Trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM: Hiệu trưởng muốn đuổi ai thì đuổi?

12/09/2016 - 06:29

PNO - “Tôi vừa bị nhà trường sa thải. buồn quá!”, ông Dương Văn Xa, nhân viên bảo vệ trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM gọi điện cho chúng tôi.

“Tôi vừa bị nhà trường sa thải. buồn quá!”, ông Dương Văn Xa, nhân viên bảo vệ trường THCS Tân Tạo, Q.Bình Tân, TP.HCM gọi điện cho chúng tôi. Trong góc quán cà phê sân vườn xinh đẹp, cà phê thơm ngon, mặt ông Xa cứ méo xệch đi, bởi bao khó khăn đang chờ ông phía trước.

Đuổi nhân viên bất chấp luật pháp

Ngày 31/8 vừa qua, lấy cớ hết hạn hợp đồng làm việc (HĐLV), Trường THCS Tân Tạo đã cho ông Dương Văn Xa nghỉ việc. Vì sao ông rơi vào tình cảnh này, trong khi còn gần 5 năm nữa, ông sẽ nghỉ hưu theo quy định?

Tháng 9/2009, ông Dương Văn Xa ký HĐLV, vào làm bảo vệ cho trường THCS Tân Tạo thời hạn một năm. Sau đó, cứ mỗi năm, nhà trường tái ký HĐLV với ông. Tính đến tháng Chín năm ngoái, hai bên đã ký với nhau bảy bản HĐLV với thỏa thuận: ngoài lương (1,2 triệu đồng/ tháng vào năm 2009 và 2,5 triệu đồng/tháng vào năm 2013), ông Xa không được hưởng bất cứ chế độ gì; ngay cả bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), nhà trường cũng không đóng cho ông.

Sau sáu năm làm việc và chịu nhiều thiệt thòi, tháng 8/2014, ông Xa làm đơn xin vào biên chế và yêu cầu nhà trường đóng BHXH, BHYT cho ông; thực hiện việc trả lương theo hệ số, tăng lương theo niên hạn, các chế độ phúc lợi và truy trả khoản chênh lệch. Đòi hỏi của ông Xa là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật, nhưng trường THCS Tân Tạo không chấp nhận yêu cầu của ông, trừ việc truy đóng BHXH với điều kiện ông phải ký lại các HĐLV theo yêu cầu của nhà trường.

Truong THCS Tan Tao, Q.Binh Tan, TP.HCM: Hieu truong muon duoi ai thi duoi?
Ông Dương Văn Xa

Ngoài ra, nhà trường và Phòng Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) quận Bình Tân cũng gợi ý ông Xa chuyển sang làm việc ở trường khác và sẽ “ưu tiên” tuyển dụng. Tuy nhiên, ông Xa không đồng ý. Trước đó, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo, ông Nguyễn Thanh Liêm, cũng đã ký một quyết định sa thải đầy nghi vấn đối với ông Nguyễn Thanh Hải - nhân viên kế toán, người đã phát hiện nhiều sai phạm của ông Liêm.

Diễn tiến sự việc như sau: ngày 24/8/2013, Phòng GD- ĐT quận Bình Tân có giấy giới thiệu ông Nguyễn Thanh Hải “là nhân viên kế toán mới được tuyển dụng, mã số 06.031, loại A1, bậc 1, hệ số 2.34 (85%) đến nhận công tác tại trường THCS Tân Tạo”. Giấy giới thiệu cũng yêu cầu “Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo ký năm bản HĐLV gửi về Phòng GD-ĐT để tổng hợp trình UBND và Phòng Nội vụ quận ký duyệt HĐLV theo quy định”. Ngày 26/8/2013, Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Liêm ký HĐLV lần đầu có thời hạn 12 tháng với ông Hải, nêu rõ: ông Hải “thử việc của ngạch 06.031, bậc 1, hệ số lương 2.34 (85%), phụ cấp chức vụ 0.2”.

Đến 31/8/2014, HĐLV hết hạn, hai bên không có ý kiến gì, ông Hải tiếp tục làm việc. Đến ngày 29/11/2014, ông Hải được Phòng GD-ĐT và nhà trường yêu cầu tham dự kỳ thi tuyển viên chức và không đạt. Viện cớ này, ngày 12/5/2015, ông Nguyễn Thanh Liêm ký quyết định “chấm dứt HĐLV” với ông Hải. Việc làm này cũng được Phòng GD-ĐT và Phòng Nội vụ quận thông qua.

Tuy nhiên, đến ngày 21/8/2015, sau hơn ba tháng ra quyết định nói trên, ông Liêm lại ký quyết định thu hồi quyết định “chấm dứt HĐLV”, nhưng không khôi phục công việc và những quyền lợi hợp pháp của ông Hải.

Truong THCS Tan Tao, Q.Binh Tan, TP.HCM: Hieu truong muon duoi ai thi duoi?
Ông Nguyễn Thanh Hải

Luật sư Hồ Nguyên Lễ - một chuyên gia về quan hệ lao động phân tích: “Trường THCS Tân Tạo là đơn vị thuộc nhóm hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp, nên theo Nghị định 68/2000/NĐ-CP, được thực hiện chế độ hợp đồng lao động (HĐLĐ) một số loại công việc, trong đó có bảo vệ. Cho nên trường ký với ông Dương Văn Xa bảy HĐLV và không tham gia BHXH, BHYT cho ông là trái luật.

Theo luật sư Lễ, ông Xa đã có hơn bảy năm làm việc thì mặc nhiên HĐLV của ông ký với Trường Tân Tạo là HĐLĐ không xác định thời hạn. Trường Tân Tạo và cả ông Xa phải truy nộp số tiền BHXH, BHYT và BH tai nạn đối với thời gian chưa đóng để đảm bảo quyền lợi liên tục của người lao động theo khoản 1 và 4 điều 26 Nghị định 95/2013/ NĐ-CP. Ngoài ra, mức lương hàng tháng mà nhà trường trả cho ông Xa “ổn định” trong nhiều năm là chưa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vì mức lương tối thiểu mỗi năm đều tăng, đồng thời người lao động làm việc cũng được tăng hệ số lương hàng năm hoặc định kỳ.

Về trường hợp ông Nguyễn Thanh Hải, theo luật sư Đặng Thành Trí, Trưởng văn phòng luật sư Đặng Thành Trí, những thông tin trên đủ chứng minh ông Hải đã là viên chức, vì theo điều 2 Luật Viên chức thì “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ HĐLV, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Luật sư Trí cho rằng: “Sau khi hết thời gian tập sự, theo quy định, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập sẽ đánh giá phẩm chất, đạo đức và kết quả công việc của người tập sự. Nếu đạt yêu cầu thì quyết định hoặc làm văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền quản lý viên chức ra quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Nếu không đạt thì chấm dứt HĐLV. Hiệu trưởng Trường THCS Tân Tạo không thực hiện việc đánh giá và đề xuất mà còn buộc ông Hải đi thi viên chức là không đúng quy định”.

Vì sao lãnh đạo “làm ngơ”?

Ông Nguyễn Thanh Hải và ông Dương Văn Xa bất đắc dĩ phải khiếu nại đến nhiều cơ quan chức năng của quận Bình Tân. Cũng cần lưu ý, ông Hải tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại trường ĐH Kinh tế TP.HCM, có chứng chỉ kế toán trưởng, chứng chỉ ứng dụng kế toán iMax 9.0 và là người giỏi chuyên môn, có lối sống ngay thẳng. Mẹ ông Hải là nhà giáo về hưu, cha ông là thương binh.

Tương tự, cha ông Dương Văn Xa là liệt sĩ và bà nội là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, có ba con trai hy sinh cho cách mạng. Đáng tiếc là UBND quận và các phòng chức năng đã không có quan điểm độc lập trước vụ việc mà chỉ nghe báo cáo của trường, của Phòng GD-ĐT, khiến ông Xa và ông Hải phải chịu nhiều thiệt thòi.

Về phía ông Nguyễn Thanh Liêm, cũng cần phải nhắc lại rằng, ông này đã mắc rất nhiều sai phạm trong quá trình quản lý và lãnh đạo nhà trường như: khai khống việc dạy học để hưởng 30% phụ cấp ưu đãi của Nhà nước suốt bảy năm liền với số tiền lên đến 112 triệu đồng; để mất 286 triệu đồng tiền công quỹ, mất hàng loạt máy vi tính có giá trị lớn; đặc biệt là để thất lạc (?) hồ sơ chứng từ kế toán trong tám tháng năm 2013 và để cho kế toán “vô tư” rời nhiệm sở...

Ngoài ra, trong thời gian này, ông Liêm còn bị tố hưởng phụ cấp thâm niên không đúng, khuất tất trong tiền nong, vun vén cá nhân và lợi ích nhóm trong việc chia chác các khoản tiền bán trú, buổi hai, tiền tăng cường tiếng Anh, trù dập nữ giáo viên đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Lạ thay, Phòng GD-ĐT và UBND quận Bình Tân dường như vẫn không can thiệp, buộc ông Liêm phải làm đúng luật nhằm bảo vệ những người lao động lương thiện, mà tiếp tục dung dưỡng sai trái.

Minh Nhật

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI