Truyện ngắn - Chúc mẹ hạnh phúc

14/08/2021 - 08:14

PNO - Cho đến năm 18 tuổi tôi mới biết cha mẹ mình đã ly hôn từ lâu.

Sinh nhật 18 mới diễn ra hôm qua. Người đời nói 18 là tuổi đẹp nhất. Cái bánh kem chỉ mới cắt một góc, còn lại ba phần tư khiến tủ lạnh tỏa mùi thơm ngọt, bình hoa hồng tươi thắm trên bàn. Tôi rơi vào trạng thái nửa mơ nửa thật. Mơ trong dư âm của sinh nhật đẹp đẽ - tôi đưa cha ra sân bay và vẫy tay lưu luyến qua vách kiếng. Thật là nụ cười ngậm ngùi của mẹ khi nói cho tôi biết chuyện ly hôn.

Thật sự thì việc ba tôi biền biệt xa nhà khiến tôi cũng lờ mờ đoán ra gia đình mình có gì đó không ổn, chỉ là không thể biết chính xác chuyện gì. Vậy mà tôi vẫn ngỡ ngàng khi nghe mẹ nói. Hình như sự ngỡ ngàng của tôi khiến mẹ hối hận. Mẹ hối hận vì đã nói hay vì che giấu lâu đến vậy?

Mẹ bối rối:
- Mẹ không biết mình đúng hay sai nữa. Khi con còn trẻ, mẹ nghĩ mình làm vậy là giữ cho con có được tuổi thơ yên lành nhưng bây giờ thì có vẻ như mẹ đã lừa dối con, phải không?

Nếu tôi gật đầu thì mẹ có đổ sụp xuống? Sự hy sinh của mẹ suốt chừng ấy năm dài, tiêu phí cả xuân sắc xứng đáng cho tôi ôm mẹ mà òa khóc. Nhưng, tôi không làm vậy được. Cảm giác mình bị lừa dối là rất rõ ràng. Biết sự thật khi mình bốn tuổi và biết sự thật khi mình mười tám có gì khác nhau?

Có. Mười tám tuổi, tôi chỉ nhìn mẹ trân trối. Nếu trở lại bốn tuổi, chắc là tôi sẽ khóc lóc inh ỏi, tôi bỏ cơm… và biết đâu là tôi chạy theo níu áo cha? Một đứa bé bốn tuổi có đủ sức giữ một người đàn ông lại? Chắc là không. Bởi vì trong trí nhớ của tôi, cha nhiều lần trở về thăm tôi nhưng rồi cha vẫn ra đi. 

Tôi không thể chịu đựng nổi khi nhớ lại những lần cha về thăm. Mẹ vẫn một mình thì sự đóng kịch để tôi vui tưởng đầy đủ hai bên thì tôi hiểu nhưng cha đã có vợ có con, sao cha có thể đóng kịch gia đình hạnh phúc với tôi? Thật đáng sợ. 
Tôi những muốn cắt khúc đoạn đời đó và bằm nát nó thành cát bụi…
***

Đọc sách và xem phim, thấy nhân vật bị chấn thương tinh thần rất khác người, tôi nghĩ mình đang mắc căn bệnh đó. Tôi xinh đẹp. Tôi 20 tuổi. Tôi có biệt danh Nam Châm. Tôi được di truyền từ cha khả năng đóng kịch rất giỏi. Tôi bảo vệ trái tim rỉ máu của mình bằng vẻ dửng dưng tuyệt hảo. Tôi càng dửng dưng thì bọn con trai càng bị thu hút. Vòng tròn vây quanh tôi lố nhố những công tử hào hoa. Thấy mình bị làm phiền là cảm giác rất rõ trong tôi.

Tôi 21, tôi 22, tôi 23 rồi tôi 24… Bạn bè đã có đứa gửi thiệp cưới mà tôi thì vẫn chưa biết yêu là gì. Tôi không muốn đồng nghiệp trong công ty nhìn mình kiểu khác người và tặng mình những lời đồn. Muốn được yên thì phải bình thường, nghĩa là sao cho thiên hạ nhìn thấy tôi cũng có một gã đưa đón và thỉnh thoảng rủ nhau cà phê, xem phim… Được thôi. Chỉ có điều, dù không bắt đầu bằng sự rung động thì thói quen cũng khiến tôi cảm thấy nhơ nhớ và sợ hãi. Sự sợ hãi khiến tôi yếu đuối và tôi sợ nỗi yếu đuối này. Tôi cần phải làm chủ mình. 

Hoàng rồi Tuấn rồi Liêm… Tôi tự nhủ phải chuẩn bị sẵn sàng để nếu có người thứ ba xuất hiện thì tôi không bị đau đớn. Tôi luôn hình dung giữa chúng tôi đang có một cô gái. Tôi phải làm quen với việc có một cô gái bất ngờ hiện ra hay biết đâu là cả một cô vợ và đứa con.

- Em hãy tin anh - Hoàng nói. Tuấn cũng nói vậy. Liêm cũng nói vậy.

Mà tôi không thể tin. Có những khi vừa gặp nhau, tôi bỗng cảm thấy mùi nước hoa lạ và tôi nổi giận. Không yêu sao biết ghen tuông? Tôi tự hỏi và nỗi sợ hãi lại trồi lên. Phải rời bỏ ngay để không sợ hãi và đau lòng. Người ta chỉ sợ hãi và đau lòng khi vuột mất thứ họ muốn sở hữu.
***

Thấy tôi trang điểm váy áo xúng xính nhìn là biết đi chơi với bạn trai, mẹ vui lắm. Mẹ nói lấy chồng đi con, mẹ còn khỏe mạnh bồng bế em bé giùm cho. Tôi đùa, để có em bé cho mẹ bồng bế thì đâu cần phải lấy chồng. Mẹ hoảng hồn, đừng nói bậy. Rồi khi cuối tuần, thấy tôi nằm dài đọc sách, mẹ hỏi dò sao lâu rồi không thấy thằng đó tới chơi. Tôi trả lời chia tay rồi, mẹ thở dài buồn bã. 

Tôi bực lắm. Tôi ghét cái kiểu mẹ vui theo tôi, buồn theo tôi và niềm vui nỗi buồn của tôi lại phải dính tới một gã trai khác. Chẳng lẽ mẹ không thể vui khi tôi nằm nhà đọc sách? Tại sao mẹ không thể vui khi tôi ngồi nhà xem phim? Mẹ há miệng, trố mắt trước những câu hỏi văng ra bằng giọng khó nghe của tôi, rồi mẹ nín lặng. 

Tôi ghét cái kiểu nín lặng cam chịu của mẹ. Lẽ ra mẹ nên quát nạt tôi một trận. Bà hàng xóm hay chửi mắng con và hai đứa con của bà thường chạy ra thềm cười rúc rích như thể nghe mẹ chửi là “được” chứ không phải “bị”. Tôi cũng đang muốn “được” như vậy đây. Tôi gào lên:

- Đừng bắt con phải vui cho mẹ được vui. Chẳng lẽ suốt đời con cứ phải giả vờ vui như mẹ sao?

Mẹ mở to hai mắt đến căng khóe và tôi như nhìn thấy cả hai con người tôi trong đó. Trong mắt bên phải thì tôi mặt mũi sưng sỉa, tóc tai xù ra như một kẻ điên còn trong mắt bên trái thì tôi ôm đầu thu mình lại bé hết mức có thể. Đâu là chính tôi? Tôi bỗng cảm thấy sợ mình.
***

Cũng sách và phim khuyên kẻ bị chấn thương tinh thần nên tìm tới bác sĩ tâm lý (khi còn có thể nhận ra là mình đang bị chấn thương) nếu không muốn có ngày phải vào bệnh viện tâm thần. Một nửa sự thật không phải là sự thật. Bác sĩ không thể tư vấn và chữa trị cho một nửa sự thật, huống chi tôi chỉ mới kể một phần ba, là về mẹ. 

Kể về mẹ khá dễ dàng: người phụ nữ hiền hậu dịu dàng suốt đời nhẫn nhịn vì quá yêu thương con và sống chỉ vì con.

- Có phải cô cảm thấy sự hy sinh của mẹ là một gánh nặng quá lớn không?

Ôi trời ơi, quả đúng là vậy, vị bác sĩ này nhìn thấu lòng tôi.
- Còn cha cô thì sao? Sau khi ly hôn…

Tôi nín lặng và chợt hiểu vì sao mẹ nín lặng. Không dễ kể về cha. “Sau khi ly hôn” là khi nào? Khi tôi bốn tuổi hay khi tôi mười tám? Cả hai đóng kịch gia đình hạnh phúc để làm gì? Tôi không tin cha muốn tôi có một tuổi thơ êm ấm. Đóng kịch vì chính cha, vai diễn người cha tuyệt vời. A, hay là vì mẹ vẫn một mình cho nên…? Tôi chợt nhận ra khía cạnh khác của người đàn ông sinh ra mình và thêm một lần nữa muốn băm vằm đoạn đời đó của tôi thành cát bụi. Sao mẹ chịu được?

Tôi ước gì mình có thể kể hết ra. Tôi cần được chữa trị. Tôi muốn được thanh thản để sống cuộc đời bình thường. Tôi muốn yêu và được yêu trong niềm tin cậy nhưng sao lời lẽ về cha khiến lưỡi tôi cứ líu lại như thể tôi đang nói dối, như tôi cố tìm cách vu khống và bôi nhọ…
-Được rồi - vị bác sĩ dịu dàng bất ngờ - Giờ thì kể về cô đi nào.

Hóa ra một phần ba còn lại về tôi mới là điều tệ hại nhất. “Đừng có bắt con phải vui cho mẹ được vui. Chẳng lẽ suốt đời con cứ phải giả vờ vui như mẹ sao?” - lời lẽ từ miệng tôi quay lại vang vọng bên tai cho tôi thấy rõ phiên bản tàn nhẫn của mình. Với những chàng trai, tôi thu hút rồi rời bỏ họ khi tôi muốn hoặc chán. Tôi là cô gái độc ác, ích kỷ. Chẳng có chấn thương tinh thần nào cả. Chỉ vì tôi là bản sao của cha? Di truyền?

Nhận thức bất ngờ này khiến tôi choáng váng. Không. Không, không… Xin bác sĩ hãy nói là không. 

Vị bác sĩ nheo mắt:
- Nếu cô nghĩ mình là bản sao của cha thì hãy thử thay ông ấy bù đắp cho mẹ. Và hãy xin lỗi những người mà cô làm họ tổn thương. Biết đâu nhờ vậy mà cô sẽ tự tha thứ được cho mình.
***

Tôi điện thoại cho Hoàng. Anh báo tin có người yêu mới bằng giọng hả hê như thể anh chỉ chờ cuộc gọi này để cho tôi nếm mùi bẽ bàng của kẻ bị ruồng bỏ. Cuộc điện thoại khiến tôi nản lòng. Nếu Tuấn và Liêm cũng nghĩ rằng tôi nuối tiếc và muốn quay lại thì chẳng ra làm sao, có khi là tôi lại làm rối đời họ thêm lần nữa. Thôi thì bù đắp cho mẹ vậy. Phần tôi thì mặc kệ. Xét cho cùng, chỉ cần mẹ vui là tôi có thể tự tha thứ cho mình. 

Tôi xin nghỉ phép và đăng ký một tour du lịch biển. Tôi bí mật lấy bộ áo quần của mẹ mà tôi thấy đẹp nhất, đo đạc một hồi thấy số đo của mẹ chừng size M. Size này thì dễ mua đồ, chỉ khó ở khâu chọn màu. Mà không sao, cát trắng biển xanh thì váy áo màu mè chụp hình mới đẹp. Đồ bơi nữa chứ. Dáng mẹ còn thon thả lắm. Tôi sẽ giành khâu chuẩn bị hành lý cho chuyến đi đặc biệt này.

Hai mẹ con sẽ có một tuần vui chơi thỏa thích với sóng biển và hàng dương rì rào trong gió. Rồi sau đó? Ờ thì những chuyến du lịch thường là cơ hội cho những mối tình. Tôi sẽ chọn một chàng trai dễ thương đem về nhà cho mẹ yên lòng.

À, trước tiên là tôi ra điều kiện bắt rể, không để mẹ phải sống một mình. Rồi thì chúng tôi sẽ siêng năng vô bếp với mẹ, chúng tôi sẽ cùng mẹ rủ rỉ trò chuyện hành tiêu tỏi ớt món này ngon quá, món kia mới đúng là… Chúng tôi sẽ xuýt xoa hít hà tất cả những món mẹ nấu. Rồi sao nữa? À, cháu ngoại kháu khỉnh. Ông bà mình nói tình yêu đến sau hôn nhân mới là tình bền lâu. Biết đâu… Tôi hy vọng vậy. Tôi sẽ đem lại một gia đình hạnh phúc đúng như mẹ mong đợi.
Bắt đầu từ biển khơi nào! Tôi sẽ quăng nỗi đớn đau cho những con sóng mang đi thật xa và nhờ sóng tạt vào bờ cho tôi một hoàng tử thật dễ thương.
***

Khách sạn nằm sát biển nên tôi và mẹ đi chân trần xuống sảnh. Lúc mở va-li đồ, mẹ la lên sao cái nào cũng màu mè rực rỡ quá vậy, lại khoét cổ quá sâu… Tôi cười to, mẹ phải mặc thôi vì không có bộ nào khác đâu. Mẹ thở phù, may mà ở đây không ai biết ai. Không ai biết ai mà mẹ vẫn phủ kín cái khăn từ trên vai xuống tận đầu gối, nhìn như cô bé 16 lần đầu trốn nhà đi chơi.

Khách sạn nằm sát biển nên tôi kéo mẹ chạy chân trần xuống sảnh. Trong làn gió sớm mơn man và màu biển xanh bất tận, chưa nhúng người xuống nước mà tôi đã thấy mình bồng bềnh giữa mênh mông. Hãy tận hưởng nỗi bồng bềnh đi. Mẹ có nghe con nói gì không?

- Chị và cháu nên mang dép. Cuối tuần đông khách bày ra ăn uống trên bãi, đội vệ sinh dọn dẹp có thể còn bị sót.

Giọng ông quản lý ân cần. Là bổn phận phải quan tâm đến khách trọ hay là phân bua cho bãi biển tuyệt vời bị vấy bẩn bởi những kẻ thô thiển không biết nâng niu cái đẹp? Tôi dợm chân định chạy ngược lên phòng để lấy dép thì như một trò ảo thuật, người đàn ông dáng cao lớn ấy đưa ra hai đôi dép xốp màu xanh. Tay này ông chìa đôi dép cho tôi còn tay kia ông cúi người đặt đôi dép xuống ngay trước những ngón chân của mẹ.

Trong phút giây, tim tôi đập mạnh vài nhịp. Chưa bao giờ… Tôi vận hết sức để gom cát bụi lại. Tôi gom từng mảnh nỗi nhớ khiến tôi đau đớn… Những khi cha về thăm, những khoảnh khắc hạnh phúc cho dù là giả… tôi chưa từng thấy mẹ được cha chăm sóc. Tôi nhìn những ngón chân mẹ bối rối xỏ vào quai dép rồi tôi nhìn ông quản lý, bổn phận phải quan tâm đến khách trọ hay là…

Chẳng lẽ ông chuẩn bị sẵn hàng trăm đôi dép cho khách trọ ngay tại cổng? Chẳng lẽ với ai ông cũng cúi xuống ân cần đặt đôi dép ngay trước những ngón chân? Ồ… Có thể có tiếng sét khi người ta đã ở ngưỡng 50?

Dâng trào trong lòng tôi muôn vàn cảm xúc khó gọi tên. Làm như vừa nhìn thấy người quen đi ngang qua, tôi vẫy tay rối rít với màu áo xanh và la to “Ê ê ê Ngọc ơi…” và một mình chạy nhanh ra biển.
***
Tôi cầu mong sóng tạt vào bờ cho tôi một chàng dễ thương để mẹ được vui, ông trời đáp lại cầu mong của tôi theo một cách khác có lý hơn.

Chúc mẹ hạnh phúc. 

Nguyên Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI