Truyện ngắn: Hoa đào của nội

25/01/2023 - 19:16

PNO - Nhà nội đẫm mùi hương tết, từ khoảnh sân phơi lá dong để gói bánh chưng, đến những mâm củ kiệu, dưa cải mẹ làm.

Đường lên đền Thượng, núi Ba Vì.

Ánh Dương hào hứng bước lên những bậc thang, vượt qua cả bố mẹ. Đây là lần đầu con bé được đi chơi núi. Ngày đầu năm mới, thời tiết se lạnh. Tôi mặc áo ấm và choàng khăn, nhưng đi một lúc, cơ thể ấm dần lên. Cảm giác này khiến tôi nhớ cái ngày bước lên những bậc thang đá lạnh như băng ở Vạn Lý Trường Thành hồi 10 năm trước. Đi trong cái lạnh dưới 10 độ C của Bắc Kinh, nhưng khi leo lên các bậc thang cao không đều nhau, tôi thở ra khói mà không còn thấy lạnh nữa. Nhưng năm đó, tôi du lịch một mình. 

Chồng tôi cầm điện thoại quay phim cho hai mẹ con, anh cười khi thấy tôi đi một lúc rồi dừng lại thở. Ánh Dương phải reo lên động viên:

- Mẹ ơi cố lên!

minh họa: dad
Minh họa: DAD

Tôi bật cười trước vẻ mặt của con bé, như thể sợ mẹ đi không nổi thì cả nhà sẽ không thể lên đến đền Thượng vậy. Ánh Dương rất hào hứng khi được đi “gặp” thánh Tản Viên trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh mà mẹ từng kể. Đền Thượng còn thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Vương) và Mẫu Thượng Ngàn. Sau này con lớn hơn, tôi nhất định sẽ kể cho con nghe về những vị ấy.

Ngồi nghỉ chân uống nước giữa đoạn đường chinh phục núi Ba Vì, tôi đưa mắt nhìn quang cảnh xung quanh. Chợt nhớ bài thơ thuở còn cắp sách: “Ơ hay núi cứ ba hòn nhỉ?/ Cứ kết liền nhau đến lạ kỳ/ Đã có Tam Thanh còn Tam Điệp/ Đã xanh Tam Đảo lại Ba Vì?”. Tôi đọc cho con gái nghe, mân mê đôi bàn tay đang đeo găng tay màu hồng nhỏ xíu, ấm áp của con. Ánh Dương ngồi trong lòng mẹ, ngước mắt hỏi:

- Tam Thanh, Tam Điệp, Tam Đảo là gì mẹ? 

- Đó là những nơi chốn rất đẹp. Mai mốt mẹ dẫn Ánh Dương đến những nơi đó nữa, chịu không? 

Con gật đầu, chớp mắt. Nhìn con bé, tôi cảm thấy lòng như thơ trẻ cùng con. Thế giới xinh đẹp này còn biết bao nơi chốn cho con nhìn ngắm, khám phá, tìm hiểu. Như tôi của ngày xưa, thuở còn là đứa trẻ sống ở đồng làng, cũng hay thắc mắc nơi này là đâu, chốn kia thế nào? Thuở ấy, tầm nhìn xa nhất của tôi là hàng cây phía bên kia dòng sông, mà phải trèo lên ngọn dừa hay mái nhà mới có thể nhìn thấy. Ngày ấy, tôi không thể biết bước chân mình đi được bao xa, càng không nghĩ rằng đến một lúc nào đó, một vùng đất xa lạ lại trở thành quê hương thứ hai, để được nhớ và trở về trong niềm yêu dấu. Như quê nội của Ánh Dương vậy.

Năm nay, gia đình nhỏ của tôi về đón tết sớm ở quê nội. Hai năm trước vì dịch bệnh, chúng tôi không thể về. Bà nội nhớ cháu, hay gọi điện trò chuyện với Ánh Dương. Hai bà cháu có khi ríu rít cả tối cũng không hết chuyện. Con bé có đủ chuyện để kể, nào là hôm đó đi chơi đâu, gặp ai, ăn món gì. Rồi chuyện con mèo nhà hàng xóm tát chú chó con, lại chuyện vườn rau bố trồng có các loại rau nào, quả cà chua từ màu xanh đang dần chuyển sang màu đỏ…

Bà nội luôn lắng nghe những câu chuyện kể của cháu hết sức chăm chú, thi thoảng bà đệm vào mấy câu: “À thế à?”, “Rồi sao nữa?”, “Hay quá vậy!”… Và nếu bà ngoại gọi, con bé cũng chừng ấy chuyện mà hào hứng kể. Đôi khi con khiến tôi bật cười vì sự say mê với những mẩu chuyện ra chừng “quan trọng”. Nhiều lúc tôi bận, cứ để con chơi với đám nhồi bông, mấy bộ xếp hình, hay nằm bò ra vẽ vời chi đó. Chỉ những buổi tối lên giường chuẩn bị đi ngủ, tôi mới trò chuyện, kể chuyện cho bé nghe, trả lời những câu hỏi không có hồi kết của con bé. Nhưng còn bà nội và bà ngoại, bất cứ lúc nào, dù bà đang dở tay làm vườn hay lau quét nhà, cũng dừng lại để dành thời gian trọn vẹn cho Ánh Dương.

Một đứa trẻ luôn gần gũi với bà và được bà yêu thương là một đứa trẻ hạnh phúc.

Vợ chồng anh cả muốn đón ông bà vào thành phố, nhưng bà nói, cả đời gắn với ngôi nhà tổ tiên để lại, đi rồi ai hương khói, ai chăm sóc khu vườn. Thuyết phục mãi không được, anh lắp camera để tiện thăm sóc bố mẹ từ xa. Nhiều lúc thấy bà cặm cụi quét sân, hay lui cui dưới bếp. Có khi hai ông bà ngồi xem ti vi, rồi cũng có khi thấy ông mang gỗ ở đâu về, ngồi cưa đục cả buổi để làm thêm cái bàn ngoài vườn. Bà bảo ông làm cho tụi nhỏ tết về có thêm chỗ chơi. Vườn nhà ông trồng bưởi, cam, hồng xiêm, đu đủ lúc nào cũng trĩu quả. Năm nay, ông còn trồng cả một vườn đào.

Những năm trước, chồng tôi hay các anh về tết sớm đều chở ông lên vườn đào Nhật Tân, chọn mua những cành đào ưng ý nhất. Rồi mua cả quất, hoa giấy, các chậu lay ơn, thược dược… Khoảnh sân trước nhà lúc nào cũng đầy sắc hoa mùa xuân. Nhưng ông bảo trồng đào để con cháu về chụp hình cho đẹp. Từ đầu năm, ông đã xới đất, ghép cành bích đào, ngày nào cũng kiểm tra độ ẩm của đất. Năm nay cả nhà tổ chức mừng thọ ông, tuổi 70. Ông muốn hoa đào nở bừng trong vườn, cũng là để mừng năm mới đoàn viên.

Ánh Dương không biết ý nghĩa của hoa đào, hay lễ mừng thọ của người lớn, con bé chỉ mê mẩn khu vườn đào của ông nội khoe sắc hồng cả vòm trời. Từ giữa tháng Mười một âm lịch, bà nội đã tuốt lá đào cho kịp ngày hoa nở. “Cho kịp Ánh Dương về chơi nhé!” - bà nội từng nói thế khi khoe đôi tay dính lá đào cho bé xem qua video.

Ngày mùng Một tết, tôi cùng con đứng chụp hình giữa mùa hoa đào đầu tiên của ông bà nội, dưới tiết trời se lạnh mà thấy lòng ngập tràn hạnh phúc. Thanh bình giản dị này được đổi bằng biết bao chăm chút, yêu thương. Nhiều năm trước, khi còn trẻ trung son rỗi, tôi từng nghĩ ngày tết là để nghỉ ngơi vui chơi, về nhà thăm gia đình ít hôm, rồi dành thời gian đi muôn nơi tận hưởng.

Tôi từng đón tết ở cao nguyên đá Hà Giang, lang thang nhìn ngắm đào phai, mây núi. Tôi cũng từng đón năm mới với bạn bè trong tour du lịch dài ngày khám phá Đài Loan, Hàn Quốc, sang cả Úc. Đến khi lấy chồng, tôi thậm chí vẫn muốn vợ chồng du xuân đến những đất nước xa xôi xinh đẹp nào đó. Nhưng rồi khi Ánh Dương ra đời, tôi lại thèm cảm giác đưa con về nhà nội, nhà ngoại, ấm lòng với những ngày chỉ loanh quanh trong nhà rọc phơi lá chuối, gói bánh, làm mứt, hay đơn giản chỉ là ngồi quây quần đốt than nướng bắp, nướng khoai, vừa ăn vừa trò chuyện cùng nhau. Tôi thấy mình của ngày xưa trên khuôn mặt hào hứng với mọi điều của Ánh Dương hôm nay. Như thể thế giới của mẹ chỉ còn lại trong những bước chân bé con và những câu hỏi ngây ngô hồn nhiên của trẻ nhỏ.

Con đến trong cuộc đời, cũng chính là điều kỳ diệu nhất.

Mẹ kể hồi Ánh Dương chào đời, tôi nằm thiêm thiếp, còn em bé phải đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt. Tôi ngủ mê man nhưng nước mắt cứ chảy, mẹ ngồi bên cạnh lặng lẽ lau nước mắt cho tôi. Hồi mẹ sinh tôi còn khổ hơn bây giờ, xuất viện chẳng bao lâu, bà phải gánh hàng bông đi bán. Ra chợ, mẹ đặt tôi lên tấm lá chuối, trải một lớp khăn mỏng. Trộm vía hồi nhỏ tôi không quấy khóc, cứ nằm chơi và ngủ ngoan cho đến lúc tàn chợ trưa, mẹ lại bỏ vào thúng gánh về. Giờ Ánh Dương ra đời có bố, bà ngoại, bà nội, các cô các dì bên cạnh, còn tôi được các y bác sĩ chăm sóc rất chu đáo. 

Bây giờ con đang chạy nhảy chơi đùa trước mặt tôi, giữa vườn đào bung nở. Mùa xuân thứ năm của con gái và là mùa xuân thứ 65 của bà nội. Năm nay, biết nhà bên chồng tổ chức lễ mừng thọ cho ông, mẹ tôi nói hãy về sớm để cùng các anh chị chuẩn bị cho chu toàn. Dâu con ở xa chẳng mấy khi có dịp về thăm bố mẹ. Mấy năm trước, khi Ánh Dương còn nhỏ, vợ chồng tôi không về tết được, rồi dịch bệnh đến lại càng không thể đi. Đây là mùa xuân đầu tiên Ánh Dương được về ăn tết nhà nội, được biết thế nào là hoa đào, hoa gạo, được chơi đùa cùng các anh chị con cô con bác.

Lần đầu tiên “quê nội” được ghi khắc vào trí óc non nớt của con với biết bao niềm vui và yêu thương. Sau này, khi nhìn lại những bức ảnh con chụp với ông bà nội, với vườn đào, ngoài bậc thềm nhà ba gian có hai chú mèo sưởi nắng, con sẽ nhớ những năm tháng bé thơ này. Như mẹ của con ngày xưa, những hình ảnh đen trắng chụp từ những mùa xuân thời thơ ấu, đến bây giờ quý giá biết bao nhiêu.

Ông bà nội ngày xưa hay mặc quần áo lụa trắng, bà vấn tóc, nhai trầu. Còn ông bà ngoại trong ký ức xa xăm của tôi là khuôn mặt hai người già rất hiền. Ông ngoại râu dài, thường mặc áo nâu, nói năng từ tốn, trông ông như một ông tiên. Bà ngoại móm mém răng thưa, mặc những chiếc áo bà ba vải hoa ngắn tay, hay ngồi võng bên hiên nhà. Mỗi lần tôi sang, bà đều cho ngồi vào lòng, nghe bà kể chuyện. Bây giờ, cả nội ngoại của tôi đều không còn nữa. Mẹ tôi giờ tóc trắng như bà ngoại ngày xưa.

Mái tóc bà nội Ánh Dương cũng bạc phơ như vậy. Thời còn trẻ, tôi mải mê rong ruổi khám phá những miền đất lạ, thấy đời mình thênh thang phía trước, không nghĩ nhiều về tuổi của người già trong nhà. Nhưng có sinh con mới hiểu thấu tấm lòng của mẹ. Nhiều lúc nhìn mẹ ngủ, mới nhìn rõ những đồi mồi chân chim, thương cả đôi mắt hằn sâu và giấc ngủ lúc nào cũng dễ dàng bị đánh thức, dù chỉ một tiếng động rất nhỏ. Như đêm trước, bà nội thức giấc chỉ vì tiếng trở mình của cháu.

- Lạ chỗ ngủ được không con?

Mẹ hỏi vào buổi hừng đông ngồi bào dừa non, khi thấy tôi thức giấc khoác áo ấm đến ngồi bên cạnh. Tôi cùng mẹ và các chị sên mứt dừa, mùi thơm bảng lảng ban mai. Ánh Dương thức dậy dụi mắt hít hà: “Thơm quá mẹ ơi!”. Con bé đến ngồi bên bà nội, hai bà cháu lại thủ thỉ chuyện mứt dừa. Tôi mỉm cười giữa hương tết nồng nàn như mùi khói quyện trên chái bếp.

Nhà nội đẫm mùi hương tết, từ khoảnh sân phơi lá dong để gói bánh chưng, đến những mâm củ kiệu, dưa cải mẹ làm. Rồi mứt khoai, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí… Mẹ nói mấy món này giờ chỉ cần ra chợ là mua được hết, nhưng mẹ muốn giữ phong vị tết xưa cho con cháu, mà cũng là để nhớ ông bà ngày xưa. Mẹ nói những năm tháng cũ, ông bà luôn giữ hương tết nhà, tự tay làm bánh mứt vừa để ăn tết vừa dành cho con cháu ra Giêng. Hồi đó, đến tết nhà nhà mới được ăn những bữa ngon.

Ký ức ấy được mẹ nhắc lại khi cả nhà quây quần ngồi gói bánh chưng chiều 30 tết, con cái dâu rể đủ cả, trẻ nhỏ cũng được tham gia. Những chiếc bánh chưng qua tay con nít méo mó, nhưng mang đến tiếng cười tràn ngập vuông sân, xôn xao người bày kẻ gói, chỉ dạy, trêu đùa nhau. Đêm, bọn trẻ giành canh nồi bánh đón giao thừa, nhưng rồi đứa nào đứa nấy ngủ lê ngủ lết. Ánh Dương ngủ say trong lòng mẹ. Tôi bế con vào giường rồi trở ra ngồi bên bếp lửa hồng nghe củi khô tí tách. Đêm bình yên như bức tranh mùa xuân được vẽ từ tĩnh lặng. Tôi bỗng nhớ sao là nhớ thuở mình cũng ngủ gục lăn lóc bên nồi bánh như thế này, trong vòng tay mẹ ngày xưa.

Vĩnh cửu là những phút giây sẽ còn mãi mãi trong ký ức này đây.

… Chiều mùng Hai tôi đưa Ánh Dương trở vào Sài Gòn, để sáng mùng Ba về tết ngoại. Mẹ gói cho một túi quà gồm bánh chưng, thịt đông và các loại mứt. Bố cắt cành đào, đốt mặt cắt, bao bọc kỹ lưỡng cho tôi mang về phương Nam. Hoa đào của nội theo Ánh Dương vượt ngàn cây số về thăm bà ngoại. Con bé vẫn còn quyến luyến vuông sân với các anh, các chị và cả bạn Lulu lông xù. Bà nội ôm hôn cháu, thì thầm: “Về tết ngoại lại có hoa mai vàng ngắm nhá! Ăn ngon chóng nhớn lại về thăm nội”. Ánh Dương dạ vâng rối rít.

Nắng nghiêng qua khu vườn nhà nội, lấp lánh những vệt sáng trên gương mặt hai bà cháu. Hai nụ cười cách nhau cả cuộc đời hơn 60 năm, mà sao đều trông hồn nhiên như thơ trẻ… 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI