"Vì mái ấm bình yên cho trẻ thơ": Những gia đình thơ dại

02/06/2016 - 06:00

PNO - Những "gia đình thơ dại” vừa được xây lên đã phải tựa vào những mái nhà vốn cũng liêu xiêu vì nghèo đói...vẽ nên cái khung cảnh tam-đại-đồng-đường bất-đắc-dĩ.

Những cặp cậu-cháu sàn sàn ba, bốn tuổi, đầu trần chân đất leo thoăn thoắt lên nhà sàn, vốc một nắm cơm, rồi tụt xuống, chạy giữa làn bụi đất. Những người mẹ ngơ ngác vừa rời trường cấp II, vụng về phó mặc đứa con thơ đang ngằn ngặt khóc cho bậc sinh thành. Những người đàn bà ngoài 30 sau hai đời tảo hôn đã thành… bà ngoại, một tay ẵm con, tay kia ôm cháu, đong đưa những lời ru rời rạc, hiu hắt.

Cứ thế, những “gia đình thơ dại” vừa được xây lên đã phải tựa vào những mái nhà vốn cũng liêu xiêu vì nghèo đói, thất nghiệp; vẽ nên cái khung cảnh tam-đại-đồng-đường bất-đắc-dĩ, nheo nhóc khắp chân dãy Trường Sơn, dọc tuyến đường Diêu Trì - Mục Thịnh.

Hủ tục thức giấc?

Vậy mà, khi tỏa sang những ngả đường hai bên con lộ chính vào một ngôi làng bất kỳ ở huyện Vân Canh (Bình Định), “tảo hôn” bỗng trở thành một từ “cấm kỵ”. Khác với hình ảnh hoang vắng, tiêu điều thường thấy ở những ngôi làng còn chìm trong hủ tục, Hiệp Hưng ở gần ngay tỉnh lộ, bên cạnh mỗi vuông nhà sàn là một căn nhà còn tươi màu ngói. Đứng trước một trong những “cái rốn” tảo hôn của huyện, chị Phượng - cộng tác viên Trung tâm Dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Canh Hiệp, cẩn thận dặn tôi: “Em nhớ đừng dùng chữ “tảo hôn”, bà con sẽ giận”.

 
18 tuổi, Lơ O Thị Truyền đã là trụ cột của một gia đình gồm con nhỏ, mẹ bệnh và hai đứa em đang tuổi ăn học

Trên chiếc võng mắc giữa ngôi nhà sàn, em Lơ O Thị Truyền (SN 1998) ngồi bó gối, thẫn thờ. Dưới sàn nhà, bà Nguyễn Thị Mí đang khổ sở đứng dậy, bế theo đứa trẻ đang giãy nảy, khóc thét. Bước hết chiếc cầu thang dẫn từ nền đất lên nhà sàn, Chị Phượng lấy giọng hồ hởi: “Cả nhà cơm nước gì chưa?”. Đứa trẻ vẫn giãy giụa, tiếng khóc át câu trả lời bằng giọng Kinh lơ lớ của bà Mí. Chị Phượng tiếp: “Hai mẹ con khỏe không?”. Truyền hướng đôi mắt đờ đẫn về phía chúng tôi, hờ hững nói: “Đói bụng, khóc miết”. Đứa trẻ vẫn ngằn ngặt khóc. “Khỏe gì. Chồng cũng bỏ đấy. Hồi mang bầu đấy. Bỏ tới bây giờ. Cũng mẹ nuôi chớ ai nuôi. Chu, cực chết” - bà Mí nói, trước khi ẵm đứa trẻ đi khuất sau chiếc cầu thang dẫn xuống sân.

Còn lại trước mặt tôi là “trụ cột” của một gia đình năm miệng ăn. Truyền cao, gầy, nước da nâu sạm. Nét u ám, tiều tụy in hằn cả trên dáng ngồi lom khom, trên đôi tay khẳng khiu buông thõng. Chỉ có một điều không hề bị khuất lấp đi giữa ánh mắt âu sầu: Truyền rất trẻ. Lấy chồng năm 16 tuổi, sinh con năm 17 tuổi, nay con tròn một tuổi, Truyền vừa 18 tuổi.

Cha mẹ chia tay, tuổi thơ của Truyền là những ngày chứng kiến mẹ quần quật làm thuê ngoài rẫy vẫn không đủ để nuôi ba đứa con. Học đến lớp 9, thấy mẹ kiệt sức, hai đứa em thường xuyên đói ăn; Truyền quyết định nghỉ học, lấy chồng, đặng... thêm người phụ giúp mẹ. Bốn tháng sau ngày kết hôn, Truyền có thai; người chồng chưa hết tuổi ham chơi, mỗi lần về nhà lại... lôi vợ ra đánh. Những ngày làm dâu ở làng Cà Xiêm, giữa lúc bụng mang dạ chửa, Truyền bao lần phải chạy về mẹ đẻ để trốn đòn chồng. Đến tháng thứ bảy, sau một trận đánh vợ, chồng Truyền đi biệt dạng.

Truyền trở về nhà mẹ, thêm một miệng ăn oằn nặng lên đôi vai đã kiệt quệ vì những cơn đau chưa từng được khám. Những ngày ở cữ, chứng kiến mẹ vừa khổ sở nuôi năm miệng ăn, vừa quần quật chăm đứa cháu dại, Truyền quảy gùi lên rẫy, thay mẹ trồng keo thuê khi con chỉ vừa hai tháng. Nhưng, nương rẫy ít việc, lại chỉ cần thanh niên trai tráng, suốt một tháng nay, Truyền thất nghiệp. Lon gạo đi mượn mỗi ngày đều nương vào niềm hy vọng: “chừng nào nẫu mướn đi làm, sẽ trả”, dẫu, những ngày này, chỉ riêng việc đứng lên cũng đủ khiến “lao động chính” choáng váng, ngã nhào.

Ngoài sân, tiếng khóc ấm ức của đứa trẻ mỗi lúc một gần. Một tay ẵm cháu, bà Mí huơ huơ liên tục một bàn tay đang nắm trái xoài vừa hái được đâu đó trước mặt đứa trẻ, cuống quýt dỗ dành. Giữa lúc ấy, bắt gặp ánh mắt ngẩn ngơ của chị Phượng trước gian bếp trống huơ, Truyền cười nhẹ: “Đâu có gạo chị ơi. Ăn xoài hoài, tiêu chảy gần chết!”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI