Bản hùng ca về những điệp viên huyền thoại
Năm 1982, tập đầu tiên của bộ phim Ván bài lật ngửa: Con nuôi vị giám mục (biên kịch Nguyễn Trương Thiên Lý - tức nhà văn - nhà báo Trần Bạch Đằng, đạo diễn Lê Hoàng Hoa) tạo nên cơn sốt ngay khi vừa ra mắt. Phim lấy cảm hứng từ cuộc đời anh hùng liệt sĩ Phạm Ngọc Thảo (1922-1965) - người duy nhất trong lịch sử mang quân hàm đại tá của cả hai phe đối lập là Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Nhờ trí thông minh và kiến thức uyên bác, Phạm Ngọc Thảo không chỉ được trí thức Sài Gòn hoan nghênh, mà còn được anh em Ngô Đình Diệm tin dùng, phong cấp bậc trung tá, cử làm Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre). Ở vị trí này, đại tá Phạm Ngọc Thảo đã góp phần quan trọng trong thắng lợi của phong trào Đồng Khởi Bến Tre. Phim kết thúc ở giai đoạn chế độ Ngô Đình Diệm sụp đổ cuối năm 1963, nhưng thực tế, Phạm Ngọc Thảo vẫn tiếp tục tham gia, tổ chức hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam trong năm 1964-1965. Năm 1965, sau vụ đảo chính bất thành, ông bị địch bắt và thủ tiêu.
Nhân vật Nguyễn Thành Luân là một dấu son trong sự nghiệp gần 50 năm của cố NSƯT Nguyễn Chánh Tín. Không chỉ có ngoại hình hào hoa, phong lưu, NSƯT Nguyễn Chánh Tín còn chinh phục người xem bằng lối diễn xuất tinh tế và chất giọng tuyệt đẹp. Ông đã tạo ra một nhân vật kinh điển cho màn ảnh Việt. Đảm nhận hàng chục vai diễn, nhưng tên tuổi NSƯT Nguyễn Chánh Tín chỉ “đóng đinh” với nhân vật Nguyễn Thành Luân.
|
NSƯT Nguyễn Chánh Tín trong vai Nguyễn Thành Luân phim Ván bài lật ngửa |
Nếu Ván bài lật ngửa khắc họa cuộc đấu trí dù căng thẳng nhưng vẫn đậm chất lãng mạn, thì Biệt động Sài Gòn (kịch bản Lê Phương - Nguyễn Thanh, đạo diễn Long Vân) miêu tả cuộc chiến giữa các chiến sĩ hoạt động bí mật khốc liệt. Bốn tập phim Điểm hẹn, Tình lặng, Cơn giông, Trả lại tên cho em là bản hùng ca bất tử về lực lượng biệt động thành. Chiến sĩ tình báo Tư Chung điềm đạm, bản lĩnh được hình thành từ nhiều nguyên mẫu của biệt động thành Sài Gòn, trong đó có hai nguyên mẫu chính là anh hùng Tư Chu - Nguyễn Đức Hùng (Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định) và anh hùng Trần Văn Lai (tỷ phú Mai Hồng Quế, ông chủ thầu khoán Dinh Độc Lập). Trong đó, phần lớn chất liệu từ nguyên mẫu Tư Chu, nguyên Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định, người trực tiếp chỉ huy trận đánh Mậu Thân tại Sài Gòn. Khi gặp những nguyên mẫu của phim Biệt động Sài Gòn ngoài đời, các thành viên đoàn phim đều có chung nhận xét: Đại tá Tư Chu rất bình dị, mộc mạc, gần gũi với mọi người xung quanh.
Anh hùng Trần Văn Lai trong vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động của biệt động thành. Nổi bật là mạng lưới nhà, hầm trú, nuôi dưỡng cán bộ, cất giấu một khối lượng lớn vũ khí phục vụ đánh vào các vị trí trọng yếu của Mỹ - Ngụy trong đợt Tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968. Cựu cán bộ Biệt động Sài Gòn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang năm 2015.
Vai Tư Chung qua hóa thân của cố NSƯT Quang Thái chạm đến cảm xúc người xem, bởi ông có đôi mắt biết diễn. Ánh mắt đầy căm hờn nhưng cũng chất chứa cả sự đau đớn của Tư Chung khi bế xác ni cô Huyền Trang - là một trong những phân đoạn để lại những dấu ấn đặc biệt.
Trong Biệt động Sài Gòn còn một nhân vật khác cũng lấy từ nguyên mẫu có thật, đó là Sáu Tâm (nguyên mẫu là ông Nguyễn Thanh Xuân còn gọi là Bảy Bê, đội trưởng đội 5 Biệt động Sài Gòn) do diễn viên Thương Tín đóng. Bảy Bê nổi tiếng với những chiến công rúng động khắp miền Nam và cả thế giới như đánh bom khách sạn Caravelle, tòa Đại sứ Mỹ, cư xá Brink… Tình tiết Sáu Tâm chết vì bị Ba Cẩn phản bội ở tập 2 được cho là chết ngoài dự tính, bởi trong kịch bản, nhân vật sống tới hết phim, nhưng đạo diễn thay đổi để tăng thêm tính đời cho câu chuyện.
Lời tri ân những người phụ nữ anh hùng
Bên cạnh các nhà tình báo, màn ảnh Việt còn có những tác phẩm khắc họa nguyên mẫu là những nữ chiến sĩ cách mạng. Họ không chỉ làm người xem kính trọng, tự hào, mà còn để lại nhiều xúc cảm lạ kỳ.
|
Chị Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) được xây dựng từ hai nguyên mẫu: nữ chiến sĩ ở Vĩnh Linh và liệt sĩ Hoàng Thị Thảo (Quảng Trị) |
Ngay từ những bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam, người phụ nữ đã trở thành hình tượng nghệ thuật tiêu biểu. Chị Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972) được biên kịch Hoàng Tích Chỉ và đạo diễn Hải Ninh xây dựng từ hai nguyên mẫu. Một là nữ chiến sĩ ở Vĩnh Linh mà hai ông gặp mặt nhưng không biết tên, và hai là liệt sĩ người Quảng Trị Hoàng Thị Thảo. Người thứ nhất có chồng tập kết ra Bắc, bị chính quyền miền Nam ép làm giấy ly hôn, lấy chồng khác. Chị phản đối nên bị giam hết nhà tù này đến nhà tù khác. Sau đó, chị phải chung sống với một người đàn ông câm để khỏi phải lấy giặc làm chồng. Tuy nhiên, chi tiết này không có trên phim, vì biên kịch cảm thấy quá khốc liệt. O du kích trẻ Hoàng Thị Thảo cũng có cuộc đời bi thương hơn khi cả nhà bị giặc tàn sát.
Hai nguyên mẫu anh hùng khác để lại dấu ấn đẹp trên màn ảnh là anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Thị Út (nhân vật Út Tịch, phim Mẹ vắng nhà, 1979), liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Thị Ràng (nhân vật chị Sứ, phim Hòn đất, 1983). Cả hai được xem là hình ảnh điển hình của phụ nữ miền Nam đẹp người, đẹp nết, thông minh, kiên cường, bất khuất. Nhưng so với phim ảnh, cuộc đời thực của nguyên mẫu còn đẹp hơn. Sự hy sinh của họ bi tráng hơn trong phim rất nhiều.
Chị Út Tịch chết trong loạt bom B52 trút xuống chòi. Trên phim, chị vẫn sống nhưng tiếp tục xa con để đi làm nhiệm vụ. Chị Phan Thị Ràng lọt vào ổ phục kích giặc trên đường đi làm nhiệm vụ. Địch treo chị lên cây xoài bằng chính mái tóc của chị, tra tấn hành hạ man rợ, nhưng chị vẫn không khai báo. Chị hy sinh khi mới 25 tuổi, và vừa đính hôn với ông Lê Vinh Quang (Bảy Thành, Lê Quốc, cố Bí thư Quận ủy quận 4). Họ đính hôn hơn bảy năm, nhưng vì chiến tranh chia cắt nên chưa thể làm lễ cưới, và cũng không được gặp nhau sau ngày đính hôn cho đến ngày chị hy sinh.
Giao vai chị Sứ cho cô giáo dạy sử Hiệp Định có lẽ là quyết định táo bạo của đạo diễn Hồng Sến. Nhưng ông đã thành công. Diễn viên tay ngang, lần đầu đóng phim đã hoàn toàn chinh phục người xem bằng chính cảm xúc của mình khi hóa thân vào nhân vật. Những cảnh chị Sứ chịu tra tấn như bị treo lên cây dừa hay bị tát đều phải diễn thật, không có kỹ xảo hỗ trợ hay người đóng thế, nên nét diễn của cô giáo Hiệp Định càng chân thật. Cho đến nay, diễn viên Hiệp Định vẫn là trường hợp đặc biệt nhất của điện ảnh Việt Nam: Diễn viên tay ngang chỉ đóng một vai duy nhất và tỏa sáng với vai diễn đó.
|
Chị Sứ (trái) là vai diễn đầu tiên và duy nhất của cô giáo Hiệp Định (phải) |
Nếu nữ diễn viên Hiệp Định để lại tên tuổi với vai diễn đầu tiên, thì NSƯT Thanh Loan lên đến đỉnh cao sự nghiệp bằng vai diễn cuối cùng: ni cô Huyền Trang (phim Biệt động Sài Gòn). Đây là nhân vật được xây dựng từ các nguyên mẫu nữ biệt động Sài Gòn, trong đó, nguyên mẫu chính là bà Phạm Thị Bạch Liên, pháp danh Diệu Thông, pháp hiệu Huyền Trang (sinh năm 1931). Bà đã xây dựng chùa Bổn Nguyện và dần phát triển nơi đây thành căn cứ cách mạng. Bà trở thành mắt xích không thể thiếu trong những hoạt động bí mật ở Sài Gòn. Không chỉ đánh máy, in, rải truyền đơn… bà còn trực tiếp tham gia nhiều trận đánh cùng các chiến sĩ biệt động Sài Gòn.
Chùa Bổn Nguyện bị nghi ngờ và bị cảnh sát theo dõi gắt gao. Sau đó cảnh sát đốt chùa và toàn bộ những ngôi nhà mái lá lân cận. Ni cô Diệu Thông bị bắt nhưng được trả tự do vì không đủ chứng cớ buộc tội. Sau đó bà chuyển về Lữ đoàn 316 tiếp tục chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất.
|
Ni sư trưởng Thích nữ Diệu Thông (trái), nguyên mẫu của Ni sư Huyền Trang trong bộ phim Biệt động Sài Gòn |
Để vào vai ni cô Huyền Trang, NSƯT Thanh Loan đã phải vào chùa Dược Sư ở một tuần, học cách tụng kinh, gõ mõ, đánh chuông, cách đi khất thực từ các ni sư. Trong phim, ni cô Huyền Trang hy sinh, nhưng đời thực bà vẫn sống. Hiện bà đang ngụ tại chùa Thất Bửu (thị trấn An Châu, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang). Bà đã được Nhà nước tặng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Danh hiệu “Hiền tài nước Việt” và nhiều danh hiệu khác.
Những thước phim được xây dựng từ nguyên mẫu anh hùng luôn có sức hấp dẫn riêng. Cho đến nay, Ván bài lật ngửa, Biệt động Sài Gòn, Hòn Đất... vẫn được xem là những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt sau năm 1975.
Hương Nhu