Về những người nổi tiếng làm từ thiện: Có tâm tốt nhưng vẫn cần sự chuyên nghiệp

08/06/2021 - 18:01

PNO - Hơn tuần nay trên mạng xã hội và báo chí nóng lên với vụ scandal từ thiện của một danh hài nổi tiếng. Theo dõi vụ này, bỏ qua định kiến với các bên liên quan, tôi có vài điều muốn chia sẻ.

“Từ thiện” là từ ghép Hán - Việt, hiểu ngắn nhất là lòng tốt xuất phát từ tâm của mỗi người và không vụ lợi. 

Báo Phụ Nữ TP.HCM tặng tiền và quà cho người dân vùng lũ Quảng Trị
Báo Phụ Nữ TPHCM tặng tiền và quà cho người dân vùng lũ Quảng Trị

Ở Việt Nam hiện nay, hoạt động từ thiện được tiến hành thông qua các tổ chức (như Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ hội đoàn, các quỹ…) hoặc cá nhân (các nhà hảo tâm hoặc người nổi tiếng kêu gọi, được cộng đồng ủng hộ, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của mình để làm từ thiện thay). So với hoạt động từ thiện có tổ chức thì hoạt động từ thiện cá nhân gần đây ngày càng được khuếch trương thông qua vai trò của người nổi tiếng, đặc biệt là giới showbiz. 

Bắt đầu từ quy mô nhỏ, các nghệ sĩ huy động được số tiền ủng hộ từ người hâm mộ và cộng đồng lớn dần đến con số hàng chục tỷ đồng. Nhưng cũng từ đây, một loạt tình huống phát sinh, điển hình như việc nhận tiền nhưng lại chậm trễ làm từ thiện đến hơn nửa năm; nghệ sĩ kêu gọi, nhận ủy thác từ thiện từ cộng đồng nhưng lại ủy thác cho người khác đi thay mà không thông báo cho công chúng biết, nên đã tạo ra nhiều nghi vấn, định kiến và điều tiếng không hay từ xã hội. 

Báo Phụ Nữ TPHCM và chương trình Hướng về miền Trung
Báo Phụ Nữ TPHCM và chương trình Hướng về miền Trung ủng hộ đồng bào tỉnh Quảng Trị bị lũ lụt

Từ sự đồng cảm, sẻ chia, cộng đồng và người hâm mộ đã gửi tiền về cho thần tượng thay mình đi từ thiện trên cơ sở “cầm cố niềm tin” với suy nghĩ: người nổi tiếng sẽ không đánh đổi uy tín của mình để làm gì không đúng mực. 

Thật ra các nghệ sĩ không phải là những người quản lý tài chính chuyên nghiệp hay hiểu biết thật rành rẽ những quy định về quản lý tài chính và về làm công tác từ thiện. Dưới góc nhìn kinh tế thì quản trị tài chính là công việc của những người có kiến thức chuyên môn. Người thuộc lĩnh vực khác khó có khả năng quản lý tốt số tiền vài tỷ đồng hoặc vài chục tỷ đồng, nên một nghệ sĩ nếu chi số tiền từ vài tỷ đồng trở lên để đi từ thiện thì e là khó tránh khỏi sai sót nếu không có ê-kíp giỏi giang, chu đáo. Chỉ cần sơ suất dẫn đến không minh bạch thu - chi thì xem như người đi từ thiện đã bị búa rìu dư luận rồi chứ chưa nói đến có ý tưởng, hành vi lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền từ thiện. 

Ở góc nhìn pháp lý, Nghị định 64/2008/NĐ-CP quy định chưa chặt chẽ về hoạt động từ thiện (hiện đang sửa đổi, bổ sung). Điển hình tại điều 3 của nghị định này chỉ cấm các hành vi như cản trở hoặc ép buộc cá nhân tham gia cứu trợ nhân đạo, báo cáo sai, lợi dụng hoạt động từ thiện trục lợi… mà không cấm cá nhân kêu gọi từ thiện và đóng góp từ thiện tự nguyện nên hoạt động từ thiện ngày càng mang tính tự phát, không kiểm soát được bởi một nguyên tắc mang tính hiến định là: cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật quy định còn công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm.

Với vài lập luận như vừa nêu tôi cho rằng, nên chăng chúng ta đưa ra từng mức trần số tiền huy động nhằm quản trị số tiền từ thiện tốt hơn, ví dụ cá nhân chỉ huy động không quá 1 tỷ đồng; trên số này đến 0,5 tỷ đồng phải là một nhóm từ 3-5 người huy động; trên nữa thì phải lập hội từ thiện… 

Bên cạnh đó, pháp luật cần quy định rõ về mốc thời gian tối đa phải giải ngân số tiền từ thiện của người được ủy thác từ thiện; việc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân thứ ba đi thay mình; chế tài đối với việc chậm trễ đi từ thiện, thu - chi từ thiện không minh bạch…

Cuối cùng tôi cho rằng, người làm từ thiện tốt là những người có tâm tốt, nhưng người có tâm tốt thì chưa chắc có hoạt động từ thiện tốt, bởi ông bà xưa dạy “của cho không bằng cách cho”, đức Phật thì dạy “từ bi phải trí tuệ”, còn thực tiễn dạy chúng ta rằng từ thiện mà phương pháp thực hiện sai hoặc phương pháp đúng nhưng sai đối tượng, không kịp thời, thì từ thiện chẳng có ý nghĩa gì. 

Thạc sĩ - luật sư Trần Hoài Nhân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI