2 em bé bị ung thư do truyền từ mẹ trong lúc sinh nở

10/01/2021 - 15:21

PNO - 2 em bé bị ung thư phổi ở Nhật Bản nhiễm tế bào khối u từ mẹ trong hoặc ngay trước khi sinh, làm dấy lên quan ngại về tác động tiềm ẩn của ung thư cổ tử cung chưa được chẩn đoán ở thai phụ.

 

Hình ảnh tế bào ung thư phổi qua kính hiển vi
Hình ảnh tế bào ung thư phổi qua kính hiển vi

Bác sĩ Chitose Ogawa đang công tác ở Bệnh viện Trung tâm Ung thư quốc gia (Tokyo) và các đồng nghiệp đã phát hiện hai trường hợp trên khi giải mã trình tự DNA từ các khối u ở trẻ em, trong một thử nghiệm lâm sàng tiềm năng.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu trên tạp chí New England Journal of Medicine, bé trai đầu tiên được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi khi mới 23 tháng tuổi. Còn bé trai thứ hai bị đau ngực lúc 6 tuổi, sau đó, các bác sĩ phát hiện bệnh nhi có khối u ở phổi trái.

Cả hai bà mẹ đều bị ung thư cổ tử cung: mẹ của bé trai đầu tiên được chẩn đoán lúc 3 tháng sau khi sinh và mẹ của bé trai thứ hai được chẩn đoán ngay sau sinh.

Phân tích cho thấy khối u của các cậu bé có đột biến gen khớp với khối u của người mẹ.

Ngoài ra, DNA của tế bào khối u từ các bé trai thiếu nhiễm sắc thể Y được tìm thấy trong hầu hết các tế bào nam giới. Các tế bào cũng cho kết quả dương tính với các chủng papillomavirus ở người - được biết là nguyên nhân gây ra ung thư cổ tử cung.

Chuyên gia Paul Ekert từ Viện Ung thư Trẻ em ở Sydney - người không tham gia nghiên cứu - cho biết, một số tế bào ung thư có thể xâm nhập vào nước ối khi mang thai hoặc được truyền sang con trong quá trình sinh nở. Cả hai đứa trẻ đều được sinh ra qua đường âm đạo và có khả năng chúng hít phải tế bào khối u.

Những trường hợp lây truyền ung thư từ mẹ sang con như vậy là rất hiếm. Chiếm khoảng 1/1000 ca sinh nở có người mẹ bị ung thư, và ước tính cứ 500.000 bà mẹ bị ung thư thì có một ca lây truyền cho trẻ sơ sinh.

Ekert - chuyên gia về ung thư nhi khoa - cho biết, hầu hết các bác sĩ chuyên khoa ung thư trẻ em có thể gặp trường hợp tương tự một lần trong đời.

Ông nói: “Thông thường, tác động sẽ được phòng tránh do hệ thống miễn dịch tìm cách tiêu diệt các tế bào lây nhiễm từ một cá nhân khác - ngay cả khi cá nhân đó có mối liên hệ máu mủ”.

Ông cho biết thêm, việc một cậu bé chỉ biểu hiện các triệu chứng khi lên 6 tuổi thậm chí còn bất thường hơn. Nó cho thấy rằng các tế bào ung thư vẫn tồn tại và phân chia chậm trong nhiều năm trước khi chuyển sang phát triển nhanh hơn.

Ngọc Hạ (theo MedPage Today, New Scientist)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI