Chương trình giao lưu Từ trong đất lửa - Số 2:

Vở cải lương "Thành phố buổi bình minh": Một thời gian khó, một thời thương

04/11/2022 - 06:32

PNO - Vở Thành phố buổi bình minh (kịch bản: Xuân Đức, chuyển thể: soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn: Phan Quốc Kiệt, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu) của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã được giới thiệu với nhiều khán giả tại TP.HCM. Ngày 23/11, vở sẽ ra mắt tại Vũng Liêm (Vĩnh Long) - quê hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (23/11/1922 - 23/11/2022).

Từ trong đất lửa là chương trình do Báo Phụ Nữ TPHCM thực hiện, nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật được trao giải thưởng chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (giai đoạn 2010-2020).

Chương trình giao lưu với văn nghệ sĩ cùng các nhân vật bước ra từ trang sách, cũng như các vở diễn sân khấu, tác phẩm âm nhạc, tác phẩm múa; với những sáng tác có ý nghĩa về lịch sử - văn hóa, ca ngợi vẻ đẹp của đất và người ở thành phố mang tên Bác.

Kỳ 1: Hoa trong lửa Ngày trở về, còn lại chiếc áo ấm và một bức thư...

Thành phố buổi bình minh được dàn dựng để tham dự Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc tại Long An vào năm 2018. Vở diễn được trao giải A Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt II, giai đoạn 2015-2020.

Từ trái sang: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền và đạo diễn Phan Quốc Kiệt nhận hoa từ bà Lý Việt Trung  - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM (bìa phải) - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Từ trái sang: NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền và đạo diễn Phan Quốc Kiệt nhận hoa từ bà Lý Việt Trung - Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM (bìa phải) - Ảnh: Nguyễn Quang

Đây cũng là tác phẩm sân khấu đầu tiên được triển khai trong chương trình đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

Với bối cảnh TP.HCM những năm đầu sau giải phóng, vở diễn Thành phố buổi bình minh khắc họa hình tượng đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP.HCM. Cùng với lãnh đạo cấp cao của thành phố, ông đã tìm mọi cách đưa thành phố vượt qua giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách. Vở diễn nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, cống hiến quan trọng của đồng chí Võ Văn Kiệt - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đạo diễn Phan Quốc Kiệt - Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: “Chúng tôi ấm lòng khi vở diễn được lan tỏa”

Thành phố buổi bình minh là vở diễn mà chúng tôi rất tâm đắc và tự tin, về cả chất lượng vở lẫn dàn diễn viên. Bốn năm trước, chúng tôi dựng vở tham dự Liên hoan sân khấu cải lương toàn quốc 2018 tại Long An với tâm thế rất phấn khởi, tự hào vì tác phẩm có nội dung, ý nghĩa sâu sắc. Với thời lượng vở là 2 tiếng 15 phút, chúng tôi cũng không thể hiện được tất cả những cống hiến của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho thành phố. Ê-kíp dựng vở và các nghệ sĩ cũng đã mất ăn mất ngủ, tập luyện để thực sự thấm nhuần từng vai diễn.

Chúng tôi cảm động và ấm lòng khi vở diễn được lan tỏa và được sự đón nhận của khán giả. Tôi nhớ một suất diễn ở Củ Chi, khi nghe những khán giả lớn tuổi xem và nói “hồi đó là như vậy đó, không ngờ tuồng này kể được những điều y như ngày xưa”.

Một suất diễn khác ở Trường đại học Sư phạm TP.HCM, một người bạn tôi là giảng viên, sau vở diễn đã cùng các em sinh viên đến cảm ơn ê-kíp. Họ nói vở diễn để lại nhiều xúc động, và rất gần gũi về hình tượng cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đồng thời mang tính giáo dục truyền thống yêu nước, thương dân. Tất cả những điều đó cho chúng tôi niềm hạnh phúc và cảm thấy ý nghĩa của việc mình đã làm

Có rất nhiều vấn đề của thành phố được đề cập trong vở diễn: tình trạng thiếu lương thực, vấn đề nước sạch, những xung đột trong quan điểm, cách làm trong bối cảnh cuối những năm 1970, chiến tranh biên giới… Tất cả đặt nặng lên đôi vai của lãnh đạo thành phố. Hình tượng chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt trong vai trò Bí thư Thành ủy TP.HCM ở Thành phố buổi bình minh là một lãnh đạo đầy tâm huyết, luôn gần gũi và quan tâm đến mọi tầng lớp nhân dân. Chính tấm lòng đó đã cảm hóa biết bao người: từ trí thức của chế độ cũ đến người từng ở bên kia chiến tuyến, từ kẻ quan liêu hống hách đến thanh niên lầm đường, từ người già đến lớp trẻ…

NSƯT Lê Tứ - đảm nhận vai nhân vật chú Sáu - bày tỏ, trong suốt sự nghiệp diễn viên của anh, chưa có vai diễn nào khiến anh cảm thấy áp lực như vai chú Sáu. “Áp lực đến mức tôi không biết mình có đảm nhận nổi không. Lẽ ra chỉ cần tập luyện trong một tháng, nhưng tôi phải yêu cầu thêm thời gian tập, nhất là ở lớp độc thoại của nhân vật chú Sáu, về tâm trạng của chú trước khi rời miền Nam ra Hà Nội nhận nhiệm vụ ở Trung ương. Tôi cũng đã đọc nhiều tài liệu về chú Sáu Dân, cũng như hỏi thăm những người từng sống qua buổi giao thời để có thêm sự hiểu biết và cảm nhận. Thử thách của vai diễn còn là việc phải thuộc lời thoại, từng câu từng chữ, không thể nói sai lệch. Thoại của nhân vật rất hay, và đó cũng là phong cách, phẩm cách của chú Sáu Dân” - NSƯT Lê Tứ chia sẻ.

Có rất nhiều câu thoại cảm động của chú Sáu trong vở diễn: “Trí thức là tài sản của đất nước, không phân biệt là người ở bên nào”, “Chiến thắng này là của tất cả nhân dân Việt Nam, không phải của riêng ai”, “Là một người lãnh đạo ngồi giữ vựa thóc lớn nhất của Nam Bộ mà để cho dân phải ăn bo bo, thì làm lãnh đạo gì nữa chứ?”… Đó cũng chính là tấm lòng của một người lãnh đạo đối với nhân dân, là trăn trở với trách nhiệm hàn gắn xung đột, hòa giải dân tộc trong thời khắc thành phố còn quá nhiều khó khăn. NSƯT Lê Tứ nói, càng “thấm” nhân vật, anh càng thêm kính phục và yêu thương một nhân cách vĩ đại. 

NSƯT Lê Tứ và NSƯT Lam Tuyền trong tạo hình nhân vật chú Sáu và chị Ba sẽ thể hiện một trích đoạn của vở diễn, trong talkshow Thành phố buổi bình minh
NSƯT Lê Tứ và NSƯT Lam Tuyền trong tạo hình nhân vật chú Sáu và cô Ba sẽ thể hiện một trích đoạn của vở diễn, trong talkshow Thành phố buổi bình minh

NSƯT Lam Tuyền (vai cô Ba, là hình tượng của bà Ba Thi - nguyên Giám đốc Công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM) bộc bạch, vai diễn này đòi hỏi chị phải thể hiện bằng thần thái nhân vật chứ không thể chỉ là lời thoại hay ca diễn. “Có rất nhiều điều ý nghĩa mà vở diễn muốn chuyển tải đến công chúng hôm nay. Tôi tin rằng khán giả, đặc biệt là những người trẻ, sẽ cảm nhận được nhiều thông điệp giá trị từ câu chuyện, cũng như từ các nhân vật, về phẩm cách, lý tưởng sống và lòng yêu nước…” - NSƯT Lam Tuyền chia sẻ. 

NSƯT Lê Tứ, NSƯT Lam Tuyền và đạo diễn Phan Quốc Kiệt cũng sẽ có thêm nhiều chia sẻ về vở diễn này, trong chương trình talk show Từ trong đất lửa của Báo Phụ Nữ TP.HCM, số 2 với chủ đề “Thành phố buổi bình minh”, sẽ được phát sóng tại www.phunuonline.com.vn và YouTube vào ngày 5/11. 

Lục Diệp

“Vượt rào chạy gạo” cứu đói cho dân

Một trong những lớp diễn xúc động ở Thành phố buổi bình minh là nhân vật chú Sáu và chị Ba bàn nhau, bằng mọi giá phải đưa được gạo từ miền Tây lên TP.HCM, vào năm 1977 (lớp diễn được NSƯT Lê Tứ và NSƯT Lam Tuyền thể hiện lại trong chương trình Từ trong đất lửa).

Thời điểm đó, tình trạng lương thực ở thành phố rất căng thẳng. “Có lúc dự trữ gạo của thành phố chỉ còn đủ ăn một tuần. Cả thành phố nhao lên vì gạo, lần đầu tiên, những người lao động thành phố biết thế nào là ăn độn bột mì, sắn, bo bo” - trích trang viết trong cuốn sách Cô Ba Thi và hột gạo (tác giả Hoài Bắc, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, 2014). Thành phố buộc phải tìm cách tháo gỡ, thay đổi chính sách phù hợp với tình hình mới. Trách nhiệm đặt lên vai các lãnh đạo cấp cao của thành phố. Đồng chí Võ Văn Kiệt - khi ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM - đã nói: “Không để một người dân nào chết đói”.

Với quyết tâm ấy, Thành ủy chỉ đạo thành lập Ban Thu mua, giao cho bà Ba Thi - lúc bấy giờ là Phó Giám đốc Sở Lương thực TP.HCM - trực tiếp chỉ đạo. Ban Thu mua gồm 15 người, 4 nam và 11 nữ. Tuy nhiên, đây là tổ chức không có tên chính thức trong văn bản, vì vậy mà khi các thành viên của Ban Thu mua về miền Tây mua gạo chở lên thành phố, đã không ít lần bị lực lượng chức năng địa phương bắt giữ, xét hỏi vì tưởng họ đi buôn lậu. Trong tình hình nhiều khó khăn trở ngại như thế, Ban Thu mua vẫn vượt qua, hoạt động được hai năm, chừng ấy thời gian giải nguy cho thành phố. Đến giữa năm 1980, Công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM mới chính thức được ra đời. 

Cô Ba Thi và hột gạo viết về giai đoạn thành lập  Ban Thu mua và hình thành Công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM - ẢNH: NGUYỄN QUANG
Cô Ba Thi và hột gạo viết về giai đoạn thành lập Ban Thu mua và hình thành Công ty Kinh doanh lương thực TP.HCM 

Còn bà Ba Thi (Anh hùng lao động Nguyễn Thị Ráo, 1922-2002) từng được những người cùng thời bảo là “uống mật gấu”, vì dám làm những việc mà cái giá phải trả có thể phải ngồi tù. Nhưng bằng mọi giá phải đưa được gạo lên TP.HCM cứu đói cho dân là lựa chọn quyết tâm và bản lĩnh của người nữ lãnh đạo ấy.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, người nữ cán bộ đã từng “quảy đôi quang gánh, một bên bún khô, một bên đứa con nhỏ đi vận động quần chúng đấu tranh”. Bằng sự quyết liệt, cứng rắn của người lãnh đạo và cả trái tim ấm áp của người phụ nữ, bà Ba Thi đã góp phần đưa thành phố vượt qua giai đoạn khó khăn trong những năm đầu sau giải phóng.

Trên sân khấu, câu chuyện “vượt rào chạy gạo” chỉ là một trong rất nhiều vấn đề được tái hiện. Nhưng phân đoạn nhân vật chú Sáu và chị Ba (do NSƯT Lê Tứ và NSƯT Lam Tuyền thể hiện) tìm cách cứu đói cho dân đã để lại trong lòng người xem sự xúc động, cảm phục và biết ơn những con người và những tháng năm vĩ đại…

Song Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI