Ứng dụng huyết tương điều trị bệnh như thế nào?

29/08/2020 - 07:26

PNO - Gần đây dư luận rất quan tâm đến việc một số người đã chữa khỏi COVID-19 hiến huyết tương để điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19.

Tại Việt Nam, tính đến ngày 7/8 đã có 17 người đăng ký tình nguyện hiến huyết tương. Vậy huyết tương là gì mà được dùng để điều trị COVID-19? Ngoài COVID-19, huyết tương còn được dùng điều trị những bệnh lý nào khác?

Chúng tôi đã có buổi trao đổi với bác sĩ Nguyễn Quang Đẳng - Trưởng khoa Huyết học Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) để làm rõ hơn về lợi ích của huyết tương trong ứng dụng điều trị của y khoa.

Bác sĩ Nguyễn Quang Đẳng cho biết đây là huyết tương đang được bảo quản đông lạnh. Mỗi năm, Bệnh viện Thống Nhất sử dụng khoảng 2.000 túi huyết tương điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh lý rối loạn đông máu và bệnh nhân cần truyền thay máu
Bác sĩ Nguyễn Quang Đẳng cho biết đây là huyết tương đang được bảo quản đông lạnh. Mỗi năm, Bệnh viện Thống Nhất sử dụng khoảng 2.000 túi huyết tương điều trị cho các bệnh nhân bị bệnh lý rối loạn đông máu và bệnh nhân cần truyền thay máu

Phóng viên: Huyết tương là gì? Vai trò và chức năng của huyết tương đối với cơ thể con người ra sao, thưa bác sĩ?
Bác sĩ Nguyễn Quang Đẳng: Huyết tương là một thành phần của máu. Máu có hai thành phần chính: các tế bào máu và huyết tương. 

Các tế bào máu bao gồm: hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu. Trong đó, hồng cầu chiếm số lượng nhiều nhất, chính là sắc tố khiến cho máu có màu đỏ. Hồng cầu có vòng đời khoảng bốn tháng, khi già đi sẽ được tiêu hủy ở gan và lách. Chức năng của hồng cầu là vận chuyển khí ô-xy từ phổi tới các mô trong cơ thể, đồng thời các tế bào hồng cầu nhận lại khí cacbonic từ các mô đưa trở lại phổi để đào thải cacbonic ra ngoài.

Bạch cầu là một loại tế bào máu có chức năng bảo vệ cơ thể bằng cách tiết ra kháng thể. Bên cạnh việc lưu hành trong máu, bạch cầu còn cư trú tại các mô của cơ thể để bảo vệ cơ thể. Có nhiều loại bạch cầu khác nhau, vòng đời của bạch cầu từ một tuần tới vài tháng. Cuối cùng là tiểu cầu có chức năng cầm máu, làm cho thành mạch mềm mại và dẻo dai hơn, tuổi thọ từ 7-10 ngày. 

Thành phần thứ hai của máu là huyết tương, chiếm 55-60% trên tổng lượng máu tuần hoàn của cơ thể. Huyết tương có màu vàng nhạt, chủ yếu là nước, các protein hòa tan, một số loại vitamin, chất chống đông máu… Huyết tương có vai trò duy trì trạng thái rỗng để máu lưu thông dễ dàng trong lồng mạch, từ đó vận chuyển các dưỡng chất thiết yếu nuôi cơ thể. 

* Thưa bác sĩ, vì sao huyết tương lại được dùng để điều trị bệnh? Hiện nay huyết tương đang được ứng dụng để điều trị những bệnh lý nào?

- Trong điều trị, huyết tương cơ bản được dùng để bù đông máu, điều trị bệnh tự kháng thể và truyền thay máu. 

Đối với các bệnh lý rối loạn đông máu, trước tiên sẽ được cho thử máu (trên lâm sàng bệnh nhân có thể xuất hiện hiện tượng chảy máu hoặc không chảy máu). Nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ chỉ định lấy huyết tương của người cùng nhóm máu với bệnh nhân để bù cho bệnh nhân.

Lượng huyết tương được truyền tùy theo trọng lượng người bệnh (khoảng 10-15ml/kg cân nặng cơ thể). Mỗi túi huyết tương là 200ml. Như vậy, một bệnh nhân bị bệnh lý rối loạn đông máu sẽ truyền khoảng 4-5 túi huyết tương. Sau khi truyền khoảng 2 tiếng, bệnh nhân sẽ được cho làm xét nghiệm chức năng máu xem ổn chưa. Có rất nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị rối loạn đông máu như: xơ gan, ung thư gan, ung thư, nhiễm trùng suy đa tạng…

Còn ứng dụng truyền huyết tương để thay máu thường chỉ định trong các trường hợp bị xơ gan, nhiễm độc gan, viêm tụy cấp do tăng triglyceride (một thành phần của mỡ máu), bệnh lý về cầu thận, miễn dịch, thiếu máu tán huyết. Đối với những bệnh nhân này, phải truyền từ 18-20 túi huyết tương để thay toàn bộ huyết tương của bệnh nhân qua hệ thống lọc giống như chạy thận. 

Huyết tương còn được dùng để bù thể tích. Chẳng hạn với các bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết nội không có máu toàn phần để truyền, truyền mỗi hồng cầu lắng thì sẽ bị thiếu nên phải bù thêm huyết tương.

* Tại Bệnh viện Thống Nhất, huyết tương có được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh không? Chi phí điều trị bằng huyết tương ra sao, thưa bác sĩ?

- Huyết tương có hai dạng: tươi và đông lạnh. Với huyết tương tươi, thời hạn sử dụng trong vòng 48 giờ, thường phải sử dụng ngay trong 24 giờ kể từ khi chiết tách. Còn huyết tương đông lạnh được ủ đông trong nhiệt độ từ -25 đến -800C, trước khi sử dụng cần rã đông. Hiện nay, ngành y tế sử dụng huyết tương đông lạnh là chủ yếu vì tiện lợi, có thể bảo quản được tận hai năm. Huyết tương đông lạnh được các bệnh viện mua ở ngân hàng máu. 

Bệnh viện Thống Nhất đã ứng dụng huyết tương vào điều trị từ rất lâu rồi. Mỗi năm, Bệnh viện Thống Nhất sử dụng khoảng 2.000 túi huyết tương để điều trị cho các bệnh nhân mắc bệnh lý rối loạn đông máu và cần phải truyền thay máu (80-90% là bệnh nhân bị rối loạn đông máu). Giá thành mỗi túi huyết tương khoảng 500.000-600.000 đồng nhưng bệnh nhân được bảo hiểm y tế chi trả, chỉ tốn chi phí thử phản ứng trước truyền dao động từ 200.000-300.000 đồng.

* Bác sĩ có thể nói rõ hơn về huyết tương để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19?

- Trong huyết tương của những người đã chữa khỏi COVID-19 có kháng thể đối với căn bệnh này. Do đó, dùng huyết tương của họ để truyền cho các bệnh nhân mắc COVID-19 từ trung bình tới nặng có cùng nhóm máu là cách tận dụng kháng thể này. Ứng dụng trên đang là một thử nghiệm nhưng cho thấy sự cải thiện về sức khỏe đối với các bệnh nhân mắc COVID-19. Những người đã khỏi bệnh hiến huyết tương phải thỏa mãn các điều kiện như: nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 45 tuổi, không mắc các bệnh truyền nhiễm lây truyền qua máu… Những người đáp ứng các điều kiện trên sẽ được lấy khoảng 500-600ml máu để chiết tách ra huyết tương.

Ở một số nước, thử nghiệm đã cho thấy huyết tương của người khỏi COVID-19 chứa lượng lớn kháng thể trung hòa vi-rút SARS-CoV-2 và bước đầu có hiệu quả đối với những người mắc bệnh thể nặng.

* Thưa bác sĩ, vậy việc truyền huyết tương để điều trị bệnh nói chung có những tác dụng phụ gì cần lưu ý?

- Huyết tương chủ yếu là kháng thể. Khi ta đưa kháng thể của người khác vào cơ thể của một người, nếu chỉ một lần thì không sao. Tuy nhiên, nếu truyền nhiều lần sẽ gây tác dụng phụ như bệnh nhân bị dị ứng, sốt, lạnh run, khó thở. Do đó, quy trình truyền máu phải kiểm tra và thực hiện nghiêm ngặt. Nếu bệnh nhân truyền lần thứ hai thì phải được làm xét nghiệm để tầm soát các kháng thể bất thường, từ đó tìm ra các túi huyết tương sao cho phù hợp.
* Xin cảm ơn bác sĩ. 

Phân biệt huyết tương và huyết thanh

Huyết tương và huyết thanh đều được ứng dụng để điều trị trong y khoa nhưng lại là hai loại khác nhau. 
Huyết thanh cũng tương đồng về thành phần với huyết tương ở các yếu tố vi lượng và đa lượng như kali, natri, canxi, clorua, phosphor, magie, enzyme, a-xít uric, glucose, bilirubin, creatinine… Tuy nhiên, trong huyết thanh không có yếu tố đông máu và các sợi tơ máu.

Huyết thanh được dùng để chẩn đoán một số bệnh do vi khuẩn và ký sinh trùng gây ra, chẩn đoán bệnh sởi, rubella, viêm gan B, HIV, giang mai, mào gà, nhiễm nấm, hoóc-môn, nội tiết tố…

Huyết thanh cũng được truyền khi cơ thể bị dị ứng, có dấu hiệu thiếu hụt miễn dịch, nhiễm trùng… Các loại bệnh như ho gà, uốn ván, sởi, quai bị, viêm gan B cũng có thể được kháng bằng một số loại huyết thanh đã được điều chế.

Huyết thanh được điều chế bằng cách để máu đông tự nhiên sau khi lấy từ 30 phút đến 1 tiếng, sau đó ly tâm để tách phần dịch vàng nổi ở trên.

 Thanh Huyền (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI