Vỡ đập thủy điện tại Lào: 'Tập 1' trong chuỗi hệ quả của thủy điện

25/07/2018 - 05:30

PNO - Hàng tỷ mét khối nước thoát ra ngoài cùng hàng trăm người mất tích và gần 7.000 người không còn nhà cửa. Đó mới chỉ là “tập 1” trong chuỗi dài lê thê hệ quả của thủy điện, vốn đã được cảnh báo từ hàng chục năm trước.

Tôi vẫn còn nhớ cảm giác rùng mình khi nghe các cảnh báo về chuyện thủy điện công bố tại hội nghị tư vấn vùng về phát triển thủy điện Mê-Kông do Ủy hội sông Mê-Kông (MRC) tổ chức ngay tại thủ đô Viêng Chăn (Lào) cách đây 10 năm.

Số liệu khi đó cho thấy, nếu như ở thượng nguồn có đến 3 đập thủy điện ngang qua dòng chính sông Mê-Kông đang hoạt động, đều thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là Manwan, Dachaoshan và Jinghong, thì ở khu vực hạ lưu, có tới 11 dự án trong các giai đoạn “cân nhắc” khác nhau, trong đó Lào có 9 dự án.

Vo dap thuy dien tai Lao: 'Tap 1' trong chuoi he qua cua thuy dien
Khung cảnh khủng khiếp khi đập thủy điện tại Lào bị vỡ

Cụ thể, từ năm 2006, các tập đoàn nước ngoài bắt đầu được Lào cấp phép nghiên cứu tính khả thi của 9 đập thủy điện trải dài suốt dòng chính sông Mê-Kông đi qua quốc gia này, gồm Pak Beng, Luang Prabang, Xayaburi, Pak Lay, Sanakham, Pak Chom, Ban Koum, Lat Sua và Don Sahong (2 đập còn lại thuộc Campuchia). Trong đó, có dự án đã khởi công hoặc đang trong “quy trình tham vấn trước” của MRC là Don Sahong, Xayaburi và Pak Beng. Tháng 6/2018, Chính phủ Lào lại tiếp tục thông báo sẽ chính thức tham vấn trước cho dự án thủy điện Pak Lay.

“Tham vấn trước” là một yêu cầu trong quy tắc của MRC về thủ tục hợp tác sử dụng nguồn nước trên dòng chính sông Mê-Kông. Thủ tục lần lượt là thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận, được áp dụng với các dự án xây dựng thủy lợi quy mô lớn và thủy điện có thể gây tác động lớn về môi trường, dòng nước và chất lượng nước trên dòng chính sông Mê-Kông.

Những ngày hội nghị diễn ra căng thẳng với những phản ứng gay gắt từ các chuyên gia quốc tế đối với Lào, đặc biệt là những chỉ trích từ Tổ chức International Rivers (Hoa Kỳ) về chính sách phát triển thủy điện của quốc gia mệnh danh là “bình ắc quy của ASEAN” này. Bởi, ngoài những dự án trên dòng chính, ai cũng biết, các bạn Lào còn có hàng loạt đập thủy điện khác hoạt động trên các dòng nhánh của sông Mê-Kông.

Theo các chuyên gia, những kỳ vọng kinh tế vào các đập nước trên đã làm “mờ mắt” các chính phủ trước những tác động tiêu cực của nó với cộng đồng dân cư lưu vực sông Mê-Kông, tức là những người sống dựa vào nguồn tài nguyên phong phú của một trong những con sông lớn nhất thế giới. Ngoài cá, từ 30 năm trở lại đây, giới khoa học đã phải nhận định lại những thảm nạn môi trường do thủy điện gây ra. Trước đây, thủy điện từng được xem là “nguồn năng lượng sạch”, nhưng thực tế, nó là “kẻ thù giấu mặt” của thiên nhiên.

Những năm 50, 60 thế kỷ trước, thủy điện được xem là kiểu mẫu của ngành năng lượng xanh. Các hồ chứa có thể sản xuất điện mà không phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt hay bất cứ nhiên liệu nào gây ra khí thải độc hại. Chi phí khai thác và vận hành là tối ưu. Con người còn có thể dùng nước từ hồ chứa phục vụ công tác tưới tiêu. Đập giúp chống lũ, tạo ra các khu du lịch sinh thái với hồ nước xanh trong đầy thơ mộng. Một lý do nữa khiến thủy điện được cho là sạch, là vào thời điểm đó, con người còn tương đối dễ dãi với môi trường. Ngập vài trăm, thậm chí vài triệu héc-ta rừng nguyên sinh lúc bấy giờ chắc không phải là vấn đề lớn. Vấn đề di dân ra khỏi vùng ảnh hưởng của một dự án cũng dễ dàng vì “đất còn rộng, người còn thưa”.

Vo dap thuy dien tai Lao: 'Tap 1' trong chuoi he qua cua thuy dien
 

Thế nhưng, những tác động tiềm ẩn do phát triển thủy điện hiện nay thực sự là những mối đe dọa, có thể gây ra những thảm họa khôn lường. Việc khai thác thủy điện vì lợi ích kinh tế đơn thuần, trong nhiều trường hợp, đã khiến dòng chảy biến đổi theo chiều hướng xấu (tăng lượng nước lũ, giảm lượng nước kiệt cho các vùng hạ lưu). Hồ chứa sẽ làm chậm tốc độ dòng chảy thiên nhiên của sông, làm bồi lắng một lượng phù sa lớn tại hồ, làm thay đổi động lực dòng chảy gây xói lở các đoạn sông hạ lưu. Việc vận hành cưỡng bức trong mùa lũ hoặc mùa khô cũng sẽ tác động đến hạ lưu. Đó là chưa kể những tác động tiêu cực cho phần thượng nguồn như ngập đất, rừng, ngập các di sản, di dân và tái định cư, xóa sổ môi trường sống của các loài động vật hoang dã…

Đặc biệt, những hồ chứa với dung tích lên tới hàng chục tỷ mét khối nước còn là tác nhân gây địa chấn, thay đổi mặt đất. Trong những trường hợp xảy ra sự cố vỡ đập - có thể do lỗi kỹ thuật, hay cũng không loại trừ khả năng phá hoại, hoặc thậm chí bị tấn công - thủy điện trở thành trái bom nước đối với an ninh quốc gia, có khi là mối nguy của cả nhân loại.

Một cách tổng quát, thủy điện đã làm đảo lộn hoàn toàn hệ sinh thái xung quanh hồ chứa, giảm thiểu hoặc hủy diệt đa dạng sinh học của toàn vùng. Thủy điện là một thứ làm ra điện năng đã bị các nước tiến bộ loại bỏ bởi chi phí cần thiết để tái tạo môi trường thiên nhiên cao hơn lợi nhuận do việc cung cấp điện năng mang lại. Thế nhưng, hiệu quả kinh tế của thủy điện, như đã nói, lại đang được nhìn nhận hoàn toàn “đảo ngược” bởi một vài quốc gia ở “thế giới thứ ba”.

Thông tin mới nhất cho biết, Lào dự kiến ​​sẽ vận hành 100 nhà máy thủy điện với công suất lắp đặt 28.000MW, sản lượng điện hằng năm khoảng 77 tỷ KWh vào năm 2020; khoảng 85% sản lượng điện là để xuất khẩu.

Lào - quốc gia có dân số chưa đến 7 triệu người - hiện có 46 nhà máy thủy điện hoạt động với công suất 6.444MW và sản lượng điện hằng năm khoảng 35 tỷ KWh. Hiện Lào còn có 54 nhà máy thủy điện đang được xây dựng trên toàn quốc. Những dự án này dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2020.

Lào chủ yếu bán điện cho Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Thái Lan là thị trường xuất khẩu chính, mua đến 10.000MW/năm (Việt Nam mua khoảng 5.000MW/năm). “Bình ắc quy của ASEAN” dự kiến xuất khẩu 100MW điện sang Singapore thông qua lưới điện ở Thái Lan, Malaysia và 200MW đến các nước láng giềng Myanmar vào năm 2020.

Bỏ tất cả những cảnh báo về tác hại tiêu cực, chính sách của Chính phủ Lào là phát triển ngành điện để nó có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào thủy điện.

Tham vọng để phát triển đất nước thành “bình ắc quy của ASEAN” vừa mới phải trả giá bằng sự cố vỡ đập thủy điện Xepian - Xe Nam Noy ở Attapeu - một tỉnh đông nam Lào vào ngày 23/7. Hàng tỷ mét khối nước thoát ra ngoài cùng hàng trăm người mất tích và gần 7.000 người không còn nhà cửa. Đó mới chỉ là “tập 1” trong chuỗi dài lê thê hệ quả của thủy điện, vốn đã được cảnh báo từ hàng chục năm trước. 

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI