Ác mộng mang tên xe buýt

11/03/2014 - 08:27

PNO - PN - Chỉ trong vòng một ngày đi thực tế, với vài tuyến xe buýt chính trong thành phố, nhóm PV Báo Phụ Nữ đã ghi nhận hàng chục trường hợp vi phạm giao thông với các lỗi phổ biến của xe buýt như: lạng lách, phóng nhanh vượt ẩu, ra...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành xe khách công cộng TP.HCM cho biết, trong năm 2013 đã xảy ra 62 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe buýt. Hai tháng đầu năm 2014 cũng đã xảy ra hàng chục vụ tai nạn liên quan đến phương tiện này. Hình ảnh về những vụ tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ dẫn đến chết người trong thời gian gần đây liên quan đến xe buýt càng khiến phương tiện giao thông công cộng này trở thành ác mộng với người đi đường.

Ac mong mang ten xe buyt

Xe buýt quẹo phải sát lề đường khiến xe hai bánh phải tránh và chạy lên lề - Ảnh: Phùng Huy

Ra đường sợ nhất… xe buýt

Chiều ngày 6/3, chúng tôi lên chiếc xe buýt số 14 tuyến Bến xe Miền Tây - Bến xe Miền Đông. Lúc này trên xe có khoảng 20 hành khách. Đang lưu thông, bất ngờ tài xế đánh lái mạnh sang bên phải, lơ xe thò đầu ra ngoài cửa kính, tay vẫy miệng hét liên hồi để xin đường, tấp vào một trạm có hai hành khách đang vẫy xe. Cú bẻ lái bất ngờ làm hàng chục hành khách trong xe ngả nghiêng. Tuyệt không có tiếng kêu ca của hành khách. Giải thích điều này, anh Đinh Cao Nguyên - sinh viên năm ba, Trường Cao đẳng GTVT 3 - một hành khách thường xuyên của tuyến xe này cho biết: chuyện này là rất bình thường, phản ánh làm gì, có khi còn bị tài xế, lơ xe chửi.

Trên suốt hành trình từ Bến xe Miền Tây - Miền Đông, cứ khi xe tấp vào trạm là xảy ra tình trạng nhiều xe máy bị ép vào lề đường. Theo quan sát của chúng tôi, khi ghé trạm, xe buýt này không ra tín hiệu xi-nhan trước mà tấp rất nhanh, khiến xe máy lưu thông phía trong xe buýt bị bất ngờ. Sau khi đón, trả khách tại các trạm, tài xế đưa xe trở lại lòng đường cũng rất ẩu. “Họ không xin đường từ từ mà nhoáng một cái đã lao ra giữa đường, khiến những chiếc xe máy đi phía sau bị bất ngờ, rất dễ dẫn đến tai nạn”, anh Nguyễn Thành Nam - tài xế xe ôm tại khu vực bùng binh Cây Gõ nói.

Sáng ngày 7/3, trên xe buýt tuyến 24 chạy từ hướng Bến xe An Sương đi Bến xe Miền Đông, nhìn thấy hành khách vẫy tay, xe đang chạy với tốc độ khá cao lập tức xi-nhan, tấp vào đón khách rồi bẻ lái hướng ra giữa đường, đạp ga chạy mất hút trong chốc lát. Thời gian từ lúc vào trạm đón khách đến lúc trở lại giữa đường diễn ra rất nhanh khiến không ít người đi đường thót tim.

Tương tự, khi đến Quốc lộ 1A, đoạn qua Nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM, cảnh tiếp viên xe buýt ngồi trên xe thò đầu và tay ra cửa vẫy khách, la ó để “dẹp đường” cho tài xế xuất hiện thường xuyên. Đang đứng đón xe khách đi về Bình Thuận ở lề đường cách trạm đón trả khách của xe buýt hơn 20m, ông Nguyễn Văn Tuân phải xách ba-lô nhảy bổ vào phía trong vì từ xa có chiếc xe buýt đang “xi-nhan” tay tấp vào chỗ ông đứng. Thấy không có khách, chiếc xe nhanh chóng bẻ lái ra phía ngoài phóng đi, để lại sau lưng tiếng chửi của người đi đường “chạy như ăn cướp!”.

Ac mong mang ten xe buyt

Nhiều thời điểm chỉ trên một đoạn đường ngắn xuất hiện cùng lúc nhiều xe buýt khiến giao thông càng thêm rối - Ảnh: Phùng Huy

Áp lực thời gian và tâm lý “xe vua”

Tiếp xúc với chúng tôi, một số tài xế xe buýt cho biết: “Nếu vào giờ bình thường thì không sao, nhưng giờ cao điểm thì phải gồng mình lên mà chạy cho kịp thời gian”. Theo ông Y. (tên các nhân vật đã được thay đổi), tài xế chạy tuyến xe 14, nếu không có lý do chính đáng mà đến bến trễ từ 20 phút trở lên là bị mất tour và bị liên hiệp, trung tâm quản lý phạt 300.000đ. “Vậy nên ai cũng ráng tìm cách chạy cho nhanh, không là cả ngày hôm đó trắng tay”.

Ông V., tài xế xe buýt tuyến 146 chạy từ Bến xe Miền Đông đi chợ Hiệp Thành (cự ly 15,8km) cho biết, tuyến này được quy định thời gian hành trình là 60 phút. Tuy nhiên, vào những giờ cao điểm, để “lết” được từ bến đi về bến đến, nếu không chạy nhanh, lấn tuyến thì phải mất từ 80 đến 90 phút, trễ so với thời gian quy định từ 20 đến 30 phút. “Chỉ cần một lần bị phạt là coi như cả ngày làm việc không công!” ông V. cho biết.

Dẫu biết lạng lách, phóng nhanh, chạy ẩu là vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho người đi đường, nhưng nhiều tài xế xe buýt cho rằng, đó là việc bất khả kháng, bởi phía cơ quan quản lý thì ép thời gian, còn chủ xe, chủ doanh nghiệp lại đòi tăng sản lượng vé nên cứ lên xe là chuẩn bị tinh thần rảo mắt để đón khách, tranh thủ chạy thật nhanh cho kịp giờ. “Rơi vào tình thế như vậy hỏi sao anh em tài xế không “vội” cho được?”, một tiếp viên xe buýt phân trần.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Đăng Hải, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP.HCM cho biết: Nếu không đảm bảo giờ giấc thì sẽ phá vỡ hoạt động xe buýt hiện nay. Nhưng không có việc hễ trễ giờ là phạt vạ lái xe mà sẽ căn cứ vào các “hộp đen” (100% xe buýt đã được trang bị-NV) để xem xét nguyên nhân. Nếu vì lý do khách quan làm trễ chuyến như kẹt xe, sự cố... thì không bị phạt, nên lái xe không phải lo lắng vì điều đó. Tuy vậy, giờ giấc căng thẳng cũng tạo áp lực, buộc tài xế xe buýt phải đảm bảo. Việc trễ chuyến có thể sẽ không bị phạt, nhưng nếu trễ quá nhiều thì sẽ bị hủy chuyến. Khi đó, vì lý do không đảm bảo chất lượng phục vụ nên Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP sẽ không chi trả tiền trợ giá, như vậy chủ xe buýt sẽ mất tiền dầu, nhân công và… lỗ.

Ac mong mang ten xe buyt

Tuy nhiên, anh K., tài xế xe buýt chạy tuyến trung tâm Q.1 lại cho rằng: “Đồng ý là nếu chậm trễ có lý do chính đáng thì không bị xử phạt, nhưng nếu cứ trễ hoài như vậy cũng không được. Chính vì tâm lý đó mà cánh tài xế tụi tôi phải tận dụng những đoạn đường vắng để đua cho nhanh, bù cho những đoạn kẹt xe. Nếu nhìn từ xa thấy trạm phía trước không có khách hoặc khách trên xe không xuống thì bỏ trạm là chuyện bình thường”.

Cũng theo anh K., xe buýt được ưu tiên ở hai làn đường (xe máy và xe ô tô) nên có thể do tâm lý được ưu tiên đó mà cánh tài xế ra vào trạm rất nhanh, khiến xe máy bị ép bất ngờ. Ngoài ra, theo nhiều tài xế xe buýt, người điều khiển xe máy thường có tâm lý sợ xe lớn, chỉ cần nghe còi là đã dạt ra nhường đường, lâu ngày thành quen, vậy là xe buýt... ngang nhiên chiếm dụng luôn làn dành riêng cho xe máy.

Theo Trung tá Lại Văn Ba - Đội trưởng Đội CSGT An Lạc, Ban chỉ huy đội thường xuyên nhắc nhở các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ phải “để ý” tới các xe buýt. “Chúng tôi làm thường xuyên, làm quyết liệt tình trạng xe buýt vi phạm luật giao thông. Hầu hết các lỗi vi phạm của tài xế xe buýt bị lập biên bản xử phạt như: dừng, đậu không đúng nơi quy định, chạy quá tốc độ, vượt không đúng quy định luôn được xử lý triệt để”, ông Ba cho biết. Cũng theo ông Ba, khi quyết liệt với tình trạng tài xế xe buýt vi phạm, xử phạt mạnh tay thì tình trạng xe buýt vi phạm giảm hẳn. Dù các đội CSGT đều cho là luôn kiên quyết với loại phương tiện này nhưng thực tế, CSGT rất ngại phạt xe buýt vì đây là phương tiện giao thông công cộng, nếu yêu cầu xe dừng lại để lập biên bản, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều hành khách đang ngồi trên xe.

 Đình Thắng - Phạm Nguyên - Lê Minh

Từ 10/3/2014 tổng kiểm tra xe buýt

Sau hai vụ xe buýt đụng chết người xảy ra liên tiếp trong vòng một tuần, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã quyết định thành lập tổ công tác để tổng kiểm tra các điều kiện sức khỏe, bằng lái của tài xế và cả xe buýt trên địa bàn thành phố. Theo đó, từ ngày 10/3, Sở GTVT bắt đầu tổng kiểm tra tài xế và xe đang hoạt động trên các tuyến xe buýt. Tổ kiểm tra do Thanh tra Sở cùng các đơn vị liên quan như Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, Phòng Quản lý sát hạch, cấp GPLX và các trung tâm đăng kiểm thực hiện. Hành khách có thể liên hệ qua số điện thoại 1900.58.58.14 để phản ánh những vi phạm của xe buýt.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI