Chiêu trò “tẩy xanh” sản phẩm rủi ro cho người tiêu dùng

28/07/2025 - 19:22

PNO - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin, dù chưa có định nghĩa chính thức song “tẩy xanh” được hiểu là việc thổi phồng lợi ích môi trường của sản phẩm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh. Hành vi này đánh lừa người tiêu dùng có trách nhiệm, gây tổn hại uy tín doanh nghiệp và bị xử phạt nghiêm khắc ở nhiều nước.

Phân tích từ cơ quan này cho thấy, một số hành vi phổ biến gồm: tạo ra thông tin sai lệch về sản phẩm để gây nhầm lẫn, tạo lượt tương tác ảo (reviews, like, share) nhằm nâng cao vị trí xếp hạng, giả mạo nhãn hiệu, dẫn dắt người tiêu dùng sang nền tảng khác hay lạm dụng dữ liệu cá nhân để định hướng hành vi tiêu dùng.

Nhiều doanh nghiệp việc thổi phồng lợi ích môi trường của sản phẩm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh
Nhiều doanh nghiệp thổi phồng lợi ích môi trường của sản phẩm nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh

Một hành vi được chú ý đặc biệt là “tẩy xanh (greenwashing)” - khi doanh nghiệp quảng bá sản phẩm là “xanh” hay “bền vững” mà không có chứng minh hoặc chứng nhận rõ ràng. Đây là hình thức đánh vào tâm lý tiêu dùng có trách nhiệm, gây thiệt hại không chỉ cho người tiêu dùng mà cả các doanh nghiệp tuân thủ thực chất.

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, về mặt pháp lý, Việt Nam hiện áp dụng một số quy định tại Luật Cạnh tranh 2018 (Điều 45, 46), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2023) và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào bối cảnh đặc thù của nền tảng số vẫn gặp nhiều thách thức cả về giám sát, điều tra và xử lý vi phạm.

Dẫn kinh nghiệm từ quốc tế trong xử lý các vi phạm này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay, tại Hàn Quốc vào năm 2021 đã sửa đổi Đạo luật Thúc đẩy giao dịch công bằng, bổ sung quy định đối với doanh nghiệp nắm “vị trí thương mại ưu thế”, đặc biệt là các nền tảng lớn như Naver, Kakao. Theo đó, cơ quan quản lý có quyền điều tra, xử lý các hành vi lạm dụng hoặc chèn ép doanh nghiệp nhỏ, kể cả khi chưa có bằng chứng thiệt hại rõ ràng.

Tại Nhật Bản đã ban hành Luật Cải thiện tính minh bạch và công bằng của nền tảng kỹ thuật số, yêu cầu các nền tảng như Amazon, Rakuten… công khai thuật toán sắp xếp, chính sách vận hành và điều khoản hợp tác nhằm bảo vệ các đối tác nhỏ lẻ.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) áp dụng Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) để kiểm soát các “gatekeeper” - doanh nghiệp có khả năng chi phối luồng truy cập (như Google, Meta…). Song song đó, Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) buộc các nền tảng minh bạch về cách quản lý nội dung và chịu trách nhiệm về quảng cáo gây hiểu lầm, trong đó có hành vi “tẩy xanh”.

Còn ở Hoa Kỳ, dù không có luật riêng cho nền tảng số, nhưng sử dụng các đạo luật cạnh tranh truyền thống như Đạo luật Sherman và Đạo luật FTC để điều tra hành vi độc quyền hoặc gian lận, trong đó các vụ kiện với Google và Amazon đang được xét xử với cáo buộc lạm dụng thị phần để ưu tiên sản phẩm của chính mình.

Từ các kinh nghiệm quốc tế, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đề xuất cần xây dựng hướng dẫn xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên nền tảng số, trong đó làm rõ các tiêu chí đánh giá tính trung thực của thông tin, độ minh bạch của thuật toán và hành vi lôi kéo người tiêu dùng.

Đồng thời xem xét hành vi “tẩy xanh” là một loại cạnh tranh không lành mạnh mới, cần có tiêu chí xác định và chế tài xử phạt rõ ràng.

Ngoài ra, tăng cường năng lực điều tra và phân tích dữ liệu số, ứng dụng công nghệ trong giám sát hành vi trên nền tảng. Cùng với đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp về ranh giới giữa tiếp thị số hợp pháp và hành vi gây hiểu lầm, đặc biệt trong xu hướng tiêu dùng xanh và công nghệ số hiện nay.

Doanh nghiệp cần tuân thủ 8 nguyên tắc truyền thông xanh

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cần tuyệt đối trung thực khi công bố lợi ích môi trường của sản phẩm, dịch vụ với 8 nguyên tắc cơ bản gồm: Đưa ra tuyên bố chính xác và trung thực về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Có bằng chứng để chứng minh cho tuyên bố về lợi ích môi trường. Không che giấu thông tin quan trọng.

Nếu lợi ích về môi trường của sản phẩm, dịch vụ đi kèm với điều kiện trong thực tế, tổ chức, cá nhân kinh doanh nên giải thích rõ ràng, đầy đủ với người tiêu dùng.

Tránh ngôn từ chung chung, thiếu căn cứ. Sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu với người tiêu dùng. Hình ảnh và bao bì không gây hiểu lầm. Cởi mở về quá trình chuyển đổi xanh, minh bạch mục tiêu và tiến độ.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI