Tuyển sinh 2021: Mở rộng điều chỉnh nguyện vọng, trường lo thí sinh ảo

26/03/2021 - 06:14

PNO - Ngày 25/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm tại bốn đầu cầu Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Trúng tuyển nhiều, nhập học ít

Năm 2020, cả nước có hơn 900.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó hơn 640.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) sư phạm. Riêng ngành sư phạm có trên 58.000 thí sinh đăng ký.

Phó giáo sư - tiến sĩ (PGS-TS) Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết: Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, công tác tuyển sinh 2020 còn nhiều hạn chế như: các cơ sở đào tạo chưa kiểm soát được điều kiện sơ tuyển nên thí sinh không đủ điều kiện trúng tuyển khi nhập học; nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đăng ký tuyển sinh đã công bố; báo cáo thí sinh nhập học thiếu hoặc không nhập…

Theo PGS Thủy, đặc biệt là sự chênh lệch giữa trúng tuyển và nhập học khá cao. Thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (126,98% chỉ tiêu) nhưng chỉ có 60,45% thí sinh trúng tuyển nhập học. Điều này có thể do các trường không nhập đầy đủ danh sách thí sinh trúng tuyển lên hệ thống. Cũng không loại trừ nguyên nhân một số trường THPT khuyến khích học sinh dù không có nguyện vọng học ĐH nhưng vẫn đăng ký xét tuyển, làm tăng số thí sinh ảo trong hệ thống, trúng tuyển nhưng không nhập học.

Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2020 - Ảnh: Thanh Thanh
Thí sinh thi THPT quốc gia năm 2020 - Ảnh: Thanh Thanh

Về tuyển sinh năm 2021, PGS Thủy cho biết, dự kiến thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng một trong hai hình thức phiếu hoặc trực tuyến. Thí sinh tăng điều chỉnh nguyện vọng đến ba lần (các năm trước chỉ được một lần). 

Đại diện nhiều trường quan tâm đến việc phối hợp lọc ảo, nhất là khi nới rộng sự điều chỉnh nguyện vọng lên tối đa ba lần. Theo giáo sư (GS) Nguyễn Trọng Hoài, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nếu cho thí sinh thay đổi nguyện vọng từ 1-3 lần nên cân nhắc vì có thể gây khó cho các trường, kéo dài thời gian xét tuyển.

Ngoài ra, khi các trường càng có nhiều phương thức tuyển sinh thì kết quả lọc ảo sẽ thay đổi. Các trường cần đưa các số liệu của các phương thức khác (không chỉ phương thức kết quả thi THPT quốc gia) vào hệ thống lọc ảo để lọc chính xác. Và nên có 100% trường tham gia lọc ảo.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết: Năm trước, chỉ có 86% trường tham gia lọc ảo, trong khi cần tham gia đủ để kết quả chính xác nhất. Hơn nữa, các trường nên thông tin đầy đủ số liệu thí sinh nhập học bằng học bạ, ưu tiên tuyển thẳng… để tránh lọc ảo mà vẫn còn ảo.

Trong khi đó, PGS Thủy khẳng định, việc tăng cơ hội điều chỉnh nguyện vọng làm tăng cơ hội cho thí sinh, không gây khó khăn cho các trường. Bởi, điều chỉnh tối đa ba lần trong cùng khoảng thời gian quy định, không kéo dài thời gian điều chỉnh so với năm trước. Việc lọc ảo, nếu đạt được 100% các trường tham gia, có số liệu đầy đủ của các phương thức thì tốt. Nhưng nếu không đủ cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả lọc ảo vì số thí sinh trúng tuyển bằng các phương thức khác chỉ khoảng 10%.

Giảm lệ phí xét tuyển còn 25.000 đồng/nguyện vọng?

GS Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, năm 2021, ngoài đăng ký xét tuyển bằng phiếu, Bộ GD-ĐT còn dự kiến cho thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến. Nếu thí sinh sử dụng nền tảng trực tuyến từ đầu đến cuối thì phí phải giảm, nếu vừa đăng ký trực tuyến vừa dùng phiếu thì mức lệ phí cũng phải khác. 

Ý kiến này được lãnh đạo nhiều trường ĐH, Sở GD-ĐT đồng tình. GS Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thống nhất đề xuất giữa các trường năm 2021 sẽ giảm lệ phí tuyển sinh còn 25.000 đồng/nguyện vọng, phí giảm sẽ trừ vào phần của Bộ GD-ĐT.

PGS-TS Trần Thị Mỹ Diệu, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, còn cho rằng, lệ phí tuyển sinh của thí sinh cũng nên có sự hỗ trợ từ các trường ĐH. 

Về điều này, PGS Thủy cho biết, sau hội nghị, Bộ GD-ĐT sẽ quyết định việc giảm lệ phí tuyển sinh năm nay. “Để thuận tiện cho thí sinh trong việc nộp lệ phí tuyển sinh ĐH khi năm nay có điểm mới là đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh sẽ nộp lệ phí ngay trong thời điểm đăng ký dự thi. Lý do, phiếu đăng ký sẽ bao gồm cả đăng ký thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH. Sau đó, thí sinh sẽ xét tuyển ĐH bằng phiếu hay trực tuyến như quy định”, PGS Thủy nói.

Vụ Giáo dục ĐH cho biết thêm, có quy định cụ thể hơn về đặt hàng nguồn nhân lực của khu vực: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Thí sinh tại các địa phương này có thể trúng tuyển với điểm thấp hơn so với điểm chuẩn của trường được đặt hàng nhưng cần đảm bảo không dưới điểm sàn.

Ngoài ra, để thí sinh có thông tin và lựa chọn trường xét tuyển, ngày 31/3, Bộ GD-ĐT yêu cầu tất cả các trường công bố đề án tuyển sinh. 

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT, cho biết: ảo là không tránh khỏi vì thí sinh có nhiều lựa chọn. Nhưng ngoài ảo, các trường còn gặp khó là quy định pháp lý của Bộ GD-ĐT đang kiểm soát quá chặt. Trước đây, trường tuyển vượt chỉ tiêu 5% sẽ bị “tuýt còi”, nay giảm xuống còn 3%. Bộ nên xem lại chỉ tiêu này. 


Tiêu Hà - Mỹ Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI