UNICEF: 6.000 trẻ em có thể chết mỗi ngày do tác động của COVID-19

14/05/2020 - 08:17

PNO - Sự gián đoạn của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thai sản thiết yếu do COVID-19 là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà các bà mẹ, trẻ em phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ước tính 6.000 trẻ em trên thế giới có thể tử vong mỗi ngày do ảnh hưởng của COVID-19 đối với các dịch vụ y tế thông thường.

Theo phân tích của Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, công bố trên Tạp chí Sức khỏe The Lancet, sự gián đoạn toàn cầu đối với các biện pháp can thiệp sức khỏe bà mẹ và trẻ em thiết yếu - như kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc trong và sau sinh, tiêm chủng - có thể khiến 1,2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong chỉ trong 6 tháng.

UNICEF cho biết hôm 13/5, tác động ​​này đe dọa đảo ngược gần một thập kỷ tiến bộ về việc chấm dứt các trường hợp tử vong ở trẻ em có thể phòng ngừa được.

Nghiên cứu nhấn mạnh mức độ rối loạn của chuỗi cung ứng y tế xảy ra ở các quốc gia có hệ thống y tế yếu. 

Quá trình phân tích - xem xét ba kịch bản được mô hình hóa ở các nước thu nhập thấp và trung bình - cảnh báo rằng ở viễn cảnh lạc quan nhất, khi các dịch vụ y tế giảm khoảng 15%, sẽ có sự gia tăng 9,8% trong số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong – trung bình 1.400 ca một ngày - và tăng 8,3% về số trường hợp tử vong cho người mẹ.

Trong trường hợp xấu nhất, khi các dịch vụ y tế giảm khoảng 45%, số ca tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có thể tăng 44,7%  mỗi tháng, và con số này ở nhóm bà mẹ là 38,6%.

Các tác giả viết trong báo cáo: “Những ước tính của chúng tôi dựa trên các giả định dự kiến ​​và đại diện cho một loạt các kết quả”.

Soro Sali (39 tuổi) tại bệnh viện khu vực Korhogo, Bờ biển Ngà. Chị dâu của Soro đã chết sau khi sinh ba, vì vậy cô và ba chị em gái khác đang chăm sóc các em bé 10 ngày tuổi.
Soro Sali (39 tuổi) tại bệnh viện khu vực Korhogo, Bờ biển Ngà. Chị dâu của Soro đã chết sau khi sinh ba, vì vậy cô và ba chị em gái khác đang chăm sóc các em bé 10 ngày tuổi

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra rằng nếu chăm sóc sức khỏe định kỳ bị gián đoạn và khả năng tiếp cận với thực phẩm giảm (do những cú sốc không thể tránh khỏi, sụp đổ hệ thống y tế, hoặc lựa chọn có chủ ý trong việc đối phó với đại dịch), sự gia tăng tử vong ở trẻ em và bà mẹ sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Đại diện của UNICEF tại Jordan - Tanya Chapuisat - cho biết: “Đóng cửa biên giới góp phần ngăn cản mọi người tiếp cận hỗ trợ y tế.  Ước tính 10.000 người Syria sống dọc biên giới Syria-Jordan gần Rukban không thể nhận bất kỳ dịch vụ y tế nào kể từ khi lệnh phong tỏa bắt đầu sáu tuần trước và biên giới đã bị đóng cửa.

Trẻ em không được tiêm vắc-xin, và những phụ nữ không thể sinh mổ. Chúng tôi đã có nhiều đêm mất ngủ, nhưng may mắn là không có ai tử vong”.

Các quốc gia được dự báo có số người chết cao nhất trong trường hợp xấu nhất bao gồm Bangladesh, Brazil, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Pakistan và Uganda.

Giám đốc điều hành của UNICEF tại Anh - Sacha Deshmukh - nhận xét: "Cuộc sống của trẻ em đang bị ảnh hưởng trên toàn cầu - hệ thống hỗ trợ của chúng bị vỡ vụn, biên giới bị đóng cửa, giáo dục bị đoạt mất, nguồn cung cấp thực phẩm bị cắt đứt. Ngay cả ở Anh, trẻ em phải đối mặt với nguy cơ bùng phát bệnh sởi và đóng cửa trường học khiến bộ phận trẻ em dễ bị tổn thương đối mặt nguy cơ bất ổn”.

Ngọc Hạ (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI