Truyện ngắn - Tình yêu ở lại

02/08/2021 - 15:13

PNO - Chỉ vì lỡ… thương má, sau khi tốt nghiệp Đại học Huế, trong khi bạn bè đều vào Nam lập nghiệp, ba khăn gói theo má vô xứ Quảng làm thầy giáo trường làng.

Lễ tiễn đưa diễn ra vào một ngày nắng hè rất đẹp, mây vời vợi xanh. Dưới ánh mặt trời chói chang, gió oi nồng thổi, dần hong khô những giọt nước mắt. Lời truy điệu kết thúc bằng tiếng nấc nghẹn của anh. Chị Hai gỡ kính lau lên áo mấy lần. Chỉ có má không khóc. Má ngồi xếp bằng lặng lẽ. Sau khi vái lạy, cô đỡ má đứng dậy. Trên gương mặt hiền hậu của má, những nếp nhăn xô nhau trồi lên hõm xuống. Má khoanh tay bình lặng nhìn di ảnh ba sau làn khói nghi ngút, hốc mắt má thăm thẳm sâu.

***
Ba hay đổ thừa rằng ông bị dụ dỗ bởi những món ngon má nấu nên mới về đất này. Chỉ vì lỡ… thương má, sau khi tốt nghiệp Đại học Huế, trong khi bạn bè đều vào Nam lập nghiệp, ba khăn gói theo má vô xứ Quảng làm thầy giáo trường làng. Gần đồi núi Hòn Tàu rồi qua sát biển Rạng Tam Quang, căn trọ tập thể chật hẹp tạm bợ nuôi dưỡng giấc mộng có một mái nhà yên ấm để đi về.

Má dọn dĩa mứt mãng cầu lên cho ba nhấm nháp, đem cùng cái liếc yêu. Má nói, ba bây kể rứa là thiếu rồi. Hồi xưa má say ba hơn người ta say rượu. Chàng thư sinh khoa văn cao ráo đeo kiếng cận, chơi cờ tướng giỏi mà đàn hát cũng hay. Cây guitar ba đeo trên vai đã níu lòng bao cô gái. Mấy nàng thầm thương nắn nót gửi nỗi nhớ qua từng trang thư.

Má học khoa toán, cả đời cũng không nặn nổi một câu thơ. Má chỉ nhớ lời ngoại dạy, con đường ngắn nhất chạm tới trái tim đàn ông là đi qua cái dạ dày. Vậy là ba quay qua mê mùi lá nén muối rang đậm đà vương làn tóc má. Má cười tình tứ, rót cho ba ly trà đậu ván rang nóng hổi thơm nức.

Ban đầu ông ngoại hơi e ngại bởi ba theo Phật, má lại là người của Chúa. Vậy nhưng được chàng rể ngoan, chấp nhận rời xa sông Hương, chọn dòng Trường Giang làm cuộc hò hẹn định mệnh suốt đời, dần dà ông ngoại đổi ý. Má dắt ba về Quảng, mỗi bận qua chùa Cầu, ba nấn ná ngó nghiêng.

Hai người sống chung nhà mà thờ hai đạo, nghĩ cũng lạ lùng. Má không ép ba học giáo lý hay phải xưng tội. Mỗi Chúa nhật, ba chở má tới nhà thờ rồi ngồi hàng giờ trên ghế đá ngoài cổng để đợi đón má về. Trong nhà, ba chừa riêng một góc cho má treo ảnh Chúa, thánh giá. Những góc còn lại, má sẽ để phần ba treo những bằng khen, giải thưởng.

Sinh con gái đầu lòng, ngoài giờ dạy học, ba bắt đầu sáng tác văn thơ. Ba cưng chị Hai lắm, lấy tên chị làm bút danh, để mỗi tác phẩm ra đời đều lưu dấu tình thương da diết đó.

Ba hay tham gia các cuộc thi thố thơ văn, cờ tướng. Không háo danh nhưng ba thích cảm giác chiến thắng, dù là thắng ở kết quả hay ở quá trình. Giống như mũi tên lao về phía trước, xe không chạy thụt lùi, hướng dương luôn hướng mặt trời, ba muốn mình phải cố gắng từng phút giây. Dù là cuộc chơi nào cũng cần lắm “công phu”. Sau mỗi chặng đường như vậy, dù kết quả thế nào, ba đều vui vẻ. Quan trọng hơn, những giải thưởng sẽ mang đến cho ba số tiền nho nhỏ dành tặng má hoặc đôi khi là cho học trò.

Anh ra đời như thêm một nét vẽ tròn trịa cho bức tranh hạnh phúc của cuộc đời ba má. Ba má tích cóp từng đồng, mua được miếng đất nhỏ ở thị xã, xây căn nhà vừa vẹn cho bốn người.


***
Những chùm hoa thiết mộc lan trắng, tím xen kẽ tỏa hương thơm sực vào nhà. Ngày trước, mỗi lần ngang cổng, cô đều đưa tay che mũi để khỏi ngửi thấy mùi hoa nồng đó. Đi qua rồi, hương thiết mộc lan vẫn thoang thoảng tà áo cô. Dường như đêm càng sâu thì hoa càng thơm rộ. Hương hoa tẩm ướp vương vấn khắp người ba.

Học trò của ba đang cắt từng cái nút áo. Bạn bằng tuổi cô và anh nhưng thời phổ thông học khác trường. Bạn kể, ngày xưa khi học ôn thi đại học, ba không nhận của bạn một đồng. Ba thương bạn giỏi giang, ngoan hiền lại có hoàn cảnh khó khăn. Ba dạy để thỏa đam mê nghề giáo, làm điểm tựa cho bạn kiến thức vững vàng vào đời. Ba cần gì chút tiền dạy thêm mà phải làm khó bạn.

Hình như ba cũng dạy không công cho rất nhiều lứa học trò trước bạn. Ba không chỉ dạy chữ nghĩa, ba còn chỉ bày cách làm người. Bạn bảo ba thương từng đứa học trò, hỏi han mỗi hoàn cảnh, động viên khi thất bại, cổ vũ lúc thành công. Giờ bạn thành cô giáo, về lại trường cũ để truyền tiếp ngọn lửa nhiệt huyết mà ba đã trao.

Má ngồi bất động một lúc lâu trong vòng tay cô và anh. Cô thương má quá nhưng chẳng biết phải làm sao.

Cách đây bốn năm, ba bị tràn dịch màng phổi. Má dẫn ba ra Huế, rồi lại đưa ba vô tận bệnh viện lớn nhất miền Nam. Kết quả sinh thiết cầm tay, ba chấp nhận đương đầu. Số phận đã buộc ba phải mang căn bệnh mà ngày rời thế gian gần như được định đoạt trước. Giống kiểu một ngày đẹp trời, ta đang đi chậm rãi cẩn thận trên đường thì từ đâu cơn mưa lao tới, sấm chớp ngang trời xô ngã ta. Song, cả ba và má đều không bỏ cuộc sớm trong trò chơi sinh mệnh này. Hít vào lồng ngực vạt nắng miền Trung, má nắm tay ba về nhà, bắt đầu cuộc đua với tử thần.

Ba viết bài thơ Đối diện, ví căn bệnh như pháo đầu hung hãn đánh vào phế phổi tâm can ba. Ba tự biến mình thành “Bình phong mã”, sau lưng với các quân xe, pháo, tốt bọc hậu là má, chị Hai và anh, là bạn bè, học trò của ba.

Những bông đu đủ đực thấm đẫm mồ hôi giữa nắng của học trò. Hộp nhân sâm vương mùi bụi đường xa của bạn bè trong Nam. Mấy quyển sách dạy thiền thơm mực ấm gửi về từ họ hàng. Hũ tổ yến cất chưng tình thương vô hạn của mấy chú bác trong nhà. Phòng khách chen chúc đồng nghiệp tới thăm. Lim xanh, linh chi chất đầy ngăn tủ. Lời động viên chân tình lưu tràn điện thoại. Thỉnh thoảng, cổng nhà được bí mật móc treo mấy gói đồ ăn, giàn lan trong vườn có thêm vài giò hoa quý.

Má nấu những món ăn bài thuốc rồi cùng ba ngồi thiền, thức canh ba mỗi khuya trở bệnh. Má dậy sớm tập thể dục với ba, đưa ba đi xạ trị. Cây kim chọc vào màng phổi, tia X chiếu vào khối u, nỗi đau đớn hơn cắt thịt da ấy của ba đều có má cạnh bên vỗ về. Suốt bốn năm như thế, má chưa từng một lần than van.

Anh nhận được tin muộn nhất, bởi ba lo anh còn đang bảo vệ luận văn thạc sĩ. Xong khóa học, anh về ôm ba mỗi khi ông buột miệng: “Ba đau quá con ơi!”. Gần đây, hầu hết thời gian trong ngày, anh chẳng rời giường ba nửa bước. Mỗi lúc đứng lên, anh đều nhẹ nhàng xin phép. Nếu ba thức dậy mà không thấy anh ở cạnh, ba lại dỗi: “Con không thương ba nữa, con đi chi đi miết”.

Cả tuần nay, ba không nhận ra ai cả, chẳng nói gì khi được hỏi han. Người ba chạm vào đâu cũng la oai oái vì đau. Nhưng mỗi lần má ngồi cạnh bên, ba nhìn mặt má chăm chú rồi cười mỉm ngại ngùng. Phải chăng ba đang cố lưu vào trí nhớ từng đường nét trên khuôn mặt người phụ nữ mà ông đã thương trọn một đời? Không biết trước khi sang thế giới bên kia, ba có phải uống chén canh Mạnh Bà để quên tất cả ký ức kiếp này. Nhưng nếu có kiếp sau, chắc ba sẽ lại tìm má, theo má về nhà.

Chị Hai nắm chặt tay ba, thì thầm: “Từ nay hết đau rồi ba nhé!” rồi quay qua ôm má. Không dưng cô nhớ câu thơ ba từng viết: “Hòn Kẽm đá không chịu dừng thì nước ngược cứ rưng rưng…”.
***

Cô về làm dâu của ba má chỉ mới hai tháng, nhưng cô quen anh đã hơn mười năm. Hồi đó, anh hay đi ngang lớp cô mỗi giờ ra chơi. Dáng anh dong dỏng cao. Cặp kiếng hờ hững trên sống mũi cao càng làm đầy thêm chất lãng tử khi anh cầm guitar đàn hát mỗi giờ chào cờ. Anh có chất giọng trầm ấm, hiền đến lạ. Sau này, khi về nhà anh chơi, cô mới biết anh là bản sao nguyên vẹn của ba, từ vẻ ngoài đến giọng nói. Ngay cả khiếu hài hước cũng y chang nhau.

Ban đầu chỉ là bạn bè, rồi tình cảm lớn dần như mạch nước ngầm nuôi cây xanh tốt đợi ngày nở hoa kết trái. Hai đứa cùng ra quê ba học đại học, anh theo sư phạm, cô chọn ngành y. Những buổi hẹn hò, anh chở cô đi ngang những chốn in dấu tình yêu của ba má. Giữa khuya, hai đứa ăn ổ bánh mì Trường Tiền, uống ly nước mía ngắm Saigon Morin, anh kể về những kỷ niệm mà ba thường nhắc. Là vị trầu chợ Dinh, là tô bún bò cay Ông Vọng, là chén chè Đông Ba… Nơi này ngày xưa ba đã tặng má một bó xuyến chi, bây giờ tại đó anh trao cô những đóa hồng. Hóa ra, yêu thương còn có thể kế thừa. Từ tình đầu thời học trò ngây ngô, cô và anh lựa chọn gắn bó cùng nhau cả đời.

Có mong cầu nào hơn là mỗi ngày bình bình đạm đạm ở bên. Một người có thể nắm tay dạo phố vào những đêm mùa hè, ngồi kể cho nhau nghe những mẩu chuyện vụn vặt xung quanh công việc, bạn bè. Một người biết tôn trọng bạn đời, chịu lắng nghe tiếng thở than lúc đau buồn, mỏi mệt và cùng reo vang khi niềm vui đến. Tình yêu của hai đứa không cần đao to búa lớn, lội đèo vượt suối mà là những phút giây bình yên cạnh nhau.

Mọi người khá ngạc nhiên, khi anh tin vào Phật còn cô là tín đồ Tin Lành. Gia đình cô chẳng cấm cản mà ba má anh cũng không can ngăn. Cô vẫn nhớ cái ngày anh đưa cô về nhà ra mắt. Chứng kiến tình yêu bình dị mà lớn lao của ba má vượt qua rào cản khác biệt tôn giáo, cô đã tin tưởng rằng sau này của anh và cô sẽ giống hệt như thế. Dù cuộc đời ngoài kia có quăng bất cứ thứ gì cản lối thì hai đứa vẫn yên bình và lạc quan bên nhau.

Hơn mười năm cô bên anh cũng là chừng ấy thời gian ba an ủi mỗi lúc cô vấp ngã, khuyên răn cô những điều thẳng ngay. Ba bảo ba xem cô như con gái ruột. Được làm con của ba quả thật may mắn, là lương duyên.
***
Tình hình dịch ở quê nhà tạm yên thì COVID-19 quay lại quấy phá Sài Gòn. Thành phố giãn cách, chú bác họ hàng của ba ở trong Nam không ai về được. Ngày đưa tiễn ba, người nhà chỉ có mấy má con. Bao nhiêu việc trước sau làm lễ có hàng xóm, đồng nghiệp và học trò của ba phụ giúp. Nhà neo người nhưng mọi thứ vẫn trọn vẹn đủ đầy cho ba.

Cái oi bức trong mùa nắng đổ không ngăn được dòng người tới viếng thăm. Hơn hai trăm vòng hoa xếp dày từ trong nhà ra tận phía ngoài con đường chạy ngang cổng. Học trò của ba, có những người chỉ thua ông khoảng bốn, năm tuổi và có những bạn còn ít tuổi hơn cô. Người đến từ Núi Thành, Tam Kỳ, Quế Sơn, Hội An, Đà Nẵng. Người tranh thủ giờ nghỉ giải lao giữa buổi dạy, kẻ xin nghỉ nửa buổi làm. Có bạn túc trực từ sáng mờ tới tối mịt.

Di nguyện của ba là không nhận tiền phúng điếu. Lễ tang tổ chức đơn giản nhất có thể, gói gọn trong một ngày, không kèn trống thê lương. Thỉnh thoảng, anh mở vài bài thơ ba sáng tác hay bản nhạc ba tự đàn ca. Di ảnh của ba là bức tranh trắng đen mà một nhà thơ thân thiết vẽ tặng. Sau buổi tiễn đưa, anh rể chở chị Hai và cả nhà về lại quê má. Ở đó, khi xưa ba từng mua một miếng đất nhỏ đợi ngày nghỉ hưu thì về trồng cây, đọc sách, uống trà. Chị Hai cố giấu đôi mắt ngân ngấn nước: “Khu vườn mơ ước của ba đã hoàn thành rồi, giờ chỉ thiếu mỗi người ngồi câu cá, làm thơ”.

Có thể phải rất lâu sau này, má mới cười tươi trở lại. Thế nhưng cả má và chị Hai đều lau khô mắt để lo chu toàn cho ba chặng cuối. Những người phụ nữ của gia đình này đều mạnh mẽ như vậy, đau đớn đó nhưng không hề bi lụy.
***

Cuộc đời ba hơn sáu mươi năm trọn nghĩa vẹn tình với người thân, kẻ lạ. Ba đã sống không hối tiếc. Ba đi rồi mà dường như tình yêu vẫn nguyên lành ở lại. Anh bảo anh sẽ sống như ba, tin yêu cuộc sống, thương yêu gia đình. Anh cũng là một người thầy, dù là dạy toán chứ không nối nghiệp văn của ba. Nghe lời ba, anh sẽ ráng thương tất thảy học trò. Nếu trò dốt, trò không hiểu là do thầy dở. Phải tìm cách khác để dạy cho trò tinh thông. “Con đừng la học trò mà tội mấy đứa nhỏ nghe con”, câu đó ba cứ nhắc anh hoài.

Ngày ba rời thế giới này là một ngày nắng đẹp. Bầu trời xanh thẳm như cất giấu bớt nỗi buồn. Cô chưa từng nghĩ sự ra đi của một người lại có thể nhẹ nhàng tới vậy. Như lá rụng về cội, như gió bay về trời, nhẹ tênh. 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI