Vụ kiện Depp - Heard có phải dấu chấm hết cho phong trào #MeToo?

06/06/2022 - 06:58

PNO - Khi phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Johnny Depp và Amber Heard kết thúc có lợi cho Depp, một số nhà quan sát lo lắng rằng phán quyết có thể có tác động xấu đến phong trào #MeToo.

Phán quyết dựa trên sự thật

Phong trào #MeToo bắt đầu vào năm 2017 với những tiết lộ chống lại nhà sản xuất nghệ thuật Harvey Weinstein. Từ đó, phong trào lan rộng khi các nhà vận động cố gắng triển khai nó ra toàn xã hội. Trong vụ việc mới đây giữa hai ngôi sao Hollywood, Depp đã kiện Heard về một bài báo trên tờ Washington Post vào tháng 12/2018. Trong đó cô mô tả bản thân như nạn nhân của bạo hành. Nam diễn viên phim Cướp biển vùng Caribbean cáo buộc rằng vợ cũ bôi nhọ danh tiếng và cản trở sự nghiệp của anh, dù cho Heard chưa bao giờ nhắc đến tên của Depp. Sau đó, Heard đã phản tố, tuyên bố phía chồng cũ bôi nhọ cô bằng cách mô tả những cáo buộc của cô là “trò lừa bịp”. 

Diễn viên Amber Heard và chồng cũ - diễn viên Johnny Depp - tại phiên tòa xét xử ở Fairfax, bang Virginia - ẢNH: NY TIMES
Diễn viên Amber Heard và chồng cũ - diễn viên Johnny Depp - tại phiên tòa xét xử ở Fairfax, bang Virginia - Ảnh: NY Time

Sau phiên tòa kéo dài sáu tuần ở Fairfax, bang Virginia (Mỹ), bồi thẩm đoàn gồm bảy thành viên quyết phần thắng về Depp và tuyên bố anh được hơn 15 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại. Ngược lại, họ đồng ý cho Heard nhận 2 triệu USD. Nhìn bề ngoài, các tình huống xung quanh vụ án dường như làm dấy lên viễn cảnh rằng một số nạn nhân của nạn bạo hành, lạm dụng giờ đây có thể ngại nói ra trải nghiệm của họ, hoặc không tin tưởng vào tòa án trong cuộc chiến đòi lại công lý. Nhưng thực tế, nhiều chuyên gia tin rằng #MeToo - phong trào giúp phụ nữ bị lạm dụng tìm được dũng khí để thực hiện các hành động chống lại những kẻ tấn công - sẽ tiếp tục, không dừng lại bởi phán quyết của tòa trong một vụ án đặc biệt như Depp - Heard.

Nhìn chung, vụ kiện Depp - Heard vốn dựa trên quyền tự do ngôn luận đã nhanh chóng trở thành một cuộc trưng cầu dân ý về mối quan hệ của cặp đôi. Tarana Burke - người sáng lập #MeToo - nhận định kết quả của phiên tòa sẽ không bao giờ có thể khiến phong trào kết thúc, nhất là khi #MeToo đã giúp nhiều nạn nhân tiến lên phía trước. “Hàng triệu người từng không thể thốt ra câu “tôi cũng là nạn nhân của lạm dụng” đã được giải phóng khỏi sự tủi hổ nhờ #MeToo. Phong trào này chắc chắn vẫn sống”, Burke nói. Một số luật sư cũng cho rằng, phiên tòa Depp - Heard khác biệt đáng kể so với phần lớn các thủ tục tố tụng liên quan đến lạm dụng, nên sẽ không là hồi chuông báo tử đối với phong trào #MeToo. Winter Wheeler - trọng tài viên và hòa giải viên tại Atlanta (Mỹ) - chỉ ra thực tế rằng, các  bồi thẩm đoàn phải cân nhắc bằng chứng khi đưa ra phán quyết và họ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên sự thật chứ không chỉ là một lời tường thuật. 

Mối đe dọa từ truyền thông và cộng đồng mạng

Nếu có bất kỳ nỗi sợ nào ở phía nạn nhân #MeToo sau vụ kiện Depp - Heard, điều đó dường như được tạo ra bởi truyền thông và cộng đồng mạng. Nạn nhân có thể cảm thấy chùn bước trước cuộc tấn công dữ dội trên mạng xã hội nhắm vào Heard và lo sợ điều có thể xảy ra với họ nếu họ lên tiếng. 

Theo báo cáo của Vice News, cơ quan truyền thông cánh hữu Daily Wire đã chi hàng chục ngàn USD cho các quảng cáo trên mạng xã hội ủng hộ Depp và gièm pha Heard. Chương trình hài kịch Saturday Night Live trên kênh truyền hình NBC cũng nhại lại phiên tòa, châm biếm những cáo buộc lạm dụng nghiêm trọng và mô tả phiên tòa là “để giải trí”. Một yếu tố nữa có thể góp phần vào cuộc tấn công trực tuyến chống lại Heard là sự gia tăng của “anti-fandom” (hội tẩy chay). Trong “anti-fandom”, các thành viên liên tục bài xích một người nổi tiếng (thường là nữ) với lý do người này gây ra sự sụp đổ cho sự nghiệp của đồng nghiệp nổi tiếng khác (thường là nam), dẫn đến một chiến dịch bôi nhọ trực tuyến và lan truyền tin đồn vô căn cứ.

Do đó, bất kể vì lý do gì mà làn sóng phản đối Heard được đẩy mạnh lên mạng xã hội, nội dung này chắc chắn sẽ khiến nhiều người bị bạn tình bạo hành nản lòng khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Cái giá phải trả cho việc lên tiếng về hành vi lạm dụng có thể là rất lớn, và phiên tòa cho thấy sự phân chia về mặt pháp lý và xã hội có thể cao hơn dự kiến. Rebekah Sullivan - người sáng lập văn phòng luật gia đình District Family Law tại Washington, D.C. - nhận xét: “Điều đó thật đáng sợ đối với mọi người và chắc chắn là nguyên nhân khiến hầu hết nạn nhân không sẵn sàng mạo hiểm để lên tiếng”. 

Linh La (theo NY Times, Washington Post, Guardian, Vice)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI