Vải từ tơ tre được kỳ vọng tạo ra thế hệ sản phẩm may mặc mới

23/07/2022 - 12:55

PNO - Sợi Bamboo-biocell được kỳ vọng tiên phong cho thế hệ sản phẩm vừa đáp ứng chất lượng của thế giới may mặc và giúp tạo ra chuỗi cung ứng tự chủ.

Việt Nam nằm trong nhóm các nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu đã bộc lộ nhiều hạn chế của ngành này trong đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu do chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy.

Bên cạnh đó, trong một sự kiện gần đây, ông Trần Như Tùng, Trưởng ban Phát triển bền vững của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho hay, ngày càng có nhiều hãng thời trang của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu nêu yêu cầu khắt khe hơn về các sản phẩm may mặc, theo hướng "thời trang xanh" giảm thiểu tác động đến môi trường. Nhiều hãng dệt may trong nước chuyển sang dùng các loại nguyên liệu thiên nhiên như lá sen, cói, bã mía, vỏ cà phê, cây bạc hà... để làm thành vải may quần áo, giày dép, túi xách.

Tuy nhiên, các sản phẩm thời trang sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hiện vẫn chưa nhiều do giá thành cao.

Các diễn giả tại hội thảo. Ành: NA
Các diễn giả tại hội thảo - Ảnh: NA

Theo ông Dave Quach - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vải Sợi Bảo Lân, thị trường đang có nhu cầu rất lớn đối với các sản phẩm xanh (thân thiện với môi trường) nhưng nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may lại có rất ít thay đổi và còn nhiều hạn chế. Phần lớn vẫn phải nhập khẩu.

Các diễn giả tại hội thảo “Dệt may cải tiến hậu COVID” khởi xướng nghiên cứu phát triển sản phẩm Bamboo-biocell, được phát triển trên nền nguyên liệu tơ tre, giàu cellulose như Bambusa, Cizhu, Longzhu, Huangzhu…  

Sợi Bamboo-biocell có tiềm năng sản xuất với số lượng lớn và được kỳ vọng là một sự tiên phong cho thế hệ sản phẩm không chỉ đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng của thế giới may mặc, mà còn góp phần tạo dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu mới mang tính tự chủ và minh bạch nguồn gốc. 

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn - đồng sáng lập Công ty CP Leanwares - đánh giá, hiện nay Việt Nam có được lợi thế rất lớn để phát triển ngành dệt may theo hướng xanh. Đầu tiên xuất phát từ nhu cầu của thế giới đối với tiêu dùng có trách nhiệm, tiếp đó là xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng về Việt Nam kể từ sau đại dịch COVID-19.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI