Yêu mình bao nhiêu thì đủ?

09/03/2024 - 06:21

PNO - Vợ tôi quyết tâm làm một cuộc cách mạng “vùng lên”. Nói như lý thuyết cô ấy học được thì “mình không yêu mình thì trời chu đất diệt”.

 

Vợ tôi được hội chị em cổ vũ sống cho mình, yêu bản thân (ảnh minh họa)
Vợ tôi được hội chị em cổ vũ sống cho mình, yêu bản thân (ảnh minh họa)

Trước nay tôi không cấm cản vợ quyền yêu bản thân. Có điều, cuộc sống còn quá nhiều điều phải chăm chút lo lắng: 2 đứa con liền nhau ra đời, nhà cửa còn lo trả góp… nên chúng tôi đều phải nỗ lực, hạn chế những nhu cầu riêng để chăm lo cho cuộc sống chung.

Nhưng công cuộc yêu mình, tự lập về kinh tế của vợ đã thất bại. Tôi chỉ phát hiện ra điều đó khi mẹ vợ gọi tôi sang nhà. Nhìn khuôn mặt căng thẳng của mẹ và vợ, tôi đã phần nào đoán ra vấn đề.

Cô ấy khóc thú nhận với tôi rằng lỡ đi vay tiền để đầu tư làm ăn cùng hội chị em, nhưng giờ mọi việc không suôn sẻ, hiện tại lãi không có mà vốn hùn hạp vợ cũng không thể lấy lại. Tôi chỉ còn biết thở dài.

Vợ tôi có một hội nhóm chị em khá thân. Họ thường xuyên cổ vũ cho tinh thần yêu bản thân, sống độc lập. Tôi thấy điều ấy không có gì là sai. Phụ nữ họ đã vất vả rồi. Vừa phải đi làm kiếm tiền, vừa sinh nở, vừa chăm sóc chồng con, sức khoẻ và tinh thần theo thời gian sẽ giảm sút. Họ có quyền được nâng niu và làm điều mình muốn, miễn là phù hợp với vản thân và hoàn cảnh.

Vợ tôi làm văn phòng, lương không dư dả nhưng có nhiều thời gian chăm lo cho con cái. Tôi không đòi hỏi gì ở vợ chuyện thu nhập cao thấp, hàng tháng vẫn đưa đủ tiền để cô ấy chăm lo cho gia đình. Có thời gian là tôi đưa cả nhà ra ngoài ăn, đi chơi... Tôi nghĩ cuộc sống của mình ổn thoả.

Nhưng theo quan điểm của "hội chị em" thì như vậy là chưa đủ. Cuộc đời có bao nhiêu đâu mà hy sinh mãi, họ thường tổ chức đi dã ngoại, du lịch hoặc ăn uống, tham gia các câu lạc bộ... Mỗi lần như vậy, nếu tôi không sắp xếp được việc để có nhiều thời gian ở nhà thì mẹ vợ tôi sẽ hỗ trợ chăm sóc và đưa đón bọn nhỏ.

Tôi không ngăn cản vợ, nhưng mẹ vợ tôi không bằng lòng với sự thay đổi của con gái. Quan điểm của mẹ là người vợ thì việc chăm sóc chồng con ngoài trách nhiệm, còn là yêu thương chứ không phải suốt ngày cổ xúy cho sự là lượt, chau chuốt, bỏ bê con cái và đôi khi còn say xỉn về nhà.

Dạo gần đây tôi cũng phải nhắc nhở chuyện vợ mua sắm khá nhiều. Theo cô ấy đó là đồng phục của hội chị em để đi chơi chụp hình nhóm cho đẹp. Có rất nhiều đồ cô ấy mua về để đó hoặc dùng một hai lần rồi xếp xó. Tôi có phân tích về chuyện tài chính gia đình chưa mấy dư dả, thì cô ấy nói mình mua bằng tiền làm thêm, tiền thưởng của bản thân.

Rồi vợ tôi tập tành theo chị em buôn bán làm ăn, trong khi vốn phải đi vay, kiến thức quản lý tài chính không có. Cuối tháng cửa hàng báo lãi thì chia nhau, lỗ thì mất sạch…

Mẹ vợ tôi cho biết vợ tôi có ý định nhờ mẹ đưa đón, chăm lo cho 2 đứa trẻ sau giờ học để cô ấy đi làm thêm và tự trả nợ mà không nói với tôi. “Nhưng mẹ không đồng ý. Vợ chồng là phải chia sẻ, đồng sức đồng lòng. Có sai cũng phải trung thực”, mẹ nhấn mạnh.

“Chị em mà không khuyên nhau vun vén cho hôn nhân, chỉ cổ xúy sống cho mình rồi thiệt hơn với chồng con...”, mẹ lớn giọng. Vợ tôi ngồi ôm mặt hối hận.

Sau vụ đổ nợ, vợ tôi lại quay về là người phụ nữ của gia đình. Hết giờ làm không còn la cà với hội chị em. Kế hoạch dã ngoại không còn, không thấy những cú a lô cho chồng hay mẹ báo không đón được con, không ăn cơm nhà… Trang cá nhân cũng yên vắng những tấm hình lung linh rực rỡ.

Bà ngoại nói riêng với tôi: “Có khi mất tiền lại là trải nghiệm tốt, cho nó tỉnh ra. Con là đàn ông, bao dung vợ nghen...”. Tất nhiên, tôi cũng đủ hiểu không có hôn nhân nào không sóng gió. Yêu thương mình là rất quan trọng, nhưng không phù hợp hoàn cảnh thì lại thành rắc rối. May là vợ tôi đã dừng lại...

Đỗ Phong

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI