Truyện ngắn: Hoa Hồng

12/08/2021 - 18:57

PNO - Hai lớp khẩu trang giữa Sài Gòn nắng nóng xấp xỉ 40 độ C, tôi bước vào xếp hàng để lên thang máy. Bệnh viện những ngày đại dịch COVID-19 hoành hành trở nên vắng lặng, co quánh trong âu lo và bất an.

Nhìn các nhân viên y tế gói kín mình trong những bộ đồ bảo hộ với khẩu trang, tấm chắn, găng tay ngồi ngoài cổng làm nhiệm vụ sàng lọc, tôi thật sự không dám nghĩ nhiều về sự bất tiện, ngột ngạt, vất vả của họ.

Bệnh viện thật tình là nơi không ai muốn đến, nhất là khi phải nuôi người thân điều trị nội trú. Lần nào cũng như lần nào, tôi tưởng mình như thể một ly sữa bị ai đó cắm cái ống khổng lồ xuyên vào, hút thật mạnh. Cạn cùng sức lực! Đứng lâu như thế này, chỉ sợ cơn xây xẩm mấy hôm nay lại kéo đến.

Ảnh mang tính minh họa SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa SHUTTERSTOCK

Có những thời khắc tôi không cho phép mình yếu đuối. Bởi lẽ, chỉ cần ngã xuống thôi là biết mình không thể đứng dậy được nữa. Vậy nên, có không ăn được, không uống được, thi thoảng thấy một vùng phía trước tối sầm chao đảo, tôi vẫn luôn tự trấn an rằng mình không sao.

Hàng chờ dài loằng ngoằng. Vài người ngọ nguậy đôi chân như muốn vẽ một hình thù nào đó trong cái ô vuông nho nhỏ. Những bàn chân con người có ai và bao giờ muốn nằm im trong một giới hạn? Có khi nào, dù trong trí tưởng tượng, ta thấy người với người chỉ còn giao tiếp qua ánh mắt? Có khi nào, dù trong ý nghĩ, ta đến nơi công cộng phải đứng vào những ô kẻ sẵn, cách xa nhau? Một cái ôm, một cái nắm tay, một cái vỗ vai đôi khi biến người lạ thành người quen, biến sơ thành thân giờ trở nên xa vời.

Người bảo vệ đứng yên bên kia góc tường như thể đã đứng đó hàng trăm năm, chỉ có đôi tay nhấc lên hạ xuống miệt mài, cần mẫn. Tôi cố nhìn anh, dù không rõ mặt, bằng ánh mắt thật thân thiện. Những ngày như thế này, ai cũng chỉ muốn tìm sự thân thiện hay chí ít cũng cố đem đến sự thân thiện với xung quanh.

Phòng bệnh im ắng. Cái yên ắng ngày thường trong thành phố nhiều tiếng ồn này ai nấy đều thèm muốn. Vậy mà hôm nay, khi sự lặng im bao bọc quanh mình, tôi lại nghe có cái gì đó lửng lơ, đầy ứ, bám chặt lấy không thôi, cơ chừng ngạt thở. Từng giọt, từng giọt nước tròn trịa nhỏ xuống từ những cái chai treo ngược, lủng lẳng trên đầu giường bệnh.

Thật tình mà nói, có nhiều thứ trên đời mình không hề muốn nhưng bằng cách này hay cách khác, sớm hay muộn gì nó cũng đến, không tránh khỏi. Bệnh tật là một trong những thứ đó.

Chỉ cần có một lần nào thở mà cũng khó khăn, di chuyển đôi chân cũng trào nước mắt, ắt hẳn mình sẽ nhận ra mỗi sớm mai thức dậy, có thể bước xuống giường, thay quần áo, hòa vào dòng người hối hả trên phố, dẫu có nắng nóng, có mưa to hay nhiều cơ cực khó khăn, liệu còn nghĩa lý gì.

Tôi ngồi nhìn ba nằm thiêm thiếp. Mới mấy hôm trước, ông còn áo thun màu xanh lá, quần kaki trắng, nón lưỡi trai, giày sneaker cũng trắng, tủm tỉm cười ra chiều thích thú khi bà cô bán bún, bán trái cây khen phong độ, đẹp lão. Khoác lên người chiếc áo bệnh nhân, qua một cuộc phẫu thuật, ba tựa như trái cà chua chần qua nước sôi nhăn nhúm, héo rũ trong giấc ngủ chập chờn.

Có nhiều thứ trong đời này đến nhanh hơn mình tưởng rất nhiều. Nhanh đến nỗi bàng hoàng. Vòng tuần hoàn sinh lão có ai mà không biết, không chuẩn bị sẵn cho hành trình đời mình và những người thân yêu. Vậy nhưng đối mặt với nó lại là một chuyện rất khác. Nặng nhẹ có thể tùy từng người, từng hoàn cảnh, chỉ biết đi qua được, thì vạn sự xung quanh trở nên nhẹ tênh. Những buồn vui sân hận phút chốc cũng trở nên chẳng còn đáng kể.

Không dưng tôi lại nhớ đến những dòng trong sách hay trên Facebook mình đã từng lướt qua thờ ơ như khách lạ, giờ bỗng nghe thân thiết tựa tri kỷ: trưởng thành nghĩa là mất mát và cô đơn.
- Ba làm con gái cực quá!

Tiếng ba bất chợt tuôn ra, lẫn vào tiếng thở nặng nhọc, tiếng ngáy khọt khẹt hệt cuộn băng đã cũ của những bệnh nhân chung phòng. Khi nghe mấy tiếng đều đều không âm sắc ấy, tôi biết ba nói mê.

Lẽ nào những lời trong cơn mê man hay say khướt là những lời người ta đau đáu nghĩ, ôm rịt trong lòng vì nỗi e ngại, lo sợ hay sự tự tôn… để rồi trong những lúc không tỉnh táo do men rượu hay yếu ớt thế này, chúng sẽ trào ra không thể giữ? Tôi chỉ thấy ba cười sang sảng mỗi khi được mấy chị em tôi nhắc nhở uống thuốc.

Tôi chỉ thấy ba lặp đi lặp lại: “Ba bệnh là bắt mấy đứa con gái nuôi cho biết mặt”. Tôi chưa từng nghe thấy người đàn ông duy nhất trong nhà mình nói những lời thế này.

Tôi để tay mình lên lưng ba xoa nhè nhẹ. Tấm lưng cong cong, làn da khô khốc tựa một miếng mo cau trong trò chơi ngày nhỏ ở quê. Không dưng trí nhớ đưa tôi về những đêm đứa con trai nhỏ của mình sốt cao rên rỉ như con cún con lạc mẹ. Suốt đêm, bàn tay tôi không rời lưng con. Suốt đêm, tôi chỉ ước gì có thể sốt thay con. Giờ cũng vậy, tự nhiên tôi mong có phép màu nào đó để nỗi lo lắng, sợ hãi yếu ớt của tuổi già trước bệnh tật của ba có thể chuyển qua mình. Người ta già đến một lúc nào đó cũng như một đứa trẻ thôi, âu lo sợ sệt và muốn được vỗ về. 
- Ba làm khổ con cháu quá!

Âm thanh vang lên lần nữa. Xô lệch. Tiếng được tiếng mất rơi ra, lăn thẳng vào tim tôi đau nhói. Mắt ba vẫn nhắm nghiền. Bàn tay không có ống tiêm đưa lên rồi buông thõng tựa như một nỗi bất lực. Qua hai tròng mắt kính phút chốc nhòe đi, hình như tôi thấy có một giọt lóng lánh không chảy, đọng lại nơi hốc mắt sâu hoắm của ba.

Chợt hình dung một ngày nào đó, thi thoảng mấy chị em, con cháu chúng tôi trở về nhà mà tiếng gọi “Mẹ ơi”, “Ba ơi”, “Ông ơi”… không biết hướng vào đâu. Chỉ hình dung thôi mà tôi vẫn nghe bên thềm ngực trái mình có cái gì đó rất nhẹ nứt ra và cảm giác kiệt sức lại chực lôi mình vào một vùng thẳm sâu đen tối.

Tôi ước gì ba có thể thật sự cảm thấy nhẹ nhàng, có thể nằm duỗi chân thẳng lưng ra, không phải co rúm trong cảm giác nặng lòng rằng mình làm phiền con phiền cháu. Người già luôn bị ám ảnh mình là gánh nặng. Tôi ngồi với ba như thế này suốt đêm hay nhiều đêm nữa thì đã là gì so với những đêm của ngày xưa - năm chị em chúng tôi thay nhau sốt phát ban, thay nhau cảm khi miếng ăn còn phải vất vả ngược xuôi, ba mẹ tôi đôi chân cả ngày không bén gót.

-Ba em thương con gái hén.
- Dạ, ba ai cũng vậy mà chị.
- Lâu lắm rồi chị không nghe ba chị nói những câu như vậy. Nghe bác nói trong cơn mê mà bên đây chị muốn khóc.

Tiếng người đàn bà giường bên như nghèn nghẹn. Mấy hôm nay dù chung phòng, chạm mặt nhưng thời buổi dịch bệnh ngại giao tiếp, tôi chỉ nhìn chị cũng như mọi người, không nói điều gì. Vả lại, khi nỗi lo lắng cũng như nỗi buồn của bản thân đủ lớn, nó sẽ khiến mình tự chui vào một căn phòng và khóa trái cửa lại, không muốn tiếp xúc hay chia sẻ gì với ai.

Trong những ngày ngồi đếm thời gian rơi qua từng giọt nước trong ống truyền thế này, tôi lại một lần nữa hiểu sâu hơn điều mình đã từng nghe từng biết - muốn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ bất kỳ ai, mình phải ổn trước đã. Không có thứ ánh sáng nào được nhìn thấy khi bản thân không muốn hay không thể nhìn thấy.

-Ba chị bị Alzheimer - tiếng chị nặng nhọc.
- Vậy hả chị? Hôm qua nay em tưởng ông mổ đại tràng như những bệnh nhân khác ở đây.
- Ừ, mổ. Nhưng ông bị Alzheimer nhiều năm rồi. Ba chị không còn nhận ra ai. Cách đây vài năm, lâu lâu ông còn nhớ ra chị được giây lát. Tầm hai năm trở lại đây, ông sống như một đứa trẻ.
- Chắc chị cực lắm!
- Chị cũng không biết nữa.

Ráng chiều ngoài cửa sổ mới lúc nãy là một dải màu cam loang cả một góc trời, giờ tối thẫm. Giọng chị như vang lên từ một nơi nào đó rồi chìm vào khoảng không vắng lặng. Chị im lặng như đuổi theo những suy nghĩ riêng tư.

Tôi cũng im lặng và tự hỏi không biết mình có lỡ lời chạm vào điều gì khiến chị đau lòng. Con người ta có những thời khắc nhạy cảm hệt như miếng vải đã có một sợi chỉ bung ra, chỉ cần cầm giật nhẹ, toàn bộ hình khối đã từng thêu dệt, may vá cẩn thận có thể bung bét, nát tan chỉ còn là một mớ chỉ loằng ngoằng phù nề và biến dạng. Nhưng khi nhìn nét mặt bình thản của chị và cử chỉ nhẹ nhàng kéo tấm mền đắp kín bàn chân ông, tôi an tâm.
- Mẹ chị mất lâu rồi. Nhà có bốn anh chị em tất cả.

Em thấy những dãy số trên tay ông không. Lúc ông còn đi lại được nhiều, cứ quên ngó là ông đi mất, rồi không biết đường về nhà. Bọn chị phải xăm số điện thoại trên tay ông để ai đó thấy thì đưa về giùm. Dần dần ông không còn nhớ mình ăn cơm hay tắm chưa; không biết được ngày hay đêm, mưa hay nắng.

Thậm chí té ngã gãy cả một bên xương sườn ông cũng không nhớ. Con cái chị lớn cả, chị lại có một mình và chắc chị hợp với ông… Có nhiều lần, chị thấy ông ngồi im như suy nghĩ gì nên hỏi: “Ba nhớ con không? Đi uống cà phê với con không?”. Ông lắc đầu: “Tui ngồi đợi con Hai, nó dặn ngồi đợi. Cô là ai?”.
- Dạ, chắc chị đau lắm?
- Chị khóc nấc lên như ai đó cướp mất ba của mình rồi. Dần dần cũng quen…

Tôi kéo chiếc áo khoác có cái mũ trùm đầu che kín hết đôi mắt. Trong giấc ngủ chập chờn, mấy tiếng “dần dần cũng quen” trở đi trở lại như một thứ âm thanh dội vào cái hang sâu hun hút.

Tinh sương. Những tiếng thở nặng nhọc vẫn đều đều vang khắp phòng. Từ trên cao, nhìn rất rõ mặt trời mang ngày mới đến bằng một vùng ánh sáng rực rỡ ở đằng đông. Ngày nào cũng một hành trình đi về như thế. Vậy mà trong những căn phòng kín, vùi giấc ngủ nhàu nhĩ trễ nải hoặc chăm chăm lo trễ giờ làm, mấy khi tôi ngồi im nhìn vầng dương từ hồng hồng mơ hồ cho đến khi chuyển thành màu cam vàng rực rỡ.

Tôi kéo rèm, nhẹ tay đẩy cửa sổ lên. Căn phòng nào cũng cần không khí, thứ không khí khỏe khoắn ngoài kia. Phòng bệnh và những người bệnh cần hơn bao giờ hết. Tôi giật mình. Nép bên gờ cửa sổ của giường bên cạnh là một bông hồng màu đỏ, được cắm vừa vặn lên chiếc lọ thủy tinh be bé vốn dùng đựng nước yến. Hoa hồng có mặt ở đây lúc nào nhỉ?
- Ôi, một bông hồng hả chị?
- Từ hôm qua rồi. Chị để trên đầu tủ, chắc em không thấy. Mẹ chị luôn hái những bông hoa hồng do chính tay ba chị trồng, để nơi ông ngồi chấm bài hay đọc sách lúc bà còn sống. Giờ hình như mỗi lần nhìn thấy chúng, chị có cảm giác trí nhớ như ánh sao, chợt lóe sáng thật nhanh qua vẻ mặt của ông. Thường sau đó ba chị sẽ ăn uống, ngủ nghỉ rất ngoan nên chị hay mua hoa hồng về nhà. Để đây cũng vui ha em.
- Dạ, chắc hoa hồng là kỷ niệm hay điều gì đó từng rất vui trong quá khứ của ông.
- Là vì mẹ chị rất thích hoa hồng.

Qua lớp khẩu trang, dường như mắt chị đang cười. Ánh nắng tràn vào phòng, đóa hồng như sáng lên lấp lánh. Tôi nghĩ với những người thật tâm yêu thương nhau sẽ không bao giờ có ranh giới của kẻ mạnh kẻ yếu, không có ai là gánh nặng cho ai. Cuộc đời thật tuyệt diệu khi có những sự hiện hữu, chỉ cần hiện hữu thôi đã là vô giá. Sự có mặt của cha mẹ trong một gia đình là như thế.

Tiếng chị khe khẽ, thì thầm điều gì đó nhẹ như tiếng ru, khe khẽ xoa lên bàn tay đầy kim tiêm của người cha yếu ớt như con cua lột sau cuộc phẫu thuật. Trong không gian yên ắng, tiếng máy lạnh rì rì, tôi như nghe rõ xung quanh mình nhịp đập ấm áp của nhiều trái tim.

Nghe như những hạt giống lạc quan, đẹp đẽ đã được rất nhiều người kiên trì gieo để chờ ngày gặt. Gieo yêu thương sẽ gặt hạnh phúc. Tôi nhìn bình minh xuyên qua khung cửa kính. Đằng đông sáng lòa. Một ngày mới đang lên. 

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI