Vụ tương ớt Chin-Su bị thu hồi tại Nhật: Vì sao Masan dùng a-xít benzoic?

09/04/2019 - 19:00

PNO - Chất bảo quản Nisin có giá bán cao gấp 20 lần giá bán của a-xít benzoic. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu dùng chất này, chi phí giá thành sản xuất bị đội lên cao hơn nhiều.

Dư luận đang theo dõi vụ 18 nghìn chai tương ớt Chin-Su vừa bị thu hồi tại Nhật vì có chứa a-xít benzoic. Đến thời điểm này, vì sao Nhật thu hồi sản phẩm không cho lưu hành trên thị trường, Cục An toàn thực phẩm và nhà sản xuất Chinsu lại vẫn khẳng định  an toàn?

Trả lời báo chí, Masan khẳng định rằng Nhật cấm sử dụng chất bảo quản a-xít benzoic trong tương ớt nhưng Nisin, chất phụ gia mà Nhật cho phép sử dụng cũng không được phép dùng trong tương ớt ở Việt Nam.

Vu tuong ot Chin-Su bi thu hoi tai Nhat: Vi sao Masan dung a-xit benzoic?
Khi mua sản phẩm tương ớt, người tiêu dùng nên đọc kỹ thông tin nhãn sản phẩm

Trong khi đó, theo BS. Trần Văn Ký – Hội Khoa học Kỹ thuật An toàn thực phẩm Việt Nam (văn phòng phía Nam), quy định của Việt Nam và Codex, không thấy đề cập chất bảo quản nisin (INS 234) sử dụng trong sản phẩm tương ớt.

Thực tế, chất bảo quản nào không có trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế Việt Nam thì chưa biết có được phép dùng hay không, chứ không có nghĩa là VN cấm dùng chất đó. Nisin cũng trong tình trạng tương tự.

TS. Phan Thế Đồng – Điều phối chương trình Công nghệ thực phẩm và Dinh dưỡng, Đại học Hoa Sen cho biết thêm: Nisin là chất kháng sinh, chất bảo quản chống lên men, chống mốc được phép dùng trong thực phẩm... Riêng tại Việt Nam, nisin không được dùng phổ biến lắm, có thể do nhà sản xuất không quen sử dụng hoặc giá thành cao.

Phân tích về việc sử dụng hai chất bảo quản nisin, a-xít benzoic, TS. Đồng cho rằng: về nguyên tắc, trước khi áp dụng ngưỡng giới hạn cho phép, phải đánh giá mức gây bệnh, gây độc hại cho người, đánh giá độ phơi nhiễm một người có thể ăn tối đa bao nhiêu lượng thực phẩm có chứa chất bảo quản. Tuy nhiên, Việt Nam không có khảo sát mà thường áp dụng theo chuẩn quốc tế của các tổ chức WHO, FAO…  như đối với a-xít benzoic, ngưỡng phổ biến trong thực phẩm là 0,05% (tức 0,5g/kg) nhưng ngưỡng tối đa cho phép là 0,01% (tức 1g/1kg).

BS. Ký cho biết có thể Nhật không cho sử dụng a-xít benzoic trong tương ớt là do chất này gây kích ứng dạ dày, viêm dạ dày... ở người sử dụng. Ngoài ra, chúng có thể phản ứng với vitamin C trong thực phẩm sinh ra benzen - một chất có thể gây ung thư.

Cũng theo BS. Ký, đối với nisin, chất bảo quản được Nhật cho phép sử dụng trong tương ớt nhưng chưa thấy nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam dùng. Lý do có thể là vì Việt Nam chậm cập nhật hóa chất mới. Hầu hết, các nước tiên tiến thường cập nhật danh sách hóa chất cho phép dùng trong thực phẩm rất nhanh và thay thế chất cũ bằng chất mới. Có khi tới 10 năm, VN mới cập nhật 1 lần, trong khi nước ngoài cập nhật mỗi 3 tháng.

Đáng lưu ý là những chất bảo quản mới được sản xuất theo công nghệ mới thường có độ tinh khiết cao hơn, là thành phần hữu cơ và thiên về ít tác động độc hại đến người sử dụng. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất đối với các nhà sản xuất chính là những chất bảo quản mới này có giá thành cao hơn rất nhiều lần (có thể gấp 10 – 20 lần) so với chất bảo quản cũ, có giá rẻ. 

Trong những ví dụ ông đưa ra có một ví dụ rất đáng lưu ý là giá bán 1 đơn vị của nisin cao gấp 20 lần giá bán a-xít benzoic. 

TS. Đồng còn khẳng định, thông thường, các đơn vị hữu trách đã tính toán khi dùng một chất bảo quản trong thực phẩm, ăn suốt đời loại thực phẩm chứa chất bảo quản hay ăn nhiều loại thực phẩm có chứa chất bảo quản thì cũng không gây hại cho người sử dụng. Theo quy định, nhãn sản phẩm phải ghi rõ tỷ lệ hàm lượng chất bảo quản. Nhiều nhà sản xuất không công bố rõ ràng thì người tiêu dùng, cơ quan chức năng rất khó kiểm soát hàm lượng này trong thực phẩm”. 

Chiều 8/4, liên quan đến lô sản phẩm tương ớt Chin-su bị Nhật Bản thu hồi trong những ngày gần đây, Cục An toàn thực phẩm vừa chính thức thông tin: Theo quy định của Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), tương ớt sử dụng axit benzoic với hàm lượng 1g/kg sản phẩm là an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, theo Trung tâm Y tế công cộng Osaka, kiểm tra hàm lượng chất này trong tương ớt Chin-su là 0,41-0,45g/kg. 

TS. Phan Thế Đồng cho hay, chất a-xít benzoic khi kết hợp với một số chất có khả năng gây dị ứng cho một số người có cơ địa dị ứng, có thể vì vậy mà Nhật không cho dùng chất này trong tương ớt. Hay, a xít benzoic tác dụng với vitamin C tạo ra chất benzen có thể gây ung thư cho người sử dụng. Song trên thực tế, nếu liều lượng a xít benzoic dùng trong ngưỡng cho phép thì chất benzen tạo ra cũng chỉ với lượng nhỏ, không đủ tác động gây ung thư. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI