YouTube đang cứu vớt sự nghiệp của các ngôi sao

10/04/2021 - 21:07

PNO - Không chỉ mang lại nguồn lợi lớn và giúp làn sóng K-pop lan tỏa toàn cầu, YouTube còn giúp không ít nhóm nhạc trên bờ vực tan rã bùng nổ trở lại.

Brave Girls được xem là hiện tượng đầy bất ngờ và thú vị của làng nhạc K-pop đầu năm 2021. Chỉ vài tuần trước, Brave Girls gần như đã mất hết hy vọng, chuẩn bị tan rã và từ bỏ giấc mơ trở thành ngôi sao sau nhiều năm sự nghiệp dặm chân tại chỗ.

Brave Girls bất ngờ tái bùng nổ trở lại đầu năm 2021.
Brave Girls bất ngờ tái bùng nổ trở lại đầu năm 2021.

Tuy nhiên, phép màu đã đến với 4 cô gái. Một Youtuber có biệt danh Viditor tải video tổng hợp ca khúc Rollin được nhóm biểu diễn tại các căn cứ quân đội Hàn Quốc gây sốt trong dư luận. Video Rollin nhanh chóng lan truyền và thu hút hàng chục triệu lượt xem. Chưa đầy một tháng, bài hát được phát hành 4 năm trước đã chễm trệ chiếm vị trí quán quân trên toàn bộ các bảng xếp hạng âm nhạc Hàn Quốc và đứng đầu bảng xếp hạng Billboard K-pop 100 tại Mỹ.

"Vào đầu năm nay, tôi nghĩ nhóm đã đến lúc tan rã. Phản ứng của khán giả với các bài hát của chúng tôi luôn lạnh lùng ... Có vẻ như không ai muốn nhìn thấy chúng tôi trên sân khấu" - Kim Min-young, thành viên Brave Girls, nghẹn ngào kể về khoảng thời gian bế tắc với AFP.

Dù ra mắt hơn 5 đĩa đơn và 2 mini-album nhưng trong vài năm qua, Brave Girls chỉ nhận được ghẻ lạnh và thờ ơ của công chúng. Chính vì vậy, cú bùng nổ mới đây của Barve Girls được các chuyên gia đánh giá hoàn toàn dựa vào vị “cứu tinh” mang tên YouTube. Không ai có thể ngờ rằng một video trình diễn bình thường lại trở thành một hiện tượng, cứu cả sự nghiệp của 4 cô gái.

“YouTube đã trở thành nền tảng, phương tiện truyền thông quan trọng trong nền âm nhạc K-pop” - nhà phê bình văn hóa Jung Ho-jai cho biết.

Trước Barve Girls, nhóm nhạc nữ G-Friend cũng bất ngờ nổi tiếng chỉ sau video fancam trên sân khấu năm 2015. Các cô nàng đã cho thấy sự chuyên nghiệp dù té ngã 8 lần trong lúc trình bày ca khúc Me Gustas Tu, do sàn trơn trượt nhưng vẫn tươi cười và nén đau hoàn thành hết bài. Chính tinh thần kiên cường này là bước ngoặt giúp G-Friend - nhóm nhạc nhỏ, xuất thân từ công ty quản lý không tiếng tăm - lại được khán giả yêu mến thời bấy giờ.

 

Brave Girls trình diễn ca khúc Rollin

Ngoài giúp các nhóm nhạc cứu vớt sự nghiệp, YouTube còn mang lại nguồn lợi lớn cho các nghệ sĩ nhờ số lượng người đăng ký kênh lên đến hàng chục triệu người như Blackpink (59,9 triệu), BTS (47,3 triệu), Twice (10,3 triệu)… Một mặt, không chỉ sản phẩm âm nhạc của các thần tượng được lan truyền rộng rãi ra phạm vi toàn cầu, mặt khác còn giúp các nhóm nhạc có thể dễ dàng tiếp cận với người hâm mộ và thu về lợi nhuận khủng từ việc thu hút quảng cảo.

Tất cả những điều trên khiến các tập đoàn giải trí hàng đầu Hàn Quốc ngày càng chú trọng phát triển các trang web truyền thông xã hội như YouTube, TikTok và Facebook của các nghệ sĩ.

Kim Jin-hyung, giám đốc điều hành của Wuzo Entertainment, nói với AFP: “Hơn 50 nhóm nhạc mới gia nhập thị trường mỗi năm nhưng chưa đến một nửa xuất hiện trên các đài truyền hình lớn. Để các thần tượng tồn tại, chúng tôi phải nhắm đến các nền tảng trực tuyến đáp ứng nhu cầu của người hâm mộ”.

Chung Thu Hương (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI