Ai dễ mang thai ngoài tử cung?

17/07/2023 - 17:09

PNO - Khi xuất hiện những dấu hiệu như đau bụng dữ dội, choáng, ngất xỉu, huyết áp tụt thì rất có thể thai ngoài tử cung đã bị vỡ.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hương Lan - Phó khoa Phụ sản Bệnh viện Lê Văn Thịnh - cảnh báo, gần đây đơn vị ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ trẻ chưa lập gia đình mang thai ngoài tử cung. Qua khai thác bệnh sử, bác sĩ biết được các bệnh nhân này đều có tiền sử thường xuyên sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp.

Lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp?

Ngày 4/7, bác sĩ Hương Lan tư vấn cho bệnh nhân L.K.M. (22 tuổi, ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) để làm thủ tục xuất viện. M. đang lo sợ vì bác sĩ ghi vào hồ sơ là cô phẫu thuật thai ngoài tử cung.

Cách đây vài ngày, M. được đưa đến Bệnh viện Lê Văn Thịnh trong tình trạng đau bụng tới mức choáng, xỉu. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị mất máu. Nghi ngờ đây là một ca mang thai ngoài tử cung, bác sĩ đã chỉ định cho M. thử thai bằng que test nhanh và siêu âm. Như dự đoán, que test cho 2 vạch, siêu âm thì thấy bệnh nhân có thai ngoài tử cung đã vỡ, chảy máu trong ổ bụng. Ngay lập tức, M. được mổ cấp cứu. 

M. chia sẻ cô và bạn trai quan hệ tình dục trước hôn nhân. Sau mỗi lần quan hệ, cô lại uống thuốc tránh thai khẩn cấp. Do chưa lập gia đình mà đã phải nhập viện phẫu thuật thai ngoài tử cung, M. rất sợ cha mẹ biết chuyện. Mấy ngày nay, cô không về nhà, nhờ bạn thân chăm sóc ở bệnh viện. Tuy nhiên, khi bị mẹ của M. tra hỏi gắt gao, người bạn thân đã lỡ miệng nói rằng M. bị bệnh phải nhập viện.

Bây giờ hồ sơ xuất viện ghi là thai ngoài tử cung thì M. không biết ăn nói thế nào với mẹ. Tuy rất thông cảm với hoàn cảnh của M. nhưng bác sĩ Hương Lan vẫn không thể ghi sai bệnh tật của cô. Bác sĩ khuyên M. nên thành thật với mẹ bởi sau khi xuất viện, về nhà, bệnh nhân vẫn phải theo dõi sức khỏe và cần được chăm sóc.

Khi phát hiện mang thai, chị em nên tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa phụ sản kiểm tra, theo dõi sức khỏe
Khi phát hiện mang thai, chị em nên tới bệnh viện để được bác sĩ chuyên khoa phụ sản kiểm tra, theo dõi sức khỏe

M. không phải trường hợp duy nhất. Mới đây, bác sĩ Hương Lan cũng tiếp nhận một cô gái 19 tuổi, tên P.K.D. (ngụ tại TP Thủ Đức, TPHCM) được người thân đưa tới bệnh viện cấp cứu. Tại thời điểm tiếp nhận, D. bị tụt huyết áp, choáng. Triệu chứng của bệnh nhân là đau bụng, trễ kinh.

Khi bác sĩ thông báo D. có thai ngoài tử cung khoảng 6 tuần tuổi, gia đình bệnh nhân đều ngỡ ngàng. Sau khi phẫu thuật cấp cứu, qua quá trình khai thác bệnh sử, bệnh nhân chia sẻ có quan hệ tình dục với bạn trai và đã dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Những lần khác cô cũng dùng thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng không bị gì, không hiểu sao lần này lại mang thai ngoài tử cung.

Nhận biết sớm để can thiệp kịp thời 

Mang thai ngoài tử cung là tình trạng thai không nằm trong buồng tử cung như thông thường mà làm tổ ở vị trí khác: buồng trứng, vòi tử cung, cổ tử cung, thậm chí là ổ bụng. Thai nằm ngoài tử cung khi phát triển lớn sẽ vỡ, gây xuất huyết vào ổ bụng ồ ạt. Phụ nữ mang thai ngoài tử cung nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì tính mạng sẽ bị đe dọa.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng mang thai ngoài tử cung. Bên cạnh các nguyên nhân như mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa, hay nạo phá thai, bị u nang buồng trứng, mắc bệnh lây qua đường quan hệ tình dục… thì lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp cũng được cảnh báo làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Ngoài ra, những phụ nữ từng có tiền sử mang thai ngoài tử cung, từng phẫu thuật vùng chậu và ống dẫn trứng, có thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh như thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá cũng có nguy cơ mang thai ngoài tử cung cao hơn bình thường.

Làm cách nào nhận biết dấu hiệu mang thai ngoài tử cung để kịp thời đi khám? Trước tiên, khi trễ kinh, cần mua que test nhanh để thử thai ngay. Chỉ cần có thai là nước tiểu của phụ nữ đã chứa hoóc môn HCG. Que thử thai cho ra kết quả dựa trên nồng độ hoóc môn HCG chứ không liên quan tới vị trí túi thai làm tổ. Vì vậy, nếu bạn mang thai dù trong hay ngoài tử cung thì thử bằng que vẫn phát hiện được.

Nếu que thử lên 2 vạch, cần nhanh chóng tới cơ sở y tế có chuyên khoa sản để khám. Tại cơ sở y tế, bác sĩ sẽ có thêm các chỉ định phù hợp để kiểm tra kỹ lưỡng nếu nghi ngờ đây là ca mang thai ngoài tử cung.

Tuy vậy, ở giai đoạn quá sớm, thai chưa di chuyển vào tử cung và chưa đủ căn cứ để xác định đây có phải là ca thai ngoài tử cung hay không, bác sĩ sẽ hẹn bạn quay lại tái khám sau khoảng 1 tuần.

Thông thường, trứng sau khi thụ tinh sẽ mất khoảng 3-4 ngày để di chuyển qua eo vòi tử cung vào tới lòng tử cung làm tổ. Ở thời điểm này, vẫn chưa thể phát hiện ra túi thai trong tử cung bằng phương pháp siêu âm. Khi thai được 5 tuần mới thấy được bằng kỹ thuật siêu âm qua đầu dò âm đạo. 

Tiếp đến, trong trường hợp mang thai ngoài tử cung, nhiều phụ nữ ra máu âm đạo đỏ thẫm và kéo dài. Không chỉ thế, họ còn cảm thấy đau bụng tại vị trí thai làm tổ. Cơn đau ngày càng tăng khi tuổi thai lớn dần, thậm chí đau bụng còn kèm ra máu âm đạo.

Khi xuất hiện những dấu hiệu như đau bụng dữ dội, choáng, ngất xỉu, huyết áp tụt thì rất có thể thai ngoài tử cung đã bị vỡ. Lúc này, tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nếu không can thiệp kịp thời do máu chảy ồ ạt vào ổ bụng. Mang thai ngoài tử cung còn khiến bệnh nhân phải đối mặt với di chứng vô sinh.

Xử lý thai ngoài tử cung ra sao?

Có nhiều cách xử lý thai ngoài tử cung. Nếu được phát hiện sớm, khi thai nhỏ dưới 3cm, bệnh nhân chỉ cần tiêm thuốc cho túi thai nằm lạc chỗ tự tiêu đi. Trong trường hợp túi thai to hơn nhưng vẫn chưa quá lớn, có thể can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật nội soi, ít xâm lấn, hạn chế được các nguy cơ và biến chứng cho sức khỏe.

Khi cả biện pháp tiêm thuốc lẫn phẫu thuật nội soi đều không thể áp dụng, bác sĩ mới quyết định mổ mở. Thai ngoài tử cung không thể phát triển như bào thai bình thường mà sẽ bị vỡ ra vào một thời điểm nào đó khi bào thai lớn dần.

Trễ kinh kèm đau bụng và ra máu âm đạo kéo dài có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung
Trễ kinh kèm đau bụng và ra máu âm đạo kéo dài có thể là dấu hiệu của mang thai ngoài tử cung

Ngoài nguy cơ đe dọa tính mạng thai phụ khi thai vỡ gây chảy máu ồ ạt vào ổ bụng thì vị trí thai làm tổ cũng bị tổn thương, từ đó ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này. Do đó, khi mang thai ngoài tử cung bắt buộc phải xử lý càng sớm càng tốt.

Sau khi bệnh nhân được can thiệp xử lý thai ngoài tử cung, dù đã xuất viện vẫn cần tuân thủ dặn dò của bác sĩ. Người bệnh cần được chăm sóc, ăn uống đủ chất, tránh lập tức quay trở lại với công việc nặng nhọc.

Bên cạnh đó, chị em cần tạm kiêng quan hệ tình dục cho tới khi sức khỏe hoàn toàn hồi phục. Kể cả khi đã cảm thấy khỏe, chị em vẫn nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn thêm một thời gian, không nên vội vàng mang thai ngay. 

Người có tiền sử mang thai ngoài tử cung trước khi quyết định mang thai trở lại nên được bác sĩ chuyên khoa phụ sản tư vấn, khám sức khỏe sinh sản tổng quát, sinh hoạt lành mạnh nhằm điều trị triệt để các vấn đề (nếu có) để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh. 

Thanh Huyền - Ảnh minh họa: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI