Từ điển - những cuốn sách mua một lần, đọc cả đời

30/08/2016 - 06:30

PNO - Tôi đã lớn lên cùng những cuốn từ điển, hay đúng hơn, thật may mắn gặp được chúng.

"Tôi lớn lên cùng những cuốn từ điển..."

Từ khi học lớp 1, tôi đã bắt đầu lục lọi các loại sách vở trong nhà. Và một trong những thứ mà tôi thấy kì lạ nhất là cuốn từ điển tiếng Anh to uỵch, giấy mỏng dính, chữ bé tí, dày đến 10cm, nhưng giở ra đọc thì không hiểu gì cả, không đánh vần được như những thứ sách khác. Lúc đó, tôi đã không biết nó là cái gì và dùng để làm gì.

Sau này, khi bắt đầu học tiếng Anh, tôi mới phát hiện ra công dụng kì lạ của nó. Nhờ cuốn sách to như cục gạch này, mà tôi bắt đầu có thói quen học cả họ hàng nhà từ, thay vì chỉ dừng lại ở từng từ mà giáo viên giảng giải trên lớp, cũng như phát hiện ra qui luật cấu tạo của từ vựng tiếng Anh. Từ đó, việc học tiếng Anh trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Tu dien - nhung cuon sach mua mot lan, doc ca doi

Cũng không hiểu tại sao nhà tôi có một quyển từ điển học sinh, chắc bố mẹ tôi xin được ở đâu đó. Thời không có google thì nó là một thứ chìa khoá vạn năng giúp tôi tháo gỡ rất nhiều thứ mình muốn biết.

Đến năm lớp 7, tôi đi ăn xin được một cuốn từ điển văn học đã rách bìa, quăn mép, gồm có 2 tập. Ban đầu tôi thích nó vì nó cho tôi biết mặt mũi của những ông nhà thơ nhà văn tôi học được ở trường: ông Xuân Diệu với quả đầu gợn sóng Qui Nhơn, ông Nguyễn Tuân với cái mũi to và bộ râu trứ danh, Nguyên Hồng mặt mũi nhăn nhó lúc nào cũng như muốn khóc, Xuân Quỳnh nữ tính và xinh đẹp…

Nó giúp tôi biết rằng thế giới văn học thật là rộng lớn với rất nhiều ông mà tôi chưa từng được học trong trường, rất nhiều những tác phẩm hay ho mà tôi chưa được một lần nghe nhắc tới. Cuốn từ điển văn học giống như một vật dẫn đường giúp tôi biết mình cần đọc cái gì trong thư viện tỉnh mà với tôi lúc ấy chẳng khác nào một mê cung sách.

Vào năm lớp 9, bố mẹ để dành tiền để mua cho tôi một bộ “Amanach những nền văn minh thế giới”. Thời đó, cuốn sách này là cả một gia tài. Tôi choáng ngợp trước sự huy hoàng của thế giới và tri thức của nhân loại.

Tôi bắt đầu biết đến hội hoạ và kiến trúc thời Phục Hưng, những vị tướng lừng danh thế giới, biết đến tử vi, chiêm tinh, tướng số lẫn hầm bà lằng các nhà khoa học, các phát kiến địa lý… Ở một thời mà người ta không có một thứ giải trí nào khác ngoài sách ấy, thì thực sự cuốn sách bách khoa này là một trò tiêu khiển thú vị nhất của tôi trong suốt những năm học cấp 3.

Tôi đã lớn lên cùng những cuốn từ điển, hay đúng hơn, thật may mắn gặp được chúng.

Nên mua sách gì cho con?

Nhiều phụ huynh hỏi tôi: nên mua sách gì cho con? Câu trả lời của tôi là: "Loại sách đầu tiên mà một con người có thể dùng cả cuộc đời, ấy là từ điển".

Có người lại vặn rằng: "Ở cái thời chỉ cần google là ta đã có tất cả, liệu có cần đến từ điển hay không?" Tôi cho rằng, từ điển vẫn là thứ cần được lưu trữ trong tủ sách của các gia đình.

Một cuốn từ điển cho bạn thấy tri thức một cách có hệ thống. Các tri thức không được lắp ghép một cách rời rạc như trên internet mà được sắp đặt theo một trình tự vô cùng chặt chẽ, làm cho ta nhìn thấy vấn đề một cách bao quát. Ví dụ, khi bạn tra cứu về Napoleon, bạn sẽ biết bên cạnh ông sẽ còn có rất nhiều những nhà quân sự lừng danh khác.

Tu dien - nhung cuon sach mua mot lan, doc ca doi

Khi bạn tìm hiểu về hội hoạ thời Phục Hưng, bạn biết trước đó và sau đó còn rất nhiều những thời đại huy hoàng của hội hoạ… Khi tiếp thu những thông tin một cách ngăn nắp, bạn sẽ học được cách sắp đặt chúng một cách ngăn nắp trong bộ não. Sự sắp đặt ngăn nắp này giúp bạn có được tư duy logic, khái quát và hệ thống.

Có người lại nói: tra cứu trên internet nhanh hơn và ta có thể kiếm được nhiều thông tin hơn. Tôi đồng ý, tuy nhiên, bởi mọi thông tin bạn cần hiện ra một cách nhanh quá, nhiều quá, thậm chí hỗn loạn quá, nên bạn rất khó để ghi nhớ, quản lí, sắp xếp chúng.

Đặc biệt là với trẻ con, khi chúng chưa có đủ kinh nghiệm và hiểu biết để đánh giá, thẩm định thông tin, thì điều này thậm chí lại còn nguy hiểm. Chúng nạp vào đầu vô vàn những thông tin thiếu xác thực, chưa được kiểm chứng, nông cạn, phiến diện, hời hợt. Điều đó thực sự không tốt cho sự phát triển của một bộ não còn non nớt.

Việc lật giở từng trang giấy một cách chậm chạp và đôi khi khó nhọc đem lại cho bạn cảm giác hồi hộp chờ đợi, nôn nóng muốn tìm hiểu. Sự chuẩn bị này giúp cho bạn tập trung hơn trong lúc đọc, và nhờ vậy tiếp thu thông tin một cách hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, khi có trong tay một cuốn từ điển, bạn có thể để lại dấu ấn tư duy của mình trên các trang giấy. Chỗ này bạn dùng giấy nhắn để đánh dấu, chỗ kia bạn dùng bút chì để gạch chân, chỗ khác bạn dùng bút mực để ghi chú ngoài lề…

Tất cả những dấu ấn tư duy ấy giúp bạn tiếp thu thông tin một cách chủ động hơn, ghi nhớ thông tin tốt hơn và sau này mỗi khi có dịp đọc lại, bạn sẽ có cảm giác như gặp lại chính bạn những năm trước đó, cũng như vui mừng khi nhận thấy sự trưởng thành của mình về mặt tư duy.

Có những cuốn sách chỉ cần đọc một lần để biết, có những cuốn sách bạn có thể đọc xong trong vòng vài ngày thậm chí vài tuần. Nhưng bạn không thể đọc xong một cuốn từ điển.

Bạn cần phải giữ nó bên mình và đọc nó trong suốt cuộc đời. Thậm chí, bạn có thể tặng lại cho con mình, cháu mình như một thứ của hồi môn. Thử hình dung nhiều năm sau, con bạn sẽ cầm trên tay cuốn sách đã ở bên bạn suốt cuộc đời, và bước vào cuộc hành trình mà bạn đã từng đi, và đối thoại với những suy nghĩ của bạn trong quá khứ. Đó thật sự là một trải nghiệm rất đẹp.

Những cuốn từ điển nên có trong tủ sách gia đình

Sau đây là một số loại từ điển bạn nên có trong tủ sách gia đình, theo kinh nghiệm của cá nhân tôi:

1. Từ điển Tiếng Việt để bạn tra cứu bất cứ khi nào bạn cảm thấy băn khoăn về chính tả hay cân nhắc về nghĩa của từ (Khi còn là sinh viên, tôi chọn mua Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê).

2. Từ điển Hán Việt: bởi có đến 80-90% Tiếng Việt là từ gốc Hán, nên việc sở hữu một từ điển Hán Việt sẽ giúp bạn hiểu được gốc rễ và bản chất của những từ ngữ bạn sử dụng hàng ngày, đặc biệt trong văn viết (Thời tôi học Đại học, thì cuốn từ điển Hán Việt được khuyên dùng là cuốn Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu).

3. Từ điển Tiếng Anh: bạn có thể thay thế nó bằng các phần mềm tra cứu trên internet.

4. Từ điển Bách khoa tri thức: giúp bạn có một kiến thức nền sâu rộng về toàn bộ văn hoá nhân loại (Tôi đã sở hữu cuốn Amanach những nền văn minh thế giới từ khi học lớp 9).

5. Từ điển chuyên ngành: công cụ giúp phát triển chuyên môn của bạn, và chỉ có bạn mới biết bạn cần đến cuốn từ điển nào.

Hi vọng những cuốn từ điển sẽ luôn được mở ra trong ngôi nhà của bạn.

Nguyễn Ngọc Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI