bay 370 của hãng Malaysia Airlines càng khiến Interpol thúc hối các nước sử dụng hệ thống dữ liệu của tổ chức này để giảm thiểu nguy cơ. Theo Tổng thư ký Interpol Ronald Noble, trong năm 2013, Interpol đã hơn 800 triệu lần đáp ứng yêu cầu xác minh về các trường hợp liên quan đến hộ chiếu, trong đó hai nước Mỹ và Anh chiếm gần 50% số lần yêu cầu. Các nước Malaysia, Trung Quốc, các nước Trung Mỹ, Úc, Pháp, Ấn Độ, Indonesia, Ukraine... gần như rất ít khi đề nghị việc này.

Dù phía Malaysia vẫn dè dặt, song giả thuyết máy bay bị khủng bố đang được đặt ra rõ hơn.

 THIỆN NGA - THIỆN ĐẠO
(Theo AFP, Reuters, AP, Gulf Times, cnbc.com)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI