Từ ý tưởng táo bạo đã hình thành một tủ sách đẹp và giá trị

19/05/2021 - 07:01

PNO - Về Tủ sách "Di sản Hồ Chí Minh", phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Tình - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM đã có chia sẻ.

Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Tình: Khi các anh, chị lãnh đạo Nhà xuất bản Trẻ gặp tôi bày tỏ ý tưởng về Di sản Hồ Chí Minh, muốn xây dựng một bộ sách thể hiện đúng, chính xác những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về những lĩnh vực lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tôi đã hình dung ngay đây là loại sách trích tác phẩm kinh điển. Nhận thấy hợp tác với nhà xuất bản ít nhiều cũng có đóng góp vào sự nghiệp chung, và đây cũng là công việc mà bản thân tôi nói riêng, các nhà khoa học thuộc khối khoa học xã hội và nhân văn nói chung thường xuyên làm, nên tôi nhận lời.

Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Tình - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM. 

Để đảm bảo hoàn thành các chủ đề trong thời gian nhà xuất bản đặt hàng, tôi đã mời một số giảng viên tâm huyết đang giảng dạy hoặc đang nghiên cứu về Hồ Chí Minh tham gia. Tôi rất mừng vì được sự ủng hộ nhiệt tình của các bạn đồng nghiệp. Chúng tôi đã đọc trọn vẹn 15 tập Hồ Chí Minh toàn tập, không phải một lần, mà có tác phẩm đọc đi đọc lại nhiều lần.

Sau khoảng ba bốn tháng, chúng tôi hoàn thành một số bản thảo với những trích dẫn các quan điểm của Hồ Chí Minh, với đầy đủ các yếu tố về xuất xứ như hình thức, thời gian, địa điểm... theo đúng nội dung nhà xuất bản đặt hàng, và đúng những yêu cầu khoa học về trích tác phẩm kinh điển.

Chúng tôi mừng vì nghĩ rằng ấn phẩm của mình góp phần giúp sinh viên, học viên, giảng viên dễ tìm tư liệu về Hồ Chí Minh theo các chủ đề, vì không phải ai cũng có Hồ Chí Minh toàn tập, và có thì không phải ai cũng đủ thời gian để đọc trọn vẹn 15 tập và phân loại các chủ đề như vậy. Chúng tôi nộp cho nhà xuất bản. Một thời gian sau tôi được nhà xuất bản trao lại các bản đã biên tập. Quả thực, khi nhận các bản này tôi “sốc toàn tập”, vì nhà xuất bản đã thay đổi nhiều về tên sách, nguồn; lược đi quá nhiều nội dung trích dẫn.

Ví dụ: Bản thảo của chúng tôi là Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, dài khoảng 150 trang A4, size 13, giãn dòng 1,15; nếu in sẽ có khoảng trên 250 trang sách khổ 14,5 x 20,5…  nhưng bản đã biên tập mang tên Hồ Chí Minh bàn về Đảng, trên 90 trang khổ 13,5 x 20,5 mà mỗi trang chỉ để một hoặc hai câu của Hồ Chí Minh dưới hình thức thiết kế phóng khoáng, trang trọng, nhiều trang kèm hình ảnh. 

Biết tôi băn khoăn, các anh ở nhà xuất bản giải thích: “Bản của các thầy, cô rất hữu ích cho môi trường đại học và sau đại học, nhưng nhà xuất bản chủ trương đưa di sản Hồ Chí Minh đến với tất cả các đối tượng, từ học sinh đến người lao động, từ người dân bình thường đến công chức, viên chức... nên cần thay đổi hình thức, phương thức sao cho gần gũi, phù hợp với trình độ, thời gian, tâm lý, thị hiếu… của người đọc hơn”.

Ngay như cuốn Nghiên cứu tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản tôi viết năm 1998, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản, được duyệt làm tài liệu chính thức trong sinh hoạt chính trị toàn Thành đoàn nhân kỷ niệm 150 năm ra đời Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng vậy. Sau khi xin ý kiến của tôi và hoàn thành các thủ tục pháp lý, Nhà xuất bản Trẻ đã đổi tên sách từ Nghiên cứu tác phẩm Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản thành Đọc Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản; từ một cuốn sách khổ 13 x 19 bìa thường đã thành hai cuốn 9 x 12,5 bìa dày, đóng hộp trang trọng; từ một ngôn ngữ Việt thành song ngữ Việt - Anh...

Nhà xuất bản tổ chức họp báo giới thiệu sách, in áp-phích quảng bá sách... Cả về sách Di sản Hồ Chí Minh cũng như sách của C.Mác và Ph.Ăngghen (Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản), các anh ấy đều nói với tôi: “Thầy yên tâm, chờ kết quả thế nào rồi ta rút kinh nghiệm thầy ạ”. Tất nhiên là tôi chờ trong tâm thế hơi bất an. 

Phóng viên: Trên thực tế, sách của ông đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc nhiều đối tượng, trong đó có những tựa sách được tái bản và phát hành nhiều lần. Theo ông có phải do Nhà xuất bản Trẻ đầu tư tốt khâu quảng bá trước, trong và sau khi phát hành từng đầu sách, hay do ấn bản đầy sáng tạo, trang trọng, đẹp của nhóm thực hiện?

Phó giáo sư - tiến sĩ Vũ Tình: Theo tôi, nó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Cùng với khâu quảng bá thì về hình thức, độc giả ai cũng muốn cầm những cuốn sách đẹp, trang trọng; thể hiện sự tôn trọng của nhà xuất bản với người đọc. Về nội dung, lượng thông tin truyền tải phải phù hợp với nhu cầu, đặc biệt là trình độ, thời gian, môi trường sống, hoàn cảnh sống của đối tượng.

Thật lòng, nhóm chúng tôi cũng đã nói với nhau, nếu giữ nguyên bản thảo gốc của chúng tôi thì tính hàn lâm cao, có lẽ rất hữu ích trong môi trường đại học, và có lẽ cũng chỉ tồn tại chủ yếu trong môi trường này thôi, chứ không có mức lan tỏa như các bản đã biên tập của nhà xuất bản; và nếu không in trang trọng bằng song ngữ Việt - Anh, thì có lẽ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản cũng đã không nằm trong tay của nhiều khách nước ngoài như bạn đã thấy ở thành phố chúng ta.

* Điều này là một trong những minh chứng về sự trường tồn của tư tưởng, giá trị nhân cách Hồ Chí Minh, cũng như định hướng hành động cách mạng, khoa học, nhân văn trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản mà Hồ Chí Minh đã vận dụng và phát triển sáng tạo ở nước ta, thưa ông?

- Đúng vậy. Mức độ thâm nhập vào quần chúng để nó trở thành tri thức của quần chúng, niềm tin của quần chúng càng rộng bao nhiêu, càng sâu bao nhiêu, thì sự trường tồn của nó càng lâu dài bấy nhiêu, và giá trị ảnh hưởng của nó đối với hiện thực càng lớn lao bấy nhiêu.

* Xin cảm ơn ông. 

Nghi Anh (thực hiện)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI