Ấn Độ: Cấm bia rượu sẽ làm giảm tình trạng bạo lực gia đình?

18/09/2021 - 05:37

PNO - Phụ nữ tại bang Bihar (Ấn Độ) đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình, phản đối việc kinh doanh và tiêu thụ bia rượu, với hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng nam giới quấy rối phụ nữ và bạo hành gia đình, khiến chính quyền bang ban hành lệnh cấm rượu hoàn toàn từ 5 năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia phát triển con người ở Ấn Độ cho rằng, đây vẫn chưa phải là giải pháp duy nhất.

Với gậy và chổi trong tay, nhiều phụ nữ đã tập trung tại một cửa hàng bán rượu ở trung tâm làng Konar, thuộc quận Rohtas, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ. Vào thời điểm này, người chủ cửa hàng đã bỏ đi nhưng để lại một trợ lý để thương lượng.

Medha Patkar, một nhà hoạt động xã hội hàng đầu (giữa), biểu tình với những phụ nữ khác tại một cuộc biểu tình chống rượu vào năm 2016 ở Barwani, Madhya Pradesh
Những phụ nữ tại một cuộc biểu tình chống rượu vào năm 2016 ở Barwani, Madhya Pradesh

“Họ muốn chúng tôi đợi cho đến khi cửa hàng bán hết rượu. Nhưng chúng tôi đã từ chối”, bà Sunita Devi - 52 tuổi, từng là một thợ may và là người dẫn đầu nhóm biểu tình - cho biết. Tuy không đập phá cửa hàng, nhưng Devi và những người phản đối đã thay ổ khóa mới và đóng nó lại.

Với một bang có truyền thống gia trưởng như Bihar, đây là một cảnh tượng hiếm hoi. Nhưng điều này đã xảy ra vì những người phụ nữ như Devi cảm thấy đã quá sức chịu đựng, trước tình trạng đàn ông ở bang này thường xuyên uống rượu và quấy rối gia đình.

“Làng nào cũng có nhiều phụ nữ gặp rắc rối vì đàn ông uống rượu. Những người đàn ông sau khi uống rượu thường quấy rối phụ nữ trên đường và đánh đập vợ khi về nhà”, Devi bức xúc.

Trong 3 thập niên qua, nhiều quán rượu lậu không được cấp phép đã liên tục mọc lên ở các làng quê ở Ấn Độ, và lượng tiêu thụ cũng tăng lên theo đó. “Hầu như người đàn ông nào cũng uống rượu. Tình trạng này lan nhanh không khác gì dịch bệnh”, Devi nói.

Tin phụ nữ ở Konar vùng dậy phản đối việc bán rượu đã lan truyền nhanh đến các làng lân cận, kéo theo các cuộc biểu tình tương tự ở các làng này sau đó. Nhiều phụ nữ đã đột kích vào một số cơ sở sản xuất bia rượu bất hợp pháp, một số khác tấn công những cửa hàng bán rượu không có giấy phép và đập phá các chai rượu.

“Trước đây đã từng có nhiều vụ phản đối chống rượu nhỏ lẻ tại bang Bihar, nhưng các cuộc biểu tình tại làng Konar trong thời gian gần đây đã khơi dậy một phong trào “đoàn kết phụ nữ từ mọi tầng lớp xã hội” ở Ấn Độ, và làm cho bạo lực gia đình, vốn được xem là chuyện riêng ở nước này từ trước nay, được xã hội biết đến nhiều hơn”, Sudha Varghese - một nhà hoạt động xã hội ở Patna, thủ phủ của bang - nhận xét.

Vào tháng 4/2016, trước sự phản đối của nhiều phụ nữ, chính quyền bang Bihar, nơi có dân số khoảng 124 triệu người, đã ban hành lệnh cấm rượu hoàn toàn. Các cửa hàng và quán bar đã bị bỏ trống trên toàn bang sau đó. Bất kỳ ai bị bắt quả tang đang uống hoặc bán rượu đều có thể phải đối mặt với án tù chung.

Tuy nhiên, sau đó việc buôn bán rượu lậu tại bang Bihar vẫn phát triển mạnh, và nhiều người nghiện rượu thậm chí đã chuyển sang sử dụng ma tuý. Đến tháng 3 năm nay, hơn 346.000 người đã bị bắt theo luật cấm rượu nói trên.

Cảnh sát đặc nhiệm tại một trạm kiểm soát trên biên giới liên bang Bihar-Jharkhand để tìm kiếm rượu vào Bihar
Cảnh sát tại một trạm kiểm soát trên biên giới liên bang Bihar-Jharkhand để ngăn chặn rượu vào Bihar

Ở một góc độ khác, các chuyên gia về phát triển con người ở Ấn Độ cho rằng, đạo luật cấm rượu nghiêm khắc như bang Bihar đang áp dụng chưa hẳn đã giúp giảm mạnh tình trạng lạm dụng và quấy rối phụ nữ tại bang này nói riêng, và ở Ấn Độ nói chung.

Trên thực tế, sau 5 năm áp dụng luật cấm rượu, tỷ lệ người tiêu thụ rượu tại bang Bihar đã giảm đáng kể, từ gần 1/3 nam giới trưởng thành trước lệnh cấm xuống còn 15% sau đó, theo một phân tích sơ bộ của Bhim Reddy và Bharati Kondepudy - các chuyên gia từ Viện Phát triển con người tại Delhi (IHD).

Nhưng trong cùng thời gian này, tỷ lệ phụ nữ bị chồng ngược đãi ở bang chỉ giảm từ 46% xuống 42%, một mức giảm mà Reddy cho là “quá ít và đáng thất vọng”.

Kondepudy cũng cho rằng việc quy rượu là nguyên nhân chính gây ra bạo lực gia đình cũng chưa hoàn toàn chính xác. “Chế độ gia trưởng đã ăn sâu vào nhiều thế hệ và sự bất bình đẳng trong vai trò của các giới cũng góp phần dẫn đến tình trạng này”, Kondepudy nhận định.

“Tuy nhiên, việc giảm uống rượu bia đáng kể có thể tạo ra “một sự khác biệt đáng kể” cho cuộc sống của nhiều phụ nữ và đời sống kinh tế của các gia đình ở Ấn Độ”, ông Reddy chia sẻ và cho biết thêm, để có một bức tranh đầy đủ hơn về vấn đề này, nhóm chuyên gia IHD sẽ tiến hành nghiên cứu thực địa tại Bihar trong những tháng tới.

Nhất Nguyên (theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI