Xuất khẩu hàng dệt may có thể khó khăn

24/06/2022 - 09:42

PNO - Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp (DN) dệt may, nhu cầu hàng may mặc trên thế giới hiện có xu hướng giảm do lạm phát tăng, người tiêu dùng các nước cũng thắt chặt chi tiêu sau dịch… Tình hình này khiến các đơn hàng xuất khẩu đang giảm nhanh.

 

Các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao trong khi đơn hàng xuất khẩu đang giảm nhanh
Các doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn khi chi phí đầu vào tăng cao trong khi đơn hàng xuất khẩu đang giảm nhanh

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony - cho biết xuất khẩu từ đầu năm đến nay tăng mạnh là do nhiều DN tăng công suất để hoàn thành hợp đồng đã ký trước đó sau thời gian bị ngưng trệ do dịch COVID-19. Các đơn hàng xuất khẩu theo hợp đồng mới hiện nay không nhiều. 

Theo ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean - nhu cầu hàng may mặc ở thị trường EU và Mỹ đang giảm rất nhiều. Các đơn hàng từ tháng 9-12/2022 có khả năng giảm 20-30%. Đầu vào sản xuất của các DN cũng gặp khó khăn bởi chi phí nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc đang tăng liên tục do chính sách Zero COVID của nước này.

Để giải quyết những khó khăn đó, ông Việt cho rằng các ngân hàng cần có chính sách gia hạn nợ và giúp các DN dệt may tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất và mua nguyên phụ liệu dự trữ. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM -  các DN dệt may đang lo rằng, bức tranh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa hiện nay sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường xuất khẩu, DN khó tiếp tục đà phát triển như nửa năm đầu 2022. Bên cạnh đó, để giảm tình trạng DN lệ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu của Trung Quốc, hiệp hội đang tính đến giải pháp đa dạng hóa thị trường nguyên phụ liệu, chẳng hạn như liên kết với các DN Ấn Độ, Bangladesh…

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI