Tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử ở TPHCM có xu hướng gia tăng

19/12/2022 - 20:11

PNO - Cảnh báo được TS. BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm - Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế nêu ra tại Chương trình tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học TPHCM, chiều 19/12.

TS. BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm thông tin, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam giảm chậm và còn cao, trong số 15 quốc gia sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Cụ thể, theo điều tra mô tả thực trạng sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2020 cho thấy: Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung năm 2020 chỉ giảm 0,8% so với năm 2015 (21,7% so với 22,5%); Tỷ lệ nam giới hút thuốc là 42,3%, giảm 2% so với năm 2015 (45,3%) và tỷ lệ nữ giới hút thuốc là 1,7%, tăng so với năm 2015 (1,1%). Đặc biệt, tỷ lệ nam giới trưởng thành hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, ở nữ là 1%.

"So sánh thô, chỉ sau 5 năm, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở Việt Nam đã tăng 36,5 lần đối với cả 2 giới, tăng lần lượt trong 2 nhóm nam giới và nữ giới là 22,75 lần và 46 lần"- TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm nhận định.

Tỷ lệ học sinh Hà Nội, TPHCM hút thuốc lá điện tử khá cao, có xu hướng gia tăng
Tỷ lệ học sinh Hà Nội, TPHCM hút thuốc lá điện tử khá cao, có xu hướng gia tăng

Đáng chú ý, bà cảnh báo, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ. Năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi ở Hà Nội, TPHCM sử dụng thuốc lá điện tử khá cao, tỷ lệ chung là 7,3%. Tỷ lệ này ở nam giới là 9,1%, nữ là 4,6%. Theo kết quả điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-17 tuổi phạm vi cả nước là 2,6%. Riêng học sinh khu vực thành thị con số này là 3,4%.

"Hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, thừa cân béo phì... đang là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm trong trường học hay còn gọi là bệnh của lối sống như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính, ngoài ra còn có các vấn đề về sức khỏe tâm thần" - TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm cảnh báo.

TS. BS Nguyễn Thị Hồng Diễm cho rằng cần xây dựng môi trường vì sức khỏe học sinh trong trường học
TS. BS Nguyễn Thị Hồng Diễm nhấn mạnh cần xây dựng môi trường vì sức khỏe học sinh trong trường học

Cần xây dựng môi trường vì sức khỏe học sinh trong trường học 

TS. BS Nguyễn Thị Hồng Diễm nhấn mạnh, để nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm trong trường học, cần xây dựng môi trường vì sức khỏe trong trường học. Trong đó cung cấp chế độ ăn dinh dưỡng hợp lý, cân đối cho học sinh ăn bán trú; khuyến cáo căng tin không bán, không cung cấp thực phẩm không có lợi cho sức khỏe như nước ngọt, đồ ăn nhanh.

Cạnh đó, cần xây dựng các chính sách, quy định thực hiện trường học nâng cao sức khỏe, ban hành các chính sách, quy định phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia, hạn chế quảng cáo thực phẩm không lành mạnh; Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất trường học như điều kiện về vệ sinh phòng học, cơ sở vật chất, không gian cho vận động thể lực, thể dục thể thao, dinh dưỡng hợp lý trong trường học. Ngoài ra, phải đảm bảo dịch vụ chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh, giáo viên; tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh đa dạng qua nhiều biện pháp: lồng ghép vào tiết học chính khóa, ngoại khóa, sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ; phát loa truyền thanh trong giờ ra chơi...

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI