'ADN' Đà Lạt không phải nhà cao tầng!

23/03/2019 - 10:39

PNO - “ADN” của Đà Lạt không nằm ở tổ chức đô thị bàn cờ hay những tòa nhà cao tầng, mà ở những con đường đồi uốn lượn và các công trình kiến trúc tinh tế, hài hòa giữa những mảng xanh và những vườn hoa...

Nhung nhớ phố bên đồi

Chưa khi nào những người yêu Đà Lạt lại lo lắng và nhớ Đà Lạt nhiều như lúc này. Xa Đà Lạt cũng nhớ, ở ngay giữa Đà Lạt cũng nhớ. Bởi Đà Lạt đang mỗi ngày đổi khác, bị phá nát bởi những chắp ghép về kiến trúc, xây dựng, bởi sự ô tạp của nhu cầu kinh doanh, cơm áo gạo tiền, của khách du lịch tứ xứ…

Đầu thế kỷ XX, từ một địa danh hoang vu rải rác những nếp nhà gỗ đơn sơ, Đà Lạt đã nhanh chóng phát triển một thành phố trung tâm du lịch, thể thao và giáo dục quan trọng ở Đông Dương. Xuyên suốt quá trình này, các nhà quy hoạch đô thị và các kiến trúc sư luôn chú trọng việc bảo tồn cảnh quan, nhấn mạnh yếu tố nước (đặc biệt là hồ) và cây xanh (vườn) bên cạnh những thể nghiệm đa dạng về kiến trúc gần gũi với thiên nhiên, định hướng Đà Lạt thành thành phố - vườn hòa nhập vào cao nguyên Lang Biang, tức là một “thành phố trong rừng”. 

'ADN' Da Lat khong phai nha cao tang!
Nhung nhớ phố bên đồi. Ảnh: Võ Tiến

Theo Pineau, nhà quy hoạch đô thị với đồ án quy hoạch Đà Lạt 1932 nhằm đưa Đà Lạt thành một đô thị thực thụ, thì vùng “bất kiến tạo” vốn là “vẻ đẹp độc nhất của Đà Lạt,” với định hướng “bảo vệ vẻ đẹp thiên nhiên Đà Lạt, mở rộng mặt hồ nhân tạo, phát triển nhiều vườn hoa, thiết lập các phân khu thích ứng theo địa điểm và khí hậu...”. 

“ADN” của Đà Lạt không nằm ở tổ chức đô thị bàn cờ hay những tòa nhà cao tầng, mà ở những con đường đồi uốn lượn và các công trình kiến trúc tinh tế, hài hòa giữa những mảng xanh và những vườn hoa, với quy hoạch phân khu rõ nét, hạn chế tối đa những tác hại tiêu cực tới môi trường. 

Những năm 1930-1940, thời kỳ thăng hoa của kiến trúc Đà Lạt, bên cạnh sự phát triển của các khách sạn, dịch vụ thể thao du lịch, là các tiện ích công như nhà ga, chợ, trường học, viện nghiên cứu, các công trình tôn giáo, cùng với hơn bảy trăm biệt thự, và cũng chừng đó những khu vườn. Điểm chung của những công trình kiến trúc này là chúng đều ẩn nấp một cách duyên dáng trong không gian núi đồi trùng điệp, khiêm tốn và tao nhã, tạo nên một vẻ đẹp hài hòa với tự nhiên. Đây chính là đặc điểm nổi bật nhất, nét riêng hiếm có của Đà Lạt.  

Những năm gần đây, “kiến tạo nơi chốn” (placemaking), dù không phải là một khái niệm mới, đang là một xu hướng được quan tâm trở lại trong các nghiên cứu và thực hành quy hoạch đô thị. Trong khi thiết kế đô thị nhấn mạnh vào những không gian an toàn, tiện ích, và có lợi cho sự phát triển kinh tế, thì “kiến tạo nơi chốn” lại đề cao bản sắc địa phương. Nhiều đô thị trên thế giới đã và đang nỗ lực gìn giữ những trung tâm lịch sử như một cách kể lại câu chuyện của chính mình một cách sống động nhất. 

'ADN' Da Lat khong phai nha cao tang!
Đà Lạt, bản đồ sáng lập thành phố 1932. Olivier Tessier và Pascal Bourdeaux. Viện Viễn Đông Bác Cổ. 2013.

Lấy Paris làm ví dụ. Những luật lệ và quy định nghiêm ngặt về xây dựng và bảo tồn tạo điều kiện cho sự cân bằng giữa những giá trị văn hóa lịch sử cộng đồng (các di sản kiến trúc, cảnh quan ở trung tâm) và vùng phát triển mới (được đưa ra ngoài phạm vi “lõi” trung tâm của đô thị), tạo nên một thành phố biểu tượng văn hóa cho cả cư dân cũng như du khách. 

Ngay cả San Francisco, một phố bên đồi phát triển bậc nhất thế giới, cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của bảo tồn kiến trúc với một chương trình bảo tồn lịch sử riêng trong Văn phòng Quy hoạch thành phố, nhằm gìn giữ trung tâm lịch sử và những đặc sắc đô thị của mình. 

Trước những yêu cầu phát triển kinh tế và đô thị hiện nay, cần nhìn nhận Đà Lạt như một thành phố - cảnh quan, nơi những đặc trưng về không gian và ngôn ngữ kiến trúc thân thiện, gần gũi với môi trường cần được bảo tồn và phát huy, hơn là hủy hoại và xây mới. 

Bởi lẽ, kiến trúc và cảnh quan không đơn thuần là không gian sinh sống, chúng còn là những bài học sống động nhất về lịch sử, là hiện thân của giá trị cộng đồng, nằm trong hệ giá trị chung của đô thị, là thành phần then chốt cấu thành nên bản sắc đô thị.

Thạc sĩ kiến trúc Nguyễn Yến Phi
(Đại học Harvard, Mỹ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI