17 bệnh nhân COVID-19 tử vong, Thủ tướng yêu cầu xem lại phác đồ điều trị

12/08/2020 - 20:41

PNO - Thủ tướng yêu cầu ngành y tế xem xét lại phác đồ điều trị COVID-19, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu vắc xin và thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Chiều 12/8, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra một số yêu cầu cho ngành y tế. Dẫn ra con số 17 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 tử vong trong đợt dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 7/2020, Thủ tướng nhận định đợt dịch lần trước dù bùng phát trên diện rộng nhưng không có người chết, dù có ca bệnh rất nặng.

Vì thế, Thủ tướng cho rằng cần xem xét phác đồ điều trị lần trước và lần này ra sao. Cần phải tăng cường đào tạo chất lượng nhân lực điều trị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo tại cuộc họp

Thủ tướng cũng đề cập đến ca bệnh mới nhất ở Hải Dương, cần phải được xử lý rốt ráo. Các bệnh viện phải chặt chẽ trong giám sát dịch, để phát hiện nhanh - cách ly nhanh - xét nghiệm nhanh. Bộ Y tế phải đề ra quy trình chuẩn, không để bệnh nhân COVID-19 đi đến nhiều bệnh viện.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng các trường hợp sốt, ho, kể cả không phải trong bệnh viện cũng phải được chú ý, thậm chí phải kiểm tra để kịp thời phát hiện bệnh. Từ kinh nghiệm của Quảng Nam, Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thành lập các tổ tuyên truyền để đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện đối tượng báo cho đơn vị y tế kiểm tra, đặc biệt là tại các địa phương đang có ca nhiễm SARS-CoV-2.

Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Lưu ý và yêu cầu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đối với các đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh lý tim mạch, bệnh lý mãn tính khác.

Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12/8.
Toàn cảnh cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12/8

Thủ tướng cho rằng, đề cao phòng, chống dịch bệnh nhưng việc đóng cửa nghiêm ngặt ở quy mô quá rộng, không chỉ tê liệt mọi hoạt động kinh tế xã hội mà tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm của người dân. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết định mức độ nguy cơ và áp dụng các biện pháp chống dịch phù hợp, đề cao cảnh giác nhưng đừng để ảnh hưởng quá lớn đến sản xuất kinh doanh, đời sống người dân.

"Chúng tôi trong Thường trực Chính phủ và ở địa phương cũng như thế rất lo câu chuyện thất nghiệp, không có việc làm, đói kém xảy ra đối với người lao động của chúng ta", Thủ tướng bày tỏ.

Bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được thực hiện kỹ thuật ECMO từ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM). Ảnh: BVCR
Bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng được thực hiện kỹ thuật ECMO từ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) - Ảnh: BVCR

Đáng nói, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết mình nhận được nhiều lời phàn nàn về việc không dám mua sinh phẩm và kit xét nghiệm vì sợ vi phạm. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế làm việc với Tổng cục Hải quan công bố giá thiết bị xét nghiệm nhập khẩu sớm hơn nữa, từ  đó tính toán các chi phí khác như vận chuyển, thuế…  để có mức giá phù hợp.

Đối với bộ kit xét nghiệm, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp giấy phép cho Công ty Việt Á, Bệnh viện 103 và một số doanh nghiệp khác có khả năng sản xuất. Thủ tướng đề nghị thành lập tổ liên ngành gồm Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số bệnh viện lớn mời các nhà sản xuất đến làm việc để xác định mức giá gồm giá thành do doanh nghiệp báo, lợi nhuận cần thiết, giá chuyển giao công nghệ… để chốt mức giá trần rồi thông báo đến 63 tỉnh, thành phố. 

"Cứ thế mà mua công khai, minh bạch, ta không tham nhũng, tiêu cực, không có gì phải ngại", Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp này, trước tình hình một số địa phương tiếp tục "kính trình Thủ tướng xem xét" việc thành lập bệnh viện dã chiến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh tự quyết định việc thành lập này. "Nhiều địa phương đã thành lập bệnh viện dã chiến từ lâu rồi nhưng một số tỉnh thành hiện vẫn tiếp tục trình Thủ tướng xem xét" - Phó thủ tướng nói.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến ngày 12/8, Việt Nam có 16,1 triệu thuê bao cài đặt ứng dụng Bluezone. Tuy nhiên, tốc độ cài đặt đang chững lại. Sáng nay, 12/8, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã làm việc với 30 doanh nghiệp viễn thông để tìm cách đẩy nhanh tốc độ cài đặt, đạt con số từ 40-50 triệu thuê bao.

Một số giải pháp được đưa ra đó là Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ gửi văn bản yêu cầu cài đặt Bluezone cho các tỉnh thành, xuống đến tận cấp xã theo phương châm "đến từng ngõ, gõ từng nhà". Các nhà mạng phải hướng dẫn, khuyến khích khách hàng cài đặt Bluezone bằng các chương trình khuyến mãi.

Nhận định về con số 16,1 triệu thuê bao cài đặt Bluezone, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong thời gian ngắn mà đạt được con số như vậy là tốc độ chóng mặt.

Hiếu Nguyễn - An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI