Phương án thi THPT Quốc gia 2017: "Học sinh sẽ thành "thánh casio" để đối phó với đề thi Toán"

11/09/2016 - 07:42

PNO - Đó chỉ là một trong số những quan điểm của các thầy cô đưa ra về những bất cập của dự thảo THPT Quốc gia 2017.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa có cuộc tọa đàm để lý giải về những thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017. Theo đó, kỳ thi THPT Quốc gia 2017 vẫn được sử dụng cho 2 mục đích: Dùng để xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Dự kiến, học sinh hệ THPT sẽ phải thi 3 môn bắt buộc: Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ. Hai bài thi tự chọn là bài thi Khoa học tự nhiên (gồm: Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (gồm: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Ngoài bài thi Ngữ văn, các bài thi khác đều theo phương thức trắc nghiệm. Cụ thể, đề thi trắc nghiệm môn Toán sẽ gồm 50 câu, các bài trắc nghiệm còn lại sẽ có 60 câu. Thí sinh làm bài thi trên giấy, mỗi thí sinh sẽ có một mã đề riêng, hạn chế tối đa trùng đề trong cùng một phòng thi.

Thời gian làm bài thi Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là 90 phút, bài thi Ngữ văn làm trong 120 phút và Ngoại ngữ là 60 phút.

Ngay lập tức dự thảo "Phương án THPT Quốc gia 2017" này đã "vấp" phải phản ứng dữ dội của các thầy cô giáo THPT. "Tại sao có thể thi như thế?" là câu hỏi được đặt ra và chưa nhận lời giải đáp thỏa đáng của các thầy cô giáo từng bộ môn.

Nói về những bất cập của phương án thi năm nay, những người trong cuộc lần lượt bày tỏ quan điểm.

Môn Tiếng Anh sẽ còn lại duy nhất kỹ năng "Đọc"?

Là một giáo viên dạy Tiếng Anh THPT lâu năm, cô giáo Đỗ Thị Luân (TP.HCM) bức xúc chia sẻ: "Đề thi - xét về bản chất nó không chỉ giúp người ta đánh giá năng lực, trình độ bản thân mà quan trọng hơn là giúp định hướng học sinh về những thứ nên học và không nên học. Từ nhìn nhận trên, nếu Bộ thực hiện phương án thi này thì tôi thực sự thấy chưa ổn.

Phuong an thi THPT Quoc gia 2017:
Ảnh minh họa.

Trước đây, thi môn tiếng Anh thường có 2 kỹ năng: Đọc và Viết. Trong khi đó, 2 kỹ năng còn lại là Nghe và Nói dường như chưa bao giờ được đưa vào đề thi. Điều này cũng một phần định hướng không nhỏ việc học Tiếng Anh của học sinh.

Thế nhưng, đến năm 2017, Bộ lại quyết định thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh hoàn toàn, và thế là kỹ năng Viết "bỗng nhiên" không còn nữa. Đề thi chỉ còn lại kỹ năng Đọc? Đây là điều tôi không thể hiểu nổi. Và tôi bắt đầu thấy lo lắng hơn rất nhiều, liệu rằng học sinh của chúng ta sẽ học Tiếng Anh kiểu gì trong những năm tới đây nếu kỳ thi này không được sửa đổi", cô Luân nói đặt câu hỏi.

 Luyện thành các "thánh casio" để đối phó với đề thi Toán

Chưa dừng lại ở môn tiếng Anh, một giáo viên dạy Toán (đề nghị giấu tên) đã đưa ra hàng loạt những điểm chưa được của Phương án thi THPT Quốc gia 2017 trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc Bộ dự kiến thi trắc nghiệm môn Toán - vốn dĩ là môn đòi hỏi khả năng tư duy và lập luận cao.

"Ngay bản thân việc gộp môn để thi rồi lại tách ra để xét tuyển là đã thấy lôm côm rồi, tư tưởng không nhất quán. Đây là Bộ giảm tải cho duy nhất bộ phận coi thi, chứ không hề giảm tải cho giáo viên và học sinh.

Và hiệu quả đánh giá năng lực học sinh sẽ khó đạt được. Bạn hình dung nhé, để tuyển 1 kĩ sư chẳng hạn, tư duy vật lý và kiến thức vật lý là cần thiết, thế nhưng thay 1 bài thi tự luận 180 phút bằng 20 câu trắc nghiệm trong 30 phút có tính hên xui thì hiệu quả sẽ mất nhiều.

Hơn nữa, việc tổ chức 2 kì thi khác nhau, rất nhiều chuyên gia đã nói rồi. Bây giờ Bộ thi 2 trong 1 nhưng cho các trường tự do thi tuyển xét tuyển, thì nó chỉ mang ý nghĩa tốt nghiệp thôi. Gộp 2 kì thi thành một kì thi mang tầm quốc gia, cuối cùng làm mất cái kì thi quan trọng là Đại học, còn lại cái ý nghĩa nhỏ và ít quan trọng hơn là tốt nghiệp!

Cuối cùng là trắc nghiệm môn Toán, sau khi xuất hiện bản dự thảo, học sinh hoang mang, thầy cô thì nháo nhác tìm tài liệu, chuẩn bị luyện học sinh thành các "thánh casio" để đối phó với đề thi. Dường như, vứt hết cái tư duy và lập luận khoa học của môn Toán đi. Mục đích của môn toán trở thành tầm thường và nhỏ nhoi... Đây là điều vô cùng đáng buồn", thầy giáo dạy Toán bình luận.

"Thi Đại học thì thui chột hết tài năng!"

Bày tỏ thái độ dứt khoát, một cách rõ ràng, cô Nguyễn Minh Hải (giáo viên dạy Sử, trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc, Vĩnh Phúc) đưa ra ý kiến: "Tôi phản đối dự thảo Phương án thi THPT Quốc gia 2017".

Theo đó, cô Hải đưa ra lập luận: "Thứ nhất, trong vấn đề thi cử phải có một kế hoạch dài hạn, không thể đưa ra lập tức bắt các con thi ngay bây giờ, điều này nó thể hiện tính chất không khác gì "chộp giật" cả.

Thứ hai, là vấn đề các môn thi, nếu như môn xã hội như Sử, Địa, GD-CD thì không khác gì môn công tổ cả, các nhà khoa học đã đấu tranh phản đối tích hợp trước đó để nó đứng riêng rẽ làm đúng vai trò của nó.

Thứ ba, nếu thi như thế này, tổ hợp tất cả trong đề thi tốt nghiệp thì được chứ nếu thi Đại học mà trộn hết thế này vào tôi sợ rằng thui chột đi rất nhiều tài năng: Những môn tự nhiên không thể phát huy được và kể cả môn xã hội cũng vậy, ví dụ môn Lịch sử không phải là môn học thuộc, phải viết và tư duy.

Cô Minh Hải đưa ra kiến nghị: "Thứ nhất, không thể thực hiện được trong năm nay, Bộ phải đưa ra một kế hoạch dài hạn. Thứ hai, nếu tách ra trong đề thi tốt nghiệp thì được, còn đại học thì không.

Thứ ba, đã tổ chức thi như thế này nếu Bộ còn tổ chức kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia thì nên chăng tất cả các học sinh đạt giải thì "tuyển thẳng" tùy theo trường lựa chọn chứ không cần thi tốt nghiệp hay đại học nữa. Vì các em đã rất khổ tập trung vào đội tuyển Quốc gia mà lại thi theo kiểu nhỏ thế này thì mất đi rất nhiều tài năng", cô Hải nhấn mạnh.

Lam Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI