Vũ khí đặc biệt của Morocco: Những bà mẹ trên khán đài

13/12/2022 - 13:26

PNO - Các trận đấu ở Argentina chấp nhận các trò gian trá. Nhưng Morocco có một môn “võ công tuyệt đỉnh”: Sự cổ vũ trên khán đài của các bà mẹ.

Trận Argentina – Croatia gần như là cơ hội cuối cùng vào chung kết của hai cầu thủ từng nâng trên tay quả bóng vàng châu Âu: Lioniel Messi và Luka Modric.

Hậu vệ Morocco Achraf Hakimi và mẹ sau trận đấu với đội tuyển Bỉ ngày 27/11 - Ảnh: AFP
Hậu vệ Morocco Achraf Hakimi và mẹ sau trận đấu với đội tuyển Bỉ ngày 27/11 - Ảnh: AFP

L. Messi năm nay 35 tuổi, Luka Modric 37 tuổi.  Cả hai vẫn còn là cầu thủ quan trọng của đội mình. Không chỉ là chỗ dựa tinh thần mà còn đóng vai trò thủ lĩnh có thể quyết định được thế trận. Một nhân tố đóng góp quan trọng trên đường vào bán kết là 2 thủ môn: Martinez của Argentina và Livakovic của Croatia.

Martinez có thành tích bắt phạt đền nhiều hơn nhưng trấn giữ khung thành nói chung thì Livakovic có số lần cứu thua hơn hẳn. Các cầu thủ còn lại có thể xem là ngang tài ngang sức. Mặc dù đội hình Argentina đang có giá trị cao hơn nhưng qua các trận đấu trong kỳ World Cup này thị trường sẽ đánh giá lại các cầu thủ của 2 đội. Khi ấy những cái tên như Gardiol, Sosa, Juranovic… sẽ được định giá cao hơn hiện tại. 

Croatia đương kim Á quân World Cup. Argentina đương kim vô địch cúp Nam Mỹ. Trong giải đấu này, Croatia vừa lật đỗ Brasil (đối thủ truyền kiếp, ngang tài ngang sức với Argentina) bằng loạt sút luân lưu. Xem ra 2 đội tương đương nhau. Tuy nhiên, Argentina còn có lối chơi mưu mẹo, lắm chiêu trò mà Croatia cần phải thận trọng. Đa số các cầu thủ Argentina xuất thân từ đường phố. Dù cho sau này họ được đào tạo bài bản, nhưng vẫn thường xuyên chơi bóng với các “bạn xã hội”. Các trận đấu ở đó chấp nhận các trò tiểu xảo, gian trá, thậm chí bạo lực. Lịch sử bóng đá đã chứng kiến nhiều trò ma mãnh của các cầu thủ Argentina mà đỉnh cao là “bàn tay chúa”của Maradona. VAR xuất hiện cũng để giúp trọng tài chống lại những chiêu trò như vậy. Nhưng những chiêu khiêu khích để đội bạn ăn thẻ, vờ vịt để có quả phạt thì VAR chưa phát hiện nỗi. 

Thần kinh thép, ý chí quật cường, tinh thần yêu nước của các cầu thủ đại diện một quốc gia nhỏ bé với hơn 4 triệu dân có đủ để hóa giải sự “quỷ quyệt đường phố” đó hay không? Kết quả trận đấu sẽ là câu trả lời xác đáng nhất.

Morocco đối đầu với Pháp. Pháp gần như chắc thắng. Morocco chỉ có thủ môn Bono với nụ cười ranh mãnh có thể so sánh tài năng với Lloris, còn lại từ hàng phòng thủ cho đến các vị trí tấn công các cầu thủ Pháp trội hơn hẵn. Huấn luyện viên Walid Regragui tài danh cỡ nào cũng không thể so sánh với Didier Deschamp, khi là cầu thủ ông đã từng nâng cao cúp vô địch, khi là HLV ông đã đưa Pháp thành đương kim vô địch.

Nhưng Morocco có một môn “võ công tuyệt đỉnh”: sự cổ vũ trên khán đài của các bà mẹ. Thắng trận tứ kết, tiền vệ Sofiane Boufal mời mẹ xuống sân khiêu vũ ăn mừng. Hàng loạt các cầu thủ Morocco khác cũng tìm đến mẹ mình sau mỗi chiến thắng. HLV Walid Regragui đã mời mẹ của các cầu thủ đến Qatar để xem con mình thi đấu. Chắc rằng các bà mẹ ấy cũng không hẵn biết rành về bóng đá. Họ chắc cũng chỉ biết lúc nào con vui, lúc nào con buồn, xót lòng khi con mình nhăn nhó, lăn lộn trên sân. Nhưng sự có mặt của họ trên khán đài, sự tự hào của họ về đứa con đang thi đấu cho quốc gia là thần dược tăng cường sự dũng mãnh, sự khéo léo, nhanh nhẹn cho đôi chân của các cầu thủ Morocco.

Vào chung kết là món quà vô giá để các cầu thủ Morocco dâng tặng cho mẹ của mình. Liệu các cầu thủ Pháp: Grizman, Giroud, Mbappe, Tchouameni … và các đồng đội có đủ sức mạnh để chống lại nó? 

Nguyễn Huỳnh Đạt 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI