Vì sao xe bị ngập nước, bảo hiểm không bồi thường?

06/12/2022 - 06:22

PNO - Một số người đã mua bảo hiểm vật chất ô tô nhưng khi xe bị ngập nước, chết máy, họ lại bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường thiệt hại.

Do các điều khoản loại trừ 

Gửi đơn đến Báo Phụ nữ TPHCM, anh Đ.T. (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, trong đợt mưa lớn vào tháng 8/2022, nước dâng cao làm ngập chiếc ô tô của anh đậu trên vỉa hè, chết máy. Trước đó, anh T. có mua bảo hiểm vật chất ô tô tại Công ty cổ phần Bảo hiểm H.K., trong đó có quyền lợi bảo hiểm thủy kích (bị nước tràn vào đường hút gió của máy gây chết máy đột ngột). 

Sau khi xảy ra sự cố, Công ty H.K. thông báo không chi trả bồi thường với lý do: lúc xe bị ngập nước và chết máy, anh T. đã khởi động lại động cơ. Công ty cho rằng, theo quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới thì công ty có bổ sung điều khoản loại trừ bảo hiểm nếu xe được khởi động lại động cơ đã dừng hoạt động do đi vào vùng bị ngập nước. “Tôi không hề biết điều khoản loại trừ này và điều khoản này cũng không hợp lý. Nhằm tránh thiệt hại cho xe, khi thấy xe bị ngập nước, chủ xe nào cũng khởi động máy để thoát khỏi vùng ngập” - anh T. nói.

Anh N.Đ.P. (TPHCM) cũng gặp tình trạng xe bị ngập nước, chết máy khi đang lưu thông trên đường Lương Định Của (TP Thủ Đức). Anh có mua bảo hiểm vật chất cho xe, nhưng nhân viên giám định phía Công ty Bảo hiểm L. thông báo, sẽ không chi trả bảo hiểm cho trường hợp này do xe anh bị thủy kích nhưng anh không tham gia thêm quyền lợi bảo hiểm thủy kích. Theo anh P., anh nghĩ chỉ cần mua bảo hiểm xe thì sẽ được chi trả cho mọi trường hợp hư xe. 

Nếu không tìm hiểu kỹ các điều khoản loại trừ, chủ xe bị ngập nước có thể sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường (trong ảnh: Xe ngập nước trong trận mưa lịch sử ngày 14/10 ở TP Đà Nẵng) - ẢNH: ĐÌNH DŨNG
Nếu không tìm hiểu kỹ các điều khoản loại trừ, chủ xe bị ngập nước có thể sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường (trong ảnh: Xe ngập nước trong trận mưa lịch sử ngày 14/10 ở TP Đà Nẵng) - Ảnh: Đình Dũng

Anh H.H. (TP Đà Nẵng) kể, anh tham gia bảo hiểm vật chất cho xe ở Công ty M., có mua thêm quyền lợi bảo hiểm thủy kích. Ngày 14/10, do triều cường dâng cao, xe của anh đang đậu trên vỉa hè bị ngập toàn bộ. Anh H. được nhân viên bảo hiểm hướng dẫn gọi xe cứu hộ đưa đi sửa chữa nhưng sau đó lại thông báo từ chối chi trả bảo hiểm với lý do công ty có điều khoản loại trừ chi trả trong trường hợp xe bị hư hỏng nhưng không có giấy đăng kiểm. 

“Xe tôi chỉ mới hết hạn đăng kiểm được vài ngày. Trong hợp đồng có nêu, tại thời điểm xe tham gia giao thông xảy ra tai nạn, tổn thất mà không có giấy đăng kiểm thì mới bị loại trừ chi trả. Xe của tôi đang đậu trên vỉa hè, không tham gia giao thông thì không thể loại trừ chi trả bảo hiểm được. Tôi cũng không biết những điều khoản loại trừ này nếu không nhờ luật sư tư vấn” - anh H. nói. 

Chị P.T. (TP Đà Nẵng) kể, xe của chị cũng bị ngập nước khi đang đậu trên vỉa hè. Công ty Bảo hiểm L. cũng dựa vào điều khoản loại trừ, cho rằng xe của chị đã hết hạn đăng kiểm 3 ngày để làm khó về tiền bồi thường. Xe chị bị ngập nước ngày 14/10 nhưng đến 1/12, chị mới nhận được tiền bồi thường. Giám định viên nói do hết hạn đăng kiểm nên chị bị giảm 20% tiền bồi thường. Nếu không muốn bị giảm tiền thì chị phải chi trả phân nửa tiền cứu hộ, tiền khấu trừ dịch vụ, tiền lọc nhớt gần 3 triệu đồng. Theo tìm hiểu của chị, xe bị ngập nước khi đang đậu thì phải được bồi thường 100%. 

Khách chịu thiệt nếu không nắm rõ quyền lợi 

Ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair - cho hay, mùa mưa bão, ô tô thường bị hư hỏng do ngập nước. Ngập nước và thủy kích là 2 rủi ro khác nhau nhưng đại đa số người mua bảo hiểm nghĩ rằng là 1, thậm chí tư vấn viên, nhân viên giám định cũng nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn nên đã giải quyết bồi thường sai cho khách. 

Các trường hợp thường gặp là xe bị ngập nước nhưng không được công ty bảo hiểm bồi thường do chủ xe không mua quyền lợi bảo hiểm thủy kích hoặc xe bị ngập nước nhưng không bị thủy kích. Lẽ ra chủ xe được bồi thường 100% nhưng bị giám định viên áp dụng điều khoản thủy kích để khấu trừ chi phí từ 10 - 30%, không chi trả thiệt hại hệ thống điện hoặc viện lý do xe hết hạn đăng kiểm để không chi trả bồi thường. 

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, ngập nước là xe bị ngập, còn thủy kích là nước tràn vào bên trong buồng đốt xi lanh khiến xe bị hư động cơ, chết máy đột ngột. Xe ngập nước thường sẽ bị thủy kích nhưng không phải trường hợp ngập nước nào cũng bị thủy kích. Khi tham gia bảo hiểm thân vỏ xe, nếu muốn được chi trả quyền lợi về thủy kích, chủ xe phải mua thêm điều khoản bảo hiểm thủy kích. 

“Quy tắc bảo hiểm của mọi công ty bảo hiểm đều quy định rõ rằng, ngập nước là 1 rủi ro cơ bản. Khi xảy ra ngập nước, công ty bảo hiểm sẽ bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ đi số tiền khấu trừ chung (mức khấu trừ chung của xe không kinh doanh là 500.000 đồng, xe kinh doanh là 1 triệu đồng). Nếu xe bị ngập nước, dù chủ xe không mua quyền lợi bảo hiểm thủy kích, vẫn được bồi thường 100% thiệt hại do ngập nước. Công ty bảo hiểm từ chối chi trả cho trường hợp này là sai. Một số công ty loại trừ thiệt hại hệ thống điện do xe hoạt động trong vùng ngập nước nhưng nếu xe bị ngập trong lúc không hoạt động mà không chi tiền là cũng sai. Công ty bảo hiểm cố tình áp dụng điều khoản thủy kích khi xe không bị thủy kích để trừ 10 - 30% chi phí của khách cũng sai quy định” - ông Nguyễn Khắc Xuân khẳng định. 

Hiện nay, một số công ty bảo hiểm đã thêm vào điều khoản loại trừ chi trả khi xe bị ngấm nước, chết máy nhưng chủ xe cố tình khởi động máy. Nếu phía công ty bảo hiểm gọi điện và người lái xe khai có khởi động lại, nội dung khai báo này bị ghi âm thì phía công ty bảo hiểm từ chối bồi thường. Theo các công ty này, khi xe bị thủy kích, việc khởi động máy sẽ gia tăng tổn thất, có thể làm cong tay biên, gãy tay biên, vỡ lốc máy, chập thiết bị điện… 

Theo ông Nguyễn Khắc Xuân, rất nhiều khách hàng không biết đến điều khoản loại trừ này nên chịu nhiều thiệt thòi. Đây là điều khoản vô lý bởi rất khó biết được chủ xe có cố tình khởi động lại sau khi xe chết máy hay không, hay xe đã bị thủy kích và tài xế không khởi động lại.

Luật sư Đỗ Hồng Sơn - Phó trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Hoa Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam (Vics-corp) - cho rằng, điều khoản loại trừ quy định, bên bán bảo hiểm không phải bồi thường chi phí là nội dung rất quan trọng nhưng hầu hết khách hàng không được cung cấp bộ quy tắc này trước khi ký hợp đồng mua bảo hiểm. Chỉ khi tranh chấp xảy ra, công ty thông báo từ chối chi trả, khách hàng mới biết có những điều khoản loại trừ này. Trong trường hợp này, khi kiện bên bán bảo hiểm, khách hàng chưa chắc thắng kiện. Khách hàng chỉ có thể thắng kiện nếu bên bán bảo hiểm thừa nhận đã không cung cấp cho bên mua đầy đủ thông tin theo quy định. 

Luật sư Đỗ Hồng Sơn đề nghị, Bộ Tài chính cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra xem việc bán bảo hiểm thân vỏ xe nói riêng, bảo hiểm nói chung có kèm theo các quy tắc, điều khoản loại trừ hay không. 

Ông nói thêm: “Chủ xe - nhất là đơn vị kinh doanh vận tải (thường mua bảo hiểm xe với số lượng lớn) - cần chủ động yêu cầu bên bán bảo hiểm cung cấp và giải thích rõ các quy tắc, điều khoản loại trừ. Cần tham vấn những đơn vị chuyên môn bởi không phải bộ quy tắc, điều khoản loại trừ nào của công ty bảo hiểm cũng giống nhau. Ví dụ, khi xe bị ngập nhưng giấy đăng kiểm hết hạn, có công ty nói rằng, tổn thất khi xe đang hoạt động thì mới bị loại trừ chi trả, còn nếu xe không hoạt động thì vẫn chi trả nhưng có công ty áp dụng điều khoản loại trừ bất kể xe gặp rủi ro khi đang hoạt động hay không”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI