Từ vụ pate Minh Chay có chất độc, nghĩ về hệ thống quản lý an toàn thực phẩm

07/09/2020 - 07:00

PNO - Nếu hệ thống quản lý được tổ chức một cách khoa học, tôi nghĩ rằng, mối nguy từ việc mất an toàn thực phẩm sẽ được ngăn chặn từ xa.

Nỗi lo về an toàn thực phẩm (ATTP) từ lâu luôn là bài toán đau đầu không chỉ với các bà nội trợ mà gần như là mối lo canh cánh của toàn dân Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn chia sẻ chút hiểu biết về hệ thống quản lý ATTP của nơi tôi đang sống, đảo quốc New Zealand, với mong muốn góp tiếng nói nhằm cải thiện chất lượng và độ an toàn của thực phẩm Việt. 

Chặt chẽ nhưng dễ dàng áp dụng

Tại New Zealand, cơ quan chịu trách nhiệm chính cho các vấn đề về ATTP là Ministry of Primary Industry (tạm dịch là Bộ Công nghiệp tiên phong, viết tắt là MPI). Cơ quan này tham gia chính vào việc ban hành luật về ATTP đệ trình để Quốc hội thông qua. Từ năm 2014, một điều luật mới về thực phẩm được ban hành, có một khoảng thời gian chuyển tiếp về hiệu lực với điều luật trước đó để tất cả các doanh nghiệp thực phẩm có thời gian tìm hiểu và tuân theo. 

Ngoài ban hành luật, MPI còn ban hành vô số những hướng dẫn, giải thích, quy chuẩn, thậm chí là những bản mẫu với thiết kế rất trực quan, bằng nhiều thứ tiếng (có cả tiếng Việt) để doanh nghiệp tự tải và in ra để dùng. 

Nếu hệ thống quản lý được tổ chức một cách khoa học, tôi nghĩ rằng, mối nguy từ việc mất an toàn thực phẩm sẽ được ngăn chặn từ xa
Nếu hệ thống quản lý được tổ chức một cách khoa học, tôi nghĩ rằng, mối nguy từ việc mất an toàn thực phẩm sẽ được ngăn chặn từ xa

Đạo luật thực phẩm mới phân chia doanh nghiệp theo mức độ rủi ro. Theo đó, nếu ngành nghề sản xuất thực phẩm nào có độ rủi ro cao (ví dụ như sản xuất các sản phẩm thịt, thủy hải sản, trứng, sữa, đồ ăn bảo quản lạnh có hạn sử dụng ngắn hoặc đồ ăn cho người già và trẻ sơ sinh), sẽ có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với nhiều quy định hơn, lệ phí đăng ký cao hơn và tần suất kiểm tra của cán bộ từ đơn vị kiểm định (audit) cũng nhiều hơn các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề và sản phẩm có độ rủi ro thấp. 

Một cách quản lý tương tự cũng được áp dụng cho các doanh nghiệp có lịch sử ATTP xấu. Theo đó, doanh nghiệp ấy sẽ bị tăng phí, áp phạt và tăng tần suất kiểm tra, kiểm định an toàn từ công ty kiểm định. 

Tuy vậy, MPI thường không làm công tác kiểm định mà giao lại cho các cá nhân hoặc tổ chức, gọi là bên thứ ba. Các tổ chức hay cá nhân này cũng phải đăng ký nhận diện với MPI để được hoạt động hợp pháp. 

Khối doanh nghiệp cũng có rất nhiều “kênh” để đăng ký hoạt động và chọn bên thứ ba kiểm định ATTP. Doanh nghiệp nhỏ và vừa như nhà hàng, khách sạn thường chọn đăng ký với ủy ban nơi họ đặt trụ sở hoạt động. Nhưng, doanh nghiệp cũng có thể đăng ký thẳng với MPI và chọn một bên thứ ba khác để tìm kiếm sự hỗ trợ về chuyên môn và tối ưu chi phí. Ủy ban của thành phố này vẫn có thể “đấu thầu” đi kiểm tra một doanh nghiệp ở một thành phố khác, tùy thuộc vào mức độ phù hợp về chuyên môn và luật liên quan.

Về chuyên môn, MPI làm sẵn các bản mẫu mà doanh nghiệp ở bất cứ ngành nghề sản xuất thực phẩm nào cũng đều có thể tải và dùng. Các bản mẫu này tuân theo nguyên tắc “work the process” (tạm dịch là đi dọc quy trình) để lọc ra các bước quan trọng cần chú ý, nhằm bảo đảm an toàn cho đến khi thực phẩm nằm trên đĩa ăn của người tiêu dùng. 

Kiểm duyệt gắt gao thực phẩm nhập

Các cơ quan kiểm định hoặc ủy ban quản lý vùng được phép ban hành chứng nhận “đạt” hoặc “không đạt” về ATTP. Một số ủy ban dùng thang điểm để đánh giá ATTP. Theo đó, nếu doanh nghiệp nào treo chứng nhận thang điểm thấp hoặc ghi rõ “không đạt”, sẽ như một nét xấu trong kinh doanh (doanh nghiệp rất xấu hổ và khách hàng sẽ e ngại). Đó cũng là một cách khuyến khích doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn. 

Một phần quan trọng trong việc bảo đảm ATTP trên phạm vi quốc gia mà MPI làm rất chặt chẽ là quản lý chất lượng thực phẩm nhập khẩu. Thực phẩm nhập vào New Zealand phải đạt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. New Zealand hạn chế tối đa thực phẩm nhập tiểu ngạch, nên không dễ để xách tay các loại thực phẩm từ nước ngoài qua sân bay cho dù chỉ để tiêu thụ cá nhân. 

MPI còn quản lý một cơ sở dữ liệu công khai các thực phẩm đăng ký thu hồi, được cập nhật mỗi ngày. Các doanh nghiệp đều phải đăng ký nhận thông báo từ website này cho các sản phẩm thực phẩm bị thu hồi để tránh mua nhầm, hoặc nếu đã mua thì đem trả hoặc tiêu hủy. MPI thường xuyên lấy ý kiến cá nhân và tổ chức đối với việc cập nhật các tài liệu chuyên môn, đảm bảo phần lớn các tài liệu phản ánh thực tế sản xuất kinh doanh.

Mong rằng một ngày không xa, các cơ quan quản lý ATTP tại Việt Nam cũng sẽ áp dụng theo các nước tiên tiến để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và cải thiện chất lượng ATTP trong nước. 

Ngọc Nam (từ New Zealand)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI