Vé máy bay ồ ạt khuyến mãi, giảm giá khi hàng không ế ẩm vì COVID-19

19/02/2020 - 17:02

PNO - Tìm đường bay mới, cho thuê máy bay, khuyến mãi, giảm giá… hàng loạt biện pháp được các hãng hàng không đưa ra khi mà doanh số liên tục sụt giảm do dịch COVID-19.

Phòng ế ẩm, hãng bay hụt doanh thu

Anh Trung, chủ đại lý bán vé máy bay tại quận 1, TPHCM cho biết, khoảng ba tuần nay lượng khách hàng đặt vé máy bay giảm từ 30 - 50% các chặng nội địa, từ 50 - 70% các chặng quốc tế. Nhiều chặng bay nội địa từ TPHCM ra các tỉnh thành miền Bắc, khách hàng đã đặt từ trước, sẽ bay trong tháng 2, 3 đều gọi đến yêu cầu hoặc nhờ hướng dẫn thủ tục huỷ vé, hoàn tiền vé.

Một chuyến bay của Vietjet Air khá thưa khách trong đợt dịch COVID-19. Ảnh: Quốc Thái
Một chuyến bay của Vietjet Air chặng TPHCM đi Cam Ranh đầu tháng 2 khá thưa khách. Ảnh: Quốc Thái

Theo anh Trung, không chỉ riêng đại lý của anh, nhiều đại lý cấp dưới, hoặc bạn bè cùng ngành cũng chịu chung số phận. Tệ hơn, nhiều đại lý buộc phải cắt giảm thêm các chi phí hay nhân sự để hạn chế thiệt hại khi mà dịch bệnh còn phức tạp.

“Nếu không phải là cuộc gọi đến để hỏi thủ tục hoàn vé, huỷ vé thì các cuộc gọi đại lý nhận được hiện nay là hầu hết khách hỏi những điểm đến mà họ đang muốn đi có trường hợp các ly vì Corona không? có đảm bảo an toàn không?”, một nhân viên bán vé máy bay tại đường Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận) chia sẻ. 

Theo đại diện Vietnam Airlines (VNA), thị trường khách nội địa của hãng đã bị hủy khoảng 20 - 40% lượng vé trong một vài tuần trở lại đây, khách du lịch Việt Nam ra nước ngoài hủy 40 - 50%, khách châu Âu đến Việt Nam hủy với tỷ lệ thấp hơn (khoảng 10-15%). Lượng khách hủy nhiều nhất là thị trường Trung Quốc và các nước thuộc Đông Bắc Á như Hồng Kông, Ma Cao, Nhật Bản, Hàn Quốc (70 - 80%). Ước tính mức thiệt hại của hãng này khoảng 250 tỷ đồng mỗi tuần khi doanh thu sụt giảm do ngưng đường bay đến Trung Quốc vì dịch COVID-19.

Hàng không lên kế hoạch ứng phó

Toàn ngành hàng không đều đang lên kế hoạch để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong mùa dịch khi 100% các chuyến bay đi Trung Quốc đều “đóng băng” từ cuối tháng 1. Các hãng đều lên kế hoạch cắt giảm tối đa các chi phí, tính toán cho thuê lại máy bay hay tăng cường thêm các đường bay mới, tiềm năng bổ sung vào lượng khách thiếu hụt từ Trung Quốc.

Chia sẻ với phóng viên báo Phụ Nữ TPHCM, đại diện VNA cho biết, hãng đang rao cho thuê lại máy bay cho đối tác có nhu cầu để giảm thiểu tình trạng máy bay nằm chờ trong sân khi không khai thác được các đường bay đi Trung Quốc.

Vietnam Airlines phải thông báo cho thuê lại máy bay để giảm thiểu thiệt hại về doanh thu. Ảnh: Quốc Thái
Vietnam Airlines phải rao tin cho thuê lại máy bay để hạn chế thiệt hại về doanh thu. Ảnh: Quốc Thái

Ngoài ra, đại diện VNA cho hay hãng kế hoạch khai thác thêm các đường bay mới, đường bay tiềm năng nhằm bổ sung cho những thiệt hại, thiếu hụt từ thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, cụ thể hơn vế kế hoạch khai thác, cũng như tăng cường đường bay vẫn thuộc phạm vi kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp này.

Theo ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air, khi phải dừng toàn bộ các chuyến bay tới Trung Quốc từ ngày 1/2, hãng duy trì hoạt động xúc tiến và mở đường bay mới để thu hút khách từ các thị trường đầy tiềm năng khác như Ấn Độ, Đông Nam á.... Vietjet Air sẽ mở thêm 3 đường bay thẳng kết nối Đà Nẵng và New Delhi, Hà Nội và TPHCM với Mumbai bắt đầu khai thác từ tháng 5/2020.

“Đối với những giải pháp lớn hơn về mặt vĩ mô, VNA cùng các hãng hàng không cũng đang có những báo cáo lên Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải, Chính phủ và các bộ ban ngành để có kế hoạch chi tiết giúp phục hồi vào năm 2021, 2022. Chúng tôi đánh giá lần ảnh hưởng này lớn hơn nhiều về mặt quy mô cũng như phạm vi so với dịch SARS năm 2003.”, đại diện VNA chia sẻ.

Rất nhiều chặng bay nội địa cũng được các hãng giảm giá vé để thu hút khách. Chẳng hạn, chặng bay giữa Hài Nội với TPHCM thời điểm khởi hành cuối tháng 2 đầu tháng 3 đều được các hãng hàng không trong nước giảm giá vé xuống mức khá thấp. Giá vé khứ hồi chặng bay này cao nhất cũng chỉ ở mức 1,5 triệu đồng/hành khách, thấp nhất khoảng 900.000 đồng/hành khách.

Theo Cục hàng không, các hãng hàng không vừa báo cáo sơ bộ về mức thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay đến Trung Quốc tính đến ngày 10/2 khoảng hơn 10.000 tỷ đồng và con số này sẽ không dừng lại. Các hãng hàng không có đường bay Việt – Trung chiếm 18,1% thị trường quốc tế và 26,1% sản lượng vận chuyển quốc tế.

Để tạo điều kiện cho các hãng hàng không, Cục kiến nghị Bộ, ngành và báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không, chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có biện pháp và các hãng hàng không tính toán lại mức giá/phí cũng như giãn tiến độ thanh toán cho phù hợp.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI