Vi bằng có thể bảo vệ gì cho chị em?

22/09/2019 - 18:00

PNO - Thông tin nhiều người lâm vào cảnh khốn khổ khi mua nhà qua “vi bằng” khiến không ít hội viên, phụ nữ lo lắng, bất an. Có chị em không hiểu vi bằng là gì, giá trị ra sao và cần thiết thế nào trong cuộc sống.

Giải tỏa thắc mắc này của chị em, qua đó tuyên truyền một số quy định về tổ chức hoạt động của thừa phát lại và giá trị pháp lý của vi bằng, sáng 20/9, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bình Chánh phối hợp Phòng Tư pháp và Hội Luật gia huyện tổ chức “Ngày Phụ nữ & pháp luật” với chủ đề về thừa phát lại và vi bằng.

Vi bang co the bao ve gi cho chi em?
Trên thực tế, vi bằng đã giúp cho nhiều giao dịch dân sự thuận tiện hơn.

300 chị em là cán bộ Hội LHPN của 16 xã/ thị trấn, chi hội trưởng, chi hội phó các ấp/ khu phố, tuyên truyền viên, thành viên tổ tư vấn cộng đồng và hội viên phụ nữ cùng tham dự sự kiện.

Ông Vũ Huy Hoàng - Phó trưởng phòng Tư pháp huyện - cho biết, vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác. Trong cuộc sống, vi bằng giúp người dân thuận tiện trong nhiều giao dịch dân sự, thậm chí còn là một phần bằng chứng để bảo vệ mình trước tòa trong các vụ kiện về quyền nuôi con, quyền được ly hôn…

Ông Hoàng nhắc chị em: giá trị pháp lý của vi bằng được quy định tại Điều 28 Nghị định 61/2009/NĐ-CP. Theo đó, vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án; là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Vi bằng chỉ ghi nhận nội dung cụ thể của sự kiện, hành vi, có thể có kèm theo hình ảnh, băng hình và các tài liệu chứng minh khác.

Vi bang co the bao ve gi cho chi em?
Ông Hoàng giới thiệu một số hình ảnh hoạt động của thừa phát lại trên địa bàn huyện Bình Chánh

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành cũng quy định, thừa phát lại có quyền lập vi bằng đối với các sự kiện, hành vi theo yêu cầu của đương sự trừ các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng, đời tư, đạo đức xã hội và các trường hợp pháp luật cấm. Một vi bằng hợp lệ, sau khi được lập xong phải được thừa phát phải gửi đến sở tư pháp đăng ký.

Trong giao dịch liên quan đến nhà đất, các bên được thừa phát lại lập vi bằng, nhưng vi bằng này chỉ ghi nhận việc giao tiền, giao nhận giấy tờ chứ không chứng nhận việc mua bán nhà đất. Dùng vi bằng trong mua bán nhà đất là hình thức “lách luật”, không có giá trị pháp lý và giao dịch có thể bị tuyên vô hiệu khi xảy ra tranh chấp.

Tinh Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI