Xóm lồng đèn lâu đời nhất Sài Gòn lo tàn lụi vì COVID-19

05/09/2020 - 13:23

PNO - Trước kia, người dân ở xóm đạo Phú Bình (quận 11) sống chủ yếu bằng nghề làm lồng đèn trung thu, thế nhưng nhiều năm trở lại đây, do không thể sống được bằng nghề nên số lượng người theo nghề chỉ tính trên đầu ngón tay. Dịch COVID-19 càng khiến những xóm lồng đèn thêm teo tóp...

Xóm lồng đèn đìu hiu mùa COVID-19

Khác hẳn với khung cảnh nhộn nhịp của những năm trước đây, xóm lồng đèn Phú Bình (phường 5, quận 11) nay chỉ còn lác đác vài hộ theo nghề. Năm nay, dịch bệnh COVID-19 càng khiến xóm trở nên hiu quạnh, vắng vẻ.

Hơn 30 năm làm nghề, bà Bùi Thị Xuân (61 tuổi) cho biết, chưa từng thấy cảnh ế ẩm, đìu hiu như vậy. 

Cô Tô Thị Ngọc Mai làm nghề gia công lồng đèn được trên 10 năm. Trung bình một ngày, cô Mai làm được 40 chiếc, tiền công khoảng 80.000 đồng.
Cô Tô Thị Ngọc Mai làm nghề gia công lồng đèn được trên 10 năm. Trung bình một ngày, cô Mai làm được 40 chiếc, tiền công khoảng 80.000 đồng

Gia đình bà Xuân chủ yếu làm các loại lồng đèn lớn với nhiều hình dáng như: cá, bướm, sư tử... trung bình có giá khoảng 150.000 đồng/cái. Thời điểm này của năm trước, gia đình bà Xuân bán được khoảng 2.000 chiếc lồng đèn, nhưng năm nay, do dịch bệnh nên các mối hàng cũ ở Nha Trang, Đà Nẵng… đều ngưng đặt. 

Tính từ đầu năm đến nay, gia đình bà chỉ bán được hơn vài chục cái lồng đèn. Cận kề Tết Trung thu, dịp duy nhất trong năm để bán lồng đèn, nhưng năm nay không còn bao nhiêu bao nhiêu đơn đặt hàng. 

Theo bà Xuân, mọi năm cứ đến Trung thu, các trường học tổ chức thi làm lồng đèn nên học sinh đến mua đông nhưng năm nay chỉ lác đác. Do lo sợ ế nên gia đình bà chỉ làm theo đơn đặt sẵn chứ không làm nhiều như các năm.

“Dịch cả thế giới nên buồn lắm, cái nghề này cũng không lường trước được, làm thì cực mà lời lãi chẳng bao nhiêu, gặp COVID-19 lại lỗ to”, bà Xuân tâm sự.

Từ những chiếc khung thô sơ, các nghệ nhân đã làm nên những chiếc lồng đèn bắt mắt.
Từ những chiếc khung tre thô sơ, các nghệ nhân đã làm nên những chiếc lồng đèn xinh đẹp

Không chỉ riêng bà Xuân, nhiều hộ gia đình trong xóm đạo Phú Bình cũng ngán ngẩm vì chung tình cảnh. Anh Nguyễn Bình, người làm lồng đèn thâm niên than vãn: “Mọi năm là bán hết rồi nhưng năm nay bán chưa được một nửa, buồn lắm. Dịch bệnh nên chỉ làm cầm chừng thôi”.

Chuyên làm các mẫu lồng đèn phục vụ sự kiện, đến mùa trung thu gia đình anh Bình làm thêm nhiều mẫu lồng đèn lớn với các mẫu con công, cá, rồng… để bỏ mối chợ. Những chiếc lồng đèn làm tỉ mỉ bằng tay được bán với nhiều mức giá khác nhau, có chiếc hơn 1 triệu đồng, nhưng năm nay anh không dám làm đại trà nữa.

Do dịch COVID-19, xóm lồng đèn Phú Bình rơi vào cảnh ảm đạm.
Dịch COVID-19 khiến xóm lồng đèn Phú Bình vốn nhộn nhịp vào mùa Trung thu rơi vào ảm đạm

Xóm đạo Phú Bình thường nhộp nhịp từ sau Tết Nguyên đán đến gần Trung thu, lồng đèn Phú Bình xưa nay vốn được người mua khắp phía Nam ưa chuộng vì mẫu mã và sự dày công chăm chút của những người làm nghề. Ấy vậy mà giờ đây tới xóm lồng đèn chỉ thấy cảnh hiu hắt.

Những chiếc lồng đèn truyền thống với đầy đủ mẫu mã, kích thước.
Những chiếc lồng đèn truyền thống với đầy đủ mẫu mã, kích thước

Thấp thỏm nỗi lo mất nghề

Xóm lồng đèn truyền thống Phú Bình có từ trước năm 1975. Các hộ trong xóm chủ yếu sống bằng nghề làm lồng đèn truyền thống, sản phẩm bán được quanh năm nên từ trẻ con đến người lớn, ai ai cũng biết làm lồng đèn. Tuy nhiên, sức cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp ngày một tăng, nhiều người không thể sống được bằng nghề, cả xóm chỉ còn lác đác vài hộ cố bám trụ, hầu hết là những người già.

Gia đình cụ Văn là một trong số ít những hộ làm lồng đèn còn sót lại ở xóm đạo Phú Bình. Cụ Văn sinh được 8 người con, ngày trước cả gia đình làm lồng đèn nhưng về sau, các con cụ lần lượt bỏ nghề. Hiện chỉ còn hai người con trai của cụ là anh Nguyễn Thành và Nguyễn Bình theo nghề.

Anh Nguyễn Thành chăm chú bên từng công đoạn để hoàn thiện chiếc lồng đèn. Theo anh Thành, người làm lồng đèn phải nắm rõ các công đoạn như: làm khung, vẽ hình, trang trí…
Anh Nguyễn Thành chăm chú trong từng công đoạn để hoàn thiện chiếc lồng đèn. Anh chia sẻ, người làm lồng đèn phải tỉ mỉ tất cả các công đoạn từ làm khung, vẽ hình, trang trí…

Năm nay, cụ Văn đã bước qua tuổi 80, do đã yếu nên hơn 15 năm nay cụ không còn làm lồng đèn. Ngồi trên xe lăn, chăm chú nhìn hai người con trai làm đèn, cụ Văn thở dài: “Xưa làm vui lắm, giờ cũng muốn làm nhưng tụi nhỏ không cho. Cái nghề này cực, không làm được nữa phải bỏ... buồn lắm!”.

Không buồn sao được vì nhờ làm lồng đèn mà cụ Văn đã nuôi 8 người con trưởng thành. Trong xóm, những nghệ nhân cùng thế hệ với cụ Văn đã mất gần hết, số còn lại đau ốm triền miên nên cũng đã bỏ nghề.

Cô Ngọc Lan đã theo nghề làm lồng đèn được hơn 30 năm.
Cô Ngọc Lan đã theo nghề làm lồng đèn được hơn 30 năm

Gia đình cô Lan là thế hệ thứ 2 nối tiếp nghề làm lồng đèn truyền thống cũng đang thấp thỏm vì không có người nối nghề. Hơn 30 năm làm lồng đèn, người phụ nữ này đã trải qua nhiều gian khổ, thậm chí là mất mát để lo cho gia đình được đủ đầy. Thế nhưng tuổi ngày một cao, sức khỏe lại yếu nên hai vợ chồng cô Lan cho biết, sẽ nghỉ bất cứ khi nào.

“Buồn lắm, làm nghề này mãi cũng chả sống được, lớp trẻ giờ đi làm hết chứ có ai chịu học theo nghề lồng đèn đâu”, cô Lan ngậm ngùi.

Dưới đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của các nghệ nhân lâu năm tại xóm đạo Phú Bình (quận 11) những chiếc lồng đèn được trang trí tinh xảo, bắt mắt mà hiếm có sản phẩm công nghiệp nào sánh được.
Dưới đôi bàn tay tỉ mỉ, khéo léo của các nghệ nhân tại xóm đạo Phú Bình, những chiếc lồng đèn được trang trí tinh xảo, bắt mắt, hiếm có sản phẩm công nghiệp nào sánh được

July Kim

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI