Ứng dụng bệnh án điện tử: đèn xanh đã bật 'xe' chưa chịu chạy

23/06/2015 - 14:04

PNO - PN - Hơn 50% nhân viên trong các bệnh viện (BV) được trang bị máy vi tính, theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP.HCM năm 2014. Các phòng, khoa khám bệnh ở các BV công lẫn tư đều được trang bị máy vi tính, nhưng phần lớn chỉ để...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mất quá nhiều thời gian ghi chép bệnh án

Cuối tuần qua, tại khoa Khám bệnh BV Từ Dũ, hàng trăm sản phụ và người nhà chen chúc ngồi chờ khám và nhận kết quả. Nữ hộ sinh H. cặm cụi chép hồ sơ, làm thủ tục nhập viện cho bệnh nhân (BN), mồ hôi nhễ nhại. Chốc chốc cô lại đan những ngón tay vào nhau rồi bẻ kêu “rắc, rắc” cho… bớt mỏi. H. tâm sự, trong buổi sáng, cô đã phải viết gần chục hồ sơ, tay mỏi rã rời. Trung bình mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 15 BN, tất cả hồ sơ bệnh án đều phải viết tay với khoảng 30 phút cho mỗi bộ.

Tại các BV như 115, Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Q.3, Q.4… nhân viên BV cũng đều viết tay hồ sơ bệnh án. Theo các y bác sĩ, điều dưỡng, cách làm này đang gây lãng phí thời gian và công sức, vì phải sao chép nhiều thông tin giống nhau cho các loại giấy tờ.

Một điều dưỡng làm việc tại khoa Hồi sức thần kinh của BV 115 cho biết, mỗi ca trực, cô vừa chăm sóc BN, vừa kiểm tra các chỉ số, cập nhật tình hình bệnh, thuốc men, dụng cụ y tế vào bệnh án, đồng thời vừa phải chép lại toàn bộ thông tin trên vào hồ sơ BHYT… “Cũng tên tuổi ấy mà phải ghi chép lại trên nhiều loại giấy tờ. Mỗi đêm trực, chúng tôi thường mất hàng tiếng đồng hồ để ghi chép” - nhân viên trên cho biết.

L.A. - sinh viên thực tập tại khoa Cấp cứu BV Thống Nhất ngán ngẩm: “Một đêm trực có năm BN vào cấp cứu thì em phải mất ba tiếng để chép hồ sơ. Giá như người ta nối mạng, triển khai hồ sơ, bệnh án điện tử thì sẽ rất khỏe cho nhân viên, đỡ tốn giấy mực, BN cũng được theo dõi và chăm sóc kỹ hơn vì điều dưỡng có nhiều thời gian hơn”.

Ung dung benh an dien tu: den xanh da bat 'xe' chua chiu chay

Máy vi tính ở nhiều bệnh viện “để không”, trong khi nhân viên phải chép tay bệnh án

Bệnh án điện tử: Sở Y tế đã mở đường

Việc nhân viên BV chưa “mặn mà” với máy tính do nhiều vướng mắc. Trước hết là việc áp dụng bệnh án điện tử hiện đang còn trong giai đoạn chờ cấp phép và việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tại các BV cũng chưa đồng bộ. Tại TP.HCM, không ít BV đã ứng dụng CNTT vào quản lý, triển khai quy trình khám chữa bệnh, nhưng chỉ mới dừng ở cấp độ thấp và chỉ mới triển khai ở một vài khâu như tiếp nhận bệnh, cấp thuốc, quản lý thuốc; sự liên kết ở các khâu vẫn chưa thật sự chặt chẽ.

Ở nhiều đơn vị, việc đầu tư CNTT chưa phù hợp với quy mô và nhu cầu sử dụng; việc đảm bảo an toàn thông tin thấp, chưa chú trọng đầu tư đúng mức để phát triển nhân lực CNTT, dẫn tới không có sự đồng bộ giữa các đơn vị. Hệ quả của việc không vi tính hóa hồ sơ bệnh án là tình trạng ùn ứ, quá tải, gây phiền hà và lãng phí thời gian, công sức của người bệnh cũng như của nhân viên y tế.

Bệnh án điện tử được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề trên. Kết quả khảo sát tại BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cho thấy, khi ứng dụng CNTT vào quy trình khám chữa bệnh, thời gian đăng ký khám chữa bệnh giảm từ bốn phút còn một phút; thời gian ra toa thuốc cho mỗi BN giảm từ năm phút còn hai phút, thời gian làm thủ tục xuất viện giảm một nửa; việc phát hành phiếu thu và hóa đơn VAT cũng nhanh hơn, là cơ sở để tiến tới sử dụng tài khoản, giảm sử dụng tiền mặt, giảm rủi ro và thời gian trong khâu thanh toán viện phí.

Ngoài ra, khi bác sĩ ra toa thuốc trên hệ thống thì các bác sĩ khác cũng dễ dàng theo dõi, tránh tình trạng cho trùng thuốc, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Tương tự, kết quả bước đầu ứng dụng CNTT tại BV Q.Bình Thạnh đã cho thấy, thời gian khám lâm sàng giảm từ hai giờ còn dưới một giờ; khám lâm sàng có kèm theo chỉ định cận lâm sàng trước đây mất từ hai-bốn giờ, nay còn một giờ...

Thế nhưng số BV làm được như BV Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn và BV Q.Bình Thạnh chưa nhiều. Theo một khảo sát tại 89 BV thuộc các tuyến thành phố, quận huyện và ngoài công lập tại TP.HCM, chỉ có 10 đơn vị (chiếm 11%) ứng dụng CNTT ở mức khá trở lên, chín đơn vị chưa hoặc có triển khai CNTT ở mức độ thấp, 16 đơn vị mới bước đầu đầu tư và ứng dụng CNTT, 28 đơn vị có sử dụng phần mềm báo cáo thống kê BV, 64 đơn vị chưa có cán bộ phụ trách CNTT, 81 đơn vị chưa có phần mềm đủ 11 bộ phận để có thể sử dụng thông tin dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành.

Trong số 89 BV được khảo sát, chỉ có hai đơn vị đạt mức khá (7 điểm) vì có ứng dụng phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý điều hành có sử dụng thông tin từ hệ thống CNTT, 12 đơn vị chưa có phần mềm quản lý, 2/3 số đơn vị còn thực hiện báo cáo thống kê theo cách thủ công.

Lợi ích của việc ứng dụng CNTT vào quy trình khám chữa bệnh là quá rõ ràng và ngày càng cấp thiết. Bác sĩ Tăng Chí Thượng - Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, Sở luôn khuyến khích và tạo điều kiện đối với việc đầu tư phát triển ứng dụng CNTT tại các đơn vị. Vấn đề là các BV cần quan tâm và nhanh chóng đầu tư đúng mức, chọn lựa các giải pháp phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Sở đã bật đèn xanh, vì sao các BV còn chần chừ?

TIẾN ĐẠT

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI