“Vua săn hổ” buông súng bảo vệ rừng

04/01/2022 - 11:49

PNO - Năm - bảy chục năm trước, rừng xanh núi đỏ nước ta còn nhiều hoang thú. Con người sống giữa những tán rừng xanh um cùng sự hiện hữu của các loài thú dữ. Nghe kể và đọc vậy nhưng tôi vẫn không thể hình dung được thiên nhiên Việt Nam từng giàu có, đa dạng ra sao. Đến khi gặp cụ Trần Kim Liêu - người được mệnh danh “vua săn hổ” với “chiến tích” tiêu diệt 53 con hùm khắp các tỉnh miền núi phía Bắc - tôi mới ngỡ ngàng về cả sự giàu có cũng như những mất mát quá lớn của mẹ thiên nhiên.

“Chống hổ” từ đông bắc sang tây bắc 

Từ H.Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, qua con dốc Bòng Bong là đến huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình. Đường về thôn Dộc Yểng, xã Đồng Tâm lô xô núi đá càng khiến ngày đông tê tái. Chúng tôi đi theo cả những tò mò và quyến mời của câu chuyện “huyền thoại” săn hổ Trần Kim Liêu. Bạn tôi xác nhận, 10 năm trước, khi anh công tác ở đây, trong bảng lảng sương khói đồng rừng và chếnh choáng men say, anh đã nghe người Đồng Tâm kể rằng, xứ này từng có cha con thợ săn khét tiếng. Ngày ấy anh gật gù như nghe bao câu chuyện xửa xưa. Chẳng ngờ 10 năm sau, trở lại chốn cũ, anh đã được gặp “vua săn hổ” bằng xương bằng thịt.

Bức tranh vẽ cảnh đội trưởng đội chống hổ Trần Kim Liêu đi bẫy hổ - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Bức tranh vẽ cảnh đội trưởng đội chống hổ Trần Kim Liêu đi bẫy hổ - Ảnh: NVCC

Ông cụ lòng còng, cả tóc, râu và lông mi đều đã trắng phau, song nước da còn đỏ au, khỏe khoắn. Đôi mắt cụ càng tinh anh, giọng nói càng hào sảng khi nhắc về những ngày cùng đội chống hổ rong ruổi từ Đông Bắc sang Tây Bắc bảo vệ các bản làng. Đã quá lâu để có thể tìm được văn bản, giấy tờ, quyết định thành lập đội chống hổ và chính cụ Liêu - thành viên cuối cùng còn sống của đội chống hổ - cũng không nhớ được cụ thể. Cụ áng chừng đội chống hổ ra đời vào khoảng năm 1955-1956 và chắc chắn đó là một tổ chức hợp pháp, các thành viên được hưởng tem phiếu thực phẩm, được cấp đồ dùng sinh hoạt và được trả lương.

Cụ Liêu được cử làm đội trưởng đội chống hổ nhờ tài bẫy thú dữ và khả năng thiện xạ. Cụ móm mém cười: “Có người gọi tôi là vua săn hổ Tây Bắc. Gọi như thế không đúng đâu”. Chúng tôi hơi chột dạ, đang nghĩ “không lẽ người ta nói vống lên” thì cụ đã bổ sung: “Phải là cả miền núi phía Bắc. Vì chúng tôi hoạt động ở khắp vùng Đông Bắc nữa”.

“Thời ấy nó thế” - cụ Liêu luôn bắt đầu về quãng đời săn bắt, bẫy thú rừng của mình bằng mấy lời đó. Cụ không giấu việc ngoài tiêu diệt hổ, cụ còn giết hại rất nhiều báo, gấu, hươu, nai… Cũng có lúc, chính khả năng bách phát bách trúng hay cái tài bẫy thú đã khiến tính mạng cụ nguy hiểm. Mường tượng những câu chuyện cụ kể, tôi luôn nghĩ, dường như đó là những cuộc đối kháng của các loài sống trên trái đất, sống trong lòng mẹ rừng chứ chẳng phải con người đang chiến thắng hay chế ngự tự nhiên đâu. 

Có lần, cụ Liêu bắn đàn khỉ, mấy con trúng đạn bị thương, trốn xuống hang núi sâu. Cụ bò xuống tìm thì bị chúng rình rồi xông ra cắn gãy xương, thừa sống thiếu chết. “Thời ấy nó thế, không ai nghĩ tới việc phải bảo vệ thiên nhiên, trong đó có các loài động vật hoang dã. Thực tế thì hổ gây nguy hiểm cho con người và gia súc, khỉ, vượn thì phá hoại mùa màng, nên giết hổ, bẫy thú là bắt buộc phải làm thôi”. Một lần khác, cụ Liêu bắn chết con vượn cái, khi chạy đến tìm xác nó về để nấu giả cầy thì thấy mấy con vượn khác đang nhai lá rịt vào vết thương cho đồng loại, đàn vượn con thì chạy đến đòi bú mẹ. Nhìn cảnh đó, cụ Liêu run lên, bỏ súng xuống và trở về trong ân hận. 

Buông súng, nỗ lực làm công tác bảo tồn

Run lên là vậy, ân hận là vậy nhưng mùa săn sau, cụ Liêu lại xách súng vào rừng. Cả khi giải tán đội chống hổ, về lại H.Lạc Thủy sinh sống, cụ vẫn duy trì thói quen săn bắn thú. Người con thứ năm của cụ cũng mũ phớt, tay xách súng săn theo cha. Không phải máu hoang thú chảy thẫm đất rừng mà là những giọt nước mắt của một ông Tây trước xác chết của con voọc đã “mở mắt” cho cụ Liêu.

Đội chống hổ trong lần tiêu diệt được con báo đốm. Đội trưởng Trần Kim Liêu đứng ngoài cùng, bìa phải - Ảnh: NVCC
Đội chống hổ trong lần tiêu diệt được con báo đốm. Đội trưởng Trần Kim Liêu đứng ngoài cùng, bìa phải - Ảnh: NVCC

Ông Tây ấy là chuyên gia bảo tồn linh trưởng Nadler Tilo - người đàn ông đã từ nước Đức xa xôi sang Việt Nam sinh sống và bảo vệ thiên nhiên suốt mấy chục năm qua. Thời gian đầu đến rừng già Cúc Phương (H.Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) tìm voọc mông trắng, ông Tilo đã rất sốc khi thấy người ta vô tư mua bán voọc về nấu giả cầy ở chợ Nho Quan. Đi khảo sát ngược dải núi đá, ông nghe nhiều về tiếng tăm săn bắn, bẫy thú của cụ Liêu và đường đột đến thăm. 

Ông cụ tuổi 97 râu tóc lơ phơ nhớ lại, một ngày của hơn 20 năm trước, gia đình cụ đón hai vị khách lạ, ông chồng Tây và người vợ Việt (bà Nguyễn Thị Thu Hiền). Họ đến đúng lúc bố con ông đang lột da một con voọc. Chứng kiến cảnh đó, vợ chồng ông Tilo đã khóc. “Tôi thấy lạ lắm, sao ông Tây kia lại nước mắt ròng ròng khi thấy mình làm thịt con voọc? Sau những ngày chuyện trò, tôi đã cảm phục trước tấm lòng và sự xả thân của ông Tây ấy. Tôi nghĩ, thiên nhiên Việt Nam không liên quan gì đến người Đức mà ông Tilo kia còn lăn xả bảo vệ như thế, lẽ nào mình lại… Thế là tôi vận động con trai, hai bố con quyết định cùng vợ chồng ông Tilo bảo vệ động vật hoang dã” - cụ Liêu kể.

Chúng tôi tần ngần trước mấy tiêu bản động vật treo trên tường, cụ Liêu nói đầy day dứt: “Treo lên để mà đau đớn và cảnh báo con cháu đừng gây tội ác với môi trường, với tự nhiên nữa. Con người hoàn toàn có thể chung sống với muôn loài vì một sinh cảnh bền vững, nhân văn”. Ông Nadler Tilo thì bảo: cả giết thú rừng và bảo vệ thú rừng, cụ Liêu đều là “huyền thoại”. Tôi rất xúc động trước sự giác ngộ đầy nhân văn, nhân ái của cụ Liêu. Không chỉ bản thân từ bỏ, cụ còn vận động con cháu, xóm làng cùng buông bỏ súng săn, giã từ bẫy thú. Tôi ngưỡng mộ cụ, kết thân với con cháu cụ vì mọi người biết lắng nghe, biết theo điều hay, lẽ phải, sẵn sàng tiếp thu những tiến bộ của thời đại.

 Cụ Liêu kể chuyện tiêu diệt 53 con hổ của “thời ấy nó thế” - ẢNH: MINH TUỆ
Cụ Liêu kể chuyện tiêu diệt 53 con hổ của “thời ấy nó thế” - Ảnh: Minh Tuệ

Đã 47 năm kể từ ngày cụ săn bắt con hổ cuối cùng - con hổ thứ 53 trong “sự nghiệp” săn, bẫy hổ - và đã hơn 20 năm kể từ ngày cụ Liêu cùng người con trai buông súng, bỏ thói quen bắn thú rừng, quay sang làm công tác bảo tồn. Bây giờ, ngày ngày ra vườn làm lụng, mỗi khi đôi tai nghễnh ngãng nghe thấy tiếng động lạ, cụ lại giật mình nhớ đến những tháng năm thú sống chung với người trong lòng mẹ rừng nhân ái, bao dung. 

Giọng nói của ông lão gần trăm tuổi chất chứa những nỗi niềm gan ruột: “Bây giờ nhìn lại, thấy đầy hối tiếc. Nếu không tham gia bảo tồn động vật hoang dã, không vận động được con cháu, xóm làng trả nợ thiên nhiên như hơn 20 năm qua, có lẽ tôi sẽ day dứt, ân hận đến tận những phút cuối của cuộc đời”. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI