Xuất khẩu thuận lợi nhờ nâng chất lượng hàng hóa, mở rộng thị trường

11/03/2024 - 14:34

PNO - Kim ngạch xuất khẩu các loại nông lâm sản của Việt Nam đã lập nhiều kỷ lục trong năm 2023 nhờ chất lượng sản phẩm ngày càng tốt hơn, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tiếp cận được các thị trường mới, đa dạng, ổn định.

Tăng giá trị nhờ cải thiện chất lượng

Trong năm 2023, giá gạo xuất khẩu loại 5% và 25% tấm của Việt Nam luôn cao hơn 25-30 USD/tấn (tương đương 550.000-700.000 đồng/tấn) so với gạo cùng loại của Thái Lan. Thậm chí, giữa tháng 11/2023, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới cao hơn gạo Thái Lan gần 80 USD/tấn. Đây là điều hiếm thấy bởi hàng chục năm qua, giá gạo Việt Nam luôn thấp hơn gạo Thái Lan. 

Ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) - cho rằng: đạt được thành tích trên là nhờ ngành gạo Việt Nam đã có sự đầu tư thực sự về vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng, chủng loại và ngày càng thâm nhập được nhiều thị trường khó tính. Chẳng hạn, Trung An đã xuất khẩu được gạo vào thị trường châu Âu với giá hơn 1.200 USD/tấn trong khi giá gạo phổ biến trên thị trường thế giới chỉ khoảng 650-700 USD/tấn.

Cà phê kết hợp với các loại trái cây của Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu xuất khẩu đi nhiều nước. Đây là một trong những điển hình về giải pháp nâng cao giá trị của những ngành hàng vốn chỉ xuất khẩu dưới dạng thô hoặc tươi - ẢNH: NGUYỄN CẨM
Cà phê kết hợp với các loại trái cây của Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn Cầu xuất khẩu đi nhiều nước. Đây là một trong những điển hình về giải pháp nâng cao giá trị của những ngành hàng vốn chỉ xuất khẩu dưới dạng thô hoặc tươi - Ảnh: Nguyễn Cẩm 

Diễn ra đầu tháng Ba, hội chợ xuất khẩu đồ gỗ và nội thất TPHCM (Hawa Expo) 2024 thu hút hơn 30.000 khách tham quan và đặt mua hàng từ hơn 100 quốc gia. Nếu các năm trước, đa số doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ, nội thất tập trung trưng bày những sản phẩm mà họ đang gia công cho các đối tác, nhà nhập khẩu thì trong hội chợ năm nay, các doanh nghiệp trong nước chú trọng trưng bày nhiều mẫu sản phẩm tự thiết kế để chào hàng. 

Ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, Trưởng ban tổ chức Hawa Expo 2024 - cho biết: một trong những mục tiêu phấn đấu của ngành chế biến gỗ là chuyển từ sản xuất gia công sang phát triển sản phẩm có thiết kế riêng để nâng cao giá trị sản phẩm. 
Lâu nay, rau quả Việt Nam chủ yếu xuất tươi vào thị trường Trung Quốc và dường như năm nào cũng có đợt ách tắc ở cửa khẩu, phải đổ bỏ hoặc kêu gọi “giải cứu”. Tuy nhiên, sự thay đổi trong cách tiếp cận thị trường đã giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng ngoạn mục. Việc 2 quốc gia ký kết hàng loạt nghị định thư xuất nhập khẩu các loại trái cây đã giúp rau quả Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giúp trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỉ USD, tăng 66,7% so với năm 2022. 

Trong năm 2023, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 65% tổng trị giá xuất khẩu. Tuy nhiên, các thị trường khác cũng đang có sự tăng trưởng: xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 257,8 triệu USD, tăng 4% so với năm 2022; sang Hàn Quốc đạt 225,8 triệu USD, tăng 24,9%; sang Nhật Bản đạt 176,2 triệu USD, tăng 6,7%... Yêu cầu về chất lượng của các thị trường này rất cao và các sản phẩm của Việt Nam đã đáp ứng được. 

Chất lượng quyết định giá trị

Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu hàng rau quả trong năm 2024 tiếp tục khởi sắc nhưng cần duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm, tuân thủ nghiêm các quy định về chất lượng, truy xuất nguồn gốc. 

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc gấp rút hoàn thiện thủ tục, hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, chanh, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên. Dù vậy, để giảm thiểu rủi ro, các bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đa dạng hóa thị trường. Những thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang có nhu cầu tiêu dùng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là thị trường Mỹ. 

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 9,84 tỉ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó xuất sang Mỹ nhiều nhất, với kim ngạch đạt 2,1 tỉ USD.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết ngành nông nghiệp sẽ tập trung cải thiện chất lượng nông sản xuất khẩu, giảm phân bón và thuốc hóa học trong canh tác, thay thế bằng các sản phẩm sinh học để sản phẩm không tồn dư hóa chất. Ngoài việc duy trì xuất khẩu các sản phẩm tươi, ngành sẽ cố gắng tăng tỉ lệ hàng chế biến để tiếp cận được nhiều thị trường hơn.

Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu nông sản có trụ sở ở TPHCM cho hay, nhiều mặt hàng xuất khẩu đang được giá nhờ sự biến động của thị trường quốc tế. Nhiều mặt hàng tăng giá do gián đoạn đường vận chuyển hàng hóa quốc tế qua Biển Đỏ khiến nguồn cung thiếu hụt tạm thời. Để giá hàng xuất khẩu tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện chuỗi giá trị sản phẩm, chuyên nghiệp hóa trong mua bán. 

Lấy dẫn chứng từ gạo, ông cho hay, nửa cuối năm 2023, giá gạo Việt Nam bỏ xa giá gạo Thái Lan do các nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan bị sụt giảm sản lượng. Nếu được tổ chức tốt, ngành gạo của Việt Nam sẽ hưởng lợi. Thế nhưng, khi giá lúa gạo tăng, nông dân nhiều nơi liền “bẻ kèo”, không bán cho doanh nghiệp như đã cam kết mà chuyển sang bán cho các thương lái trả giá cao hơn. Doanh nghiệp thiếu hàng để giao cho đối tác nên bị phạt hợp đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá lúa gạo giảm, thương lái lại bỏ cọc, không thu mua lúa của nông dân. Tình trạng này tái diễn triền miên, làm giảm uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu, ảnh hưởng xấu không chỉ cho doanh nghiệp mà cho cả nông dân và toàn ngành, cần sớm giải quyết dứt điểm. 

Quang Bình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI