WHO kêu gọi tăng cường chống lại biến thể virus mới từ Anh

08/01/2021 - 07:05

PNO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước châu Âu tăng cường các biện pháp chống COVID-19, khi khu vực này đang đau đầu xử lý biến thể mới lần đầu tiên được phát hiện ở Anh, có tốc độ lây lan cao hơn 70% so với chủng virus cũ.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết cần có các biện pháp tiếp theo để "san bằng đường thẳng đứng" các ca nhiễm virus gia tăng đột biến ở một số quốc gia.

Mặc dù biến thể mới dễ lây hơn nhưng hiện vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy nó gây ra tình trạng bệnh nặng hơn. Các quan chức y tế cũng đánh giá thấp khả năng vắc-xin COVID-19 sẽ bị vô hiệu hóa trước biến thể này.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến tồi tệ tại châu Âu và Mỹ.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến tồi tệ tại châu Âu và Mỹ

“Ở Anh, các nhân viên y tế đang phải vật lộn với số ca mắc mới và tử vong tăng cao. Nước này đã ghi nhận thêm tổng cộng 1.041 trường hợp tử vong trong ngày 7/1, cũng như 62.322 ca mắc COVID-19” - Hans Kluge nói.

Ngoài khu vực châu Âu, ít nhất 8 tiểu bang của Mỹ, bao gồm: California, Florida, Colorado, Georgia, New York, Pennsylvania, Texas và Connecticut đã xác nhận 56 trường hợp bệnh nhân nhiễm biến thể mới từ Anh.

Châu Âu vượt mốc 25 triệu ca mắc COVID-19

Số bệnh nhân nhiễm virus ở châu Âu đã vượt quá 25 triệu người vào ngày 7/1, một số quốc gia tiếp tục ban hành và gia hạn thời gian phong tỏa vì sự bùng phát mạnh mẽ của đại dịch đe dọa áp đảo các dịch vụ y tế.

Châu Âu đã ghi nhận ít nhất 25.016.506 trường hợp mắc COVID-19 và 559.863 ca tử vong, gần đây khu vực này chỉ mất vỏn vẹn 4 ngày để báo cáo thêm 1 triệu ca nhiễm mới virus. Với dân số chỉ bằng 1/10 dân số thế giới, châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, chiếm gần 30% số ca mắc và tử vong trên toàn cầu.

Hệ thống y tế châu Âu quá tải vì số lượng bệnh nhân mắc cOVID-19 tăng đột biến.
Hệ thống y tế châu Âu quá tải vì số lượng bệnh nhân mắc COVID-19 tăng đột biến

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn trên toàn quốc vào ngày 4/1, trước sự lây lan nhanh của biến thể virus mới, đặt hệ thống y tế nước này vào tình trạng quá tải.

"Rõ ràng là chúng ta cần phải làm nhiều hơn cùng nhau để kiểm soát biến thể mới này trong khi vắc-xin của chúng ta được tung ra" - ông Johnson nói.

Đức - quốc gia hiện báo cáo số người chết hàng ngày cao nhất trong khu vực, với trung bình hơn 600 trường hợp tử vong mỗi ngày - đã kéo dài thời gian phong tỏa đến hết tháng 1.

Ở Ý, các biện pháp hạn chế áp dụng trong kỳ nghỉ Giáng sinh được gia hạn đến ngày 15/1, trong khi Hy Lạp áp dụng lệnh cấm nghiêm ngặt từ ngày 3/1 - 11/1.

Pháp thắt chặt các biện pháp hạn chế mới

Thủ tướng Jean Castex cho biết, Pháp sẽ đóng cửa các nhà hàng, rạp chiếu phim và khu trượt tuyết khi nước này bắt đầu triển khai tiêm chủng COVID-19.

Cụ thể, các nhà hàng sẽ đóng cửa cho đến ít nhất là giữa tháng 2, lệnh giới nghiêm hàng đêm sẽ được kéo dài đến ngày 20/1 và không loại trừ các hạn chế quốc gia khác.

Pháp thắt chặt các biện pháp hạn chế mới.
Pháp thắt chặt các biện pháp hạn chế mới

Bên cạnh đó, Bộ Y tế Pháp cũng thông báo hai cụm nhiễm biến thể virus mới từ Anh đã được phát hiện ở nước này, với tổng cộng 19 trường hợp, bao gồm một cụm ở vùng Ile-de-France, miền Trung nước Pháp và cụm còn lại ở Brittany, phía tây đất nước.

Do đó, Thủ tướng Jean Castex đã tuyên bố gia hạn đóng cửa biên giới với Anh cho đến khi có thông báo mới, chỉ cho phép những người có kết quả xét nghiệm âm tính virus nhập cảnh.

Tính đến nay, dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 66.500 người ở Pháp, con số tử vong cao thứ 7 trên thế giới.

Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông đã bị người dân chỉ trích vì tốc độ triển khai tiêm chủng vắc-xin khá chậm, bị đánh giá tụt hậu so với các nước láng giềng châu Âu như Anh và Đức.

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI