Ai chở mùa hè của con đi đâu?

14/07/2022 - 06:28

PNO - Câu hỏi ấy có bao giờ người lớn tự hỏi mình? Ai đã biến mùa hè vốn dĩ nhiều mộng mơ trở thành mùa học thêm, học năng khiếu?

 

Chuyện học bồi dưỡng hè từ lâu đã biến kỳ nghỉ hè của con trẻ thành kỳ học hè, tạo nên áp lực không nhỏ lên vai những đứa trẻ. Mà đâu chỉ riêng những ngày hè, kể cả những ngày nghỉ, lễ tết bọn trẻ cũng không được nghỉ ngơi đúng nghĩa. 

Vừa rồi, tôi xuống nhà cậu ở TP.Vũng Tàu. Cậu có một con gái nhỏ đang học tiểu học, và ba ngày lễ khi cả nhà ngồi chơi, ăn uống thì cô bé phải ngồi làm bài tập. Đó là những bài tập được cô giáo giao về làm trong lúc nghỉ lễ. Nhìn đống bài tập mà tôi choáng. Tôi tự hỏi, mới ba ngày nghỉ mà một đứa trẻ đã không được vui sống như thế thì thử hỏi cả mùa hè chúng chịu áp lực như thế nào? Trong khi đáng lẽ, ngày nghỉ, mùa hè là thời gian vận động, vui chơi thỏa thích của trẻ. 

Tôi nhớ lại thời học sinh của mình, chừng hai mươi mấy năm trước. Ngày đó, nghỉ hè với tôi là “quăng” hết cặp sách vở, chỉ chơi đùa và khám phá thế giới quanh mình, không áp lực, không âu lo thành tích. Nhìn lại những đứa trẻ bây giờ tôi thấy dường như chúng không còn tâm trạng cho những ngày nghỉ nữa. Thay vào đó, chúng luôn thấp thỏm lo học hết lớp này đến khóa kia. Còn phụ huynh luôn trong tâm thế bắt con mình “chạy ngay đi”, vì họ sợ nếu con mình chậm một chút thôi sẽ thua ngay con hàng xóm.

Quanh tôi, hầu như những người quen, họ hàng đã chọn những khóa học hè cho con. Không chỉ học kiến thức trước để vào năm học mới “dễ thở” thôi đâu mà họ còn tìm các lớp năng khiếu. Thậm chí, những bé mẫu giáo cũng phải học kiểu: Bách khoa dạy trẻ học sớm, trò chơi phát triển trí tuệ, lớp học thiên tài online… Thời gian biểu của những đứa trẻ ấy dường như kín đặc, và lúc rảnh rỗi chúng chỉ nhận lại những thiết bị điện tử để chơi game, đó như một phần thưởng mà các phụ huynh cảm thấy “vậy là ổn”. 

Tôi không biết đổi lại những ngày hè đặt áp lực lên vai con trẻ thì cha mẹ sẽ nhận lại điều gì. Thành tích trên giấy khen là của con nhưng thực chất đó lại là niềm hãnh diện của bố mẹ, ít ra là trên Facebook. Và niềm hãnh diện con mình giỏi hơn con người ta mới đáng sợ làm sao. Nó đè nặng áp lực lên con trẻ, nó đánh mất niềm vui được đi học đúng nghĩa. Bây giờ, đâu thể nói câu “học mà chơi, chơi mà học” được nữa, mà phải nói “học là học, chơi cũng nghĩ đến học”.
Có lẽ ngành giáo dục không cần những chương trình đổi mới hay đề án “đao to búa lớn” gì cả, chỉ cần làm sao chương trình học nhẹ nhàng để mùa hè trẻ con được vui chơi, thế thôi. 

Khánh Hưng (tỉnh Bình Dương)

Bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về Ban Khoa giáo - Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 311 Điện Biên Phủ, P.4, Q.3, TP.HCM. Email: dieuhang123@gmail.com.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI