Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ nguy cơ bị điều tra và áp thuế

09/10/2020 - 17:07

PNO - Cuộc điều tra từ phía Mỹ có thể mở đường cho việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam.

Cơ quan đại diện Thương mại của Hoa Kỳ (USTR) mới đây thông báo sẽ mở cuộc điều tra về Việt Nam. Động thái có thể mở đường cho việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam. 

Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ.
Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ - Ảnh minh họa

Theo bà Hoàng Ngọc Ánh –  Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), cuộc điều tra lần này có thể do tác động tiêu cực của thuế quan đối với hàng nhập khẩu trong các cuộc điều tra trước đó. VITAS đã làm việc ngay với Hiệp hội may mặc và giày dép Hoa Kỳ (AAFA) về việc này và AAFA đã có kiến nghị USTR cân nhắc để không gây thêm gián đoạn về chuỗi cung ứng.

Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc, giày dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ. Ngược lại, Việt Nam cũng là quốc gia nhập khẩu bông hàng đầu của Hoa Kỳ. Thương mại song phương có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ năm 2016.

Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Hiệp hội may mặc và giày dép Hoa Kỳ, bày tỏ đây không phải là lúc để áp đặt các chi phí mới đối với chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, đặc biệt là đối với những người tạo ra việc làm cho người lao động vẫn đang hồi phục sau tác động của đại dịch COVID-19.

Hơn nữa, các mức thuế trừng phạt mới có thể khiến nguồn cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong khi cả  cộng đồng vẫn cần phục hồi nền kinh tế trong điều kiện sức khỏe an toàn.

“Việc áp đặt các mức thuế trừng phạt mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây ra sự gián đoạn vô cùng nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến đầu tư và làm tăng giá, ảnh hưởng đến các hộ gia đình người lao động tại Hoa Kỳ và gia tăng chi phí cho chuỗi cung ứng hỗ trợ trực tiếp cho hàng triệu lao động tại Hoa Kỳ. Thuế quan sẽ đánh trực tiếp vào người tiêu dùng và người lao động Hoa Kỳ.

Đã đến lúc chính quyền cần có cách tiếp cận khác về chính sách thương mại, một chính sách không trừng phạt người tiêu dùng, người lao động và cả cộng đồng Hoa Kỳ mà chính quyền vẫn đang hỗ trợ”, ông Steve Lamar nhấn mạnh.

Ông này cũng khẳng định Việt Nam là một đối tác thương mại quan trọng đối với ngành công nghiệp may mặc, giày dép, du lịch của Hoa Kỳ và ngày càng trở nên quan trọng hơn khi các doanh nghiệp của Hoa Kỳ đang thực hiện chiến dịch đa dạng hóa và thoát ly Trung Quốc.

Khi các thương hiệu nỗ lực để tái cấu trúc mô hình tìm nguồn cung ứng để bảo vệ người tiêu dùng Hoa Kỳ và người lao động trong chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi chi phí gia tăng do thuế quan và tuân thủ các chỉ thị của chính quyền về việc đa dạng hóa thị trường và rời xa Trung Quốc, rất nhiều doanh nghiệp đã chọn Việt Nam là đối tác đáng tin cậy.

Được biết, khi có thông tin USTR sẽ mở cuộc điều tra, áp thuế, VITAS đã kiến nghị Bộ Công thương có ý kiến tới USTR.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI