Trúng số 7 tỉ đồng vẫn trắng tay, trốn nợ

24/08/2023 - 17:20

PNO - Câu chuyện của vợ chồng chị Đỗ Thị Hoa và anh Trần Thanh Tuấn(*) - ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM - nổi tiếng khắp xóm và họ hàng. Lúc đầu, họ nổi tiếng vì… trúng số, nhưng sau đó là vì… tốc độ bán nhà, từ cầm tiền tỉ thành tứ cố vô thân.

Tấm vé định mệnh

Họ biết nhau năm 2000, qua một cuộc mai mối. Dù vậy, chị Hoa rất yêu và kiên quyết phải lấy Tuấn. Thấy con gái nóng vội, mẹ chị Hoa lặn lội sang tận Hóc Môn (nơi Tuấn sinh sống) để tìm hiểu thì biết anh chàng này rất ham mê cờ bạc. Bà kiên quyết không chịu gả, nhưng người mẹ ngăn cản bao nhiêu thì cô con gái càng quyết tâm cưới bấy nhiêu.

Nhà có 5 cô con gái, chị Hoa vốn hiền lành nhất nhà, rất ít khi phản kháng. Chính vì vậy, thấy con gái phản kháng dữ dội, lại khóc vùi suốt, mẹ chị đành khuất phục.

Cưới xong, chị Hoa về Hóc Môn làm dâu. Tuấn làm nghề chở hàng, chị Hoa thì xin làm công nhân ở xưởng may.

Trong lúc vợ sinh liền tù tì 4 người con thì Tuấn vẫn đều đặn đánh bài, nhậu nhẹt và đề đóm. Trong cuộc sống lay lắt đó, niềm tự hào lớn nhất của chị Hoa là 4 người con đều ngoan và học giỏi.

Đến năm 2015, cuộc sống gia đình họ sang trang khi Tuấn bất ngờ trúng 4 tờ vé số, tổng tiền thưởng là 8 tỉ đồng. Sau khi đóng thuế, Tuấn cầm 7,2 tỉ đồng như niềm tự hào đỉnh cao của một người đàn ông “cuối cùng cũng thành công nhờ… đen đỏ".

Chị Hoa cũng được một phen mát mặt vì chồng - người chồng mà suốt mười mấy năm trời chị phải tìm đủ cách để bao che trước cái nhìn nghiêm khắc của bên nhà ngoại.

Tất nhiên, kế hoạch đầu tiên của Tuấn sau khi trúng số là xây căn nhà riêng sau mười mấy năm ở chung nhà ba mẹ. Anh thuê thiết kế kỹ lưỡng. Chị Hoa cũng khuyên chồng mua 3 căn nhà nhỏ để cho thuê, lấy tiền sinh hoạt hằng tháng.

Mọi thứ như mơ. Kế hoạch xây nhà đã có. Tiền sinh hoạt rủng rỉnh. Cuộc hôn nhân của Hoa - Tuấn tưởng đã như mơ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Xây “phòng nhì” bằng bản thiết kế “chính thất"

Thế nhưng, 7 tỉ đồng trúng số không “độ" nổi người đàn ông có máu tứ đổ tường. Sau khi trở thành người đàn ông “bạc tỉ", đam mê tửu sắc trong Tuấn càng có cơ hội phát tác.

Tuấn chẳng màng chạy hàng kiếm bạc lẻ. Anh đi chơi toàn thời gian. Nhậu nhẹt, cờ bạc triền miên. Có tiền, thú “bồ bịch" càng trầm trọng. Tuấn vung tiền “bao" và tự hào mình có phụ nữ vây quanh.

Cuộc sống bên ngoài quá bận rộn, mỗi lần về nhà, đối diện với người vợ hiền lành cùng đàn con với bao nhiêu nhu cầu chi tiêu, Tuấn lại nổi đóa, đá thúng đụng nia.

Không khí gia đình sau khi trúng số luôn ngột ngạt mỗi lần có Tuấn. Để khỏa lấp chuyện tiêu hoang của mình, Tuấn luôn to tiếng, mắng chửi vợ con. 7 tỉ đồng trúng số không làm đời sống của mẹ con chị Hoa tốt hơn. 

Cho đến một ngày tháng 6/2016, Tuấn về nhà ngọt ngào lạ thường với vợ. Chưa kịp vui vì chồng “thay tính đổi nết", chị Hoa nhận được đề nghị “ra văn phòng công chứng ký giấy bán nhà".

Thì ra, trong những cuộc ăn chơi triền miên, Tuấn cứ sẵn đà ký vay xã hội đen. Mỗi lần vài chục triệu đồng, số nợ đã lên đến bạc tỉ. Nghe đến nợ xã hội đen, chị Hoa khiếp vía biết mình không còn cách nào khác là ký bán 1 trong 3 căn nhà đang cho thuê.

Việc bán nhà như “phát súng" đầu tiên cho những đoạn trường sau này. Ngày ký bán căn nhà thứ hai là vào tháng 1/2017, cũng với lý do “nợ vây”. Tuấn về nhà đòi sống đòi chết, nói “nếu má mày không bán nhà cứu tao, thì chúng nó cũng giết tao thôi". Lúc này, chị Hoa đã buông xuôi. Với chị, việc bán nhà cứu chồng cũng là điều tất yếu.

Chẳng ngờ, tết năm 2017, tức sau đó chừng 1 tháng, em gái chị Hoa hốt hoảng báo tin: “Ông Tuấn mới xây xong nhà cho bồ ở Đồng Nai”. Không tin lời em gái, chị Hoa đòi phải đi tận nơi, nhìn tận mắt.

Đến nơi, chị bàng hoàng thấy “phòng nhì" Tuấn mới xây giống y chang thiết kế nhà của vợ chồng mình ngay sau ngày trúng số. Thế nhưng, căn “chính thất" vẫn còn nằm trên giấy.

Mấy năm nay, chị Hoa muốn tạo nguồn tài chính bền vững cho chồng nên dành tiền xây để mua nhà cho thuê. Để đến ngày tết oan nghiệt đó, chị nhận ra căn nhà trên giấy đã trở thành hiện thực, nhưng thuộc sở hữu của người phụ nữ khác.

Vậy là căn nhà thứ hai trong số 3 căn nhà mua sau trúng số đã ra đi để Tuấn đem tiền xây nhà cho bồ. Khi chuyện phòng nhì vỡ lở, Tuấn đổi chiêu thức thuyết phục vợ. Thay vì lớn tiếng dọa nạt hoặc ngọt nhạt dụ dỗ, Tuấn chuyển sang… ăn vạ.

Mỗi lần đối diện với sự lạnh nhạt của vợ con, Tuấn lại đòi… tự tử. Hễ đi chơi thì thôi, còn cứ về nhà là Tuấn lại lu loa đòi chết “vì vợ con coi thường". Cũng bằng cách cào mặt ăn vạ, Tuấn ép chị Hoa phải ký bán căn nhà thứ ba để trả tiền nợ xã hội đen.

Lần này, chị Hoa không buồn truy cứu lý do thực sự của việc bán nhà. Chị muốn bán để “dứt nợ", để tiễn biệt khoản trúng số oan nghiệt đã xới tung cuộc sống của gia đình chị.

Thế nhưng, oan nghiệt dường như không đến từ 7 tỉ đồng trúng số. Sau khi đã bán sạch số tài sản mua bằng tiền trúng số, cuộc chơi của Tuấn vẫn không dừng. Lúc nợ nần dồn đuổi, Tuấn lại về ăn vạ với… mẹ. Người mẹ viết giấy tặng Tuấn căn nhà đang ở sau lời hứa “chỉ cầm cố nhà lấy 300 triệu đồng trả nợ, rồi làm lại cuộc đời".

Thế nhưng, ngay sau khi sở hữu căn nhà, Tuấn bán lấy 9 tỉ đồng. Vòng tròn lặp lại. Tuấn lại mua 3 căn nhà. 1 căn làm chỗ ở cho cả nhà, 2 căn cho thuê. Rồi Tuấn lại ăn chơi, lại bán nhà. Còn căn nhà cuối cùng để ở, Tuấn cũng bán.

Bán xong, Tuấn mua lại 1 căn nhà hộp diêm trong hẻm sâu với giá 1,2 tỉ đồng làm chỗ ở cho gia đình 3 thế hệ. Ở lần cuối cùng này, Tuấn phải chấp nhận để đứa con gái lớn (năm nay 20 tuổi) đứng tên chủ quyền để tránh việc nhà bị đem cầm cố.

Chẳng ngờ, việc đứng tên nhà lại khiến đứa con gái trở thành “tâm điểm khủng bố" của người cha tệ bạc. Căn nhà chỉ hơn 20 mét vuông sàn, mua được nửa năm thì đứa con gái 3 lần bị cha bắt viết giấy vay nợ xã hội đen. Để uy hiếp con, Tuấn cầm sẵn chai thuốc rầy đã mở nắp và dọa: “Con viết giấy hoặc là ba uống chai này". Sau 3 lần vay, căn nhà đã gánh nợ 450 triệu đồng, chưa tính lãi.

Suốt đoạn đời lao đao đó, niềm an ủi duy nhất của chị Hoa là 4 đứa con đều học giỏi và hiếu thảo. Mỗi lần cha về yêu sách, các con lại đứng ra bảo vệ mẹ.

Ngày bán căn nhà cuối cùng để cùng các con ra ở trọ, chị Hoa được cậu con trai giữa an ủi: “Tất cả tài sản này đều do ba trúng số và được thừa kế, nên ba phá nát thì thôi. Việc của tụi con là học cho giỏi rồi tự lo cho mình, lo cho mẹ".

Ngày viết đơn ly hôn, chị Hoa vẫn chậc lưỡi xót thương người chồng “chưa nên người". Chị đã kiên nhẫn quá lâu nên ly hôn xong chị cũng “dứt nợ" với người chồng bạc nghĩa.

Chị đúc kết: “Người chín chắn trúng số thì lên đời, vì họ biết vun vén làm ăn. Còn người ăn chơi mà trúng số thì cũng như trúng bẫy, cuộc đời mất thắng. May là tôi vẫn còn 4 đứa con biết lo, biết cố gắng. Đời người, hơn nhau là ở sự chín chắn và ý chí làm ăn chứ hơn gì bạc tỉ, bạc trăm”.

Giang Thùy

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trương Mỹ Hương 25-08-2023 09:30:15

    Trong đời, không có gì ghê sợ nhất là tính đam mê cờ bạc mà người vợ ( hoặc chồng) cứ nghĩ sẽ từ từ khuyên thay đổi được. Rất may chị ấy đã cương quyết dứt khoát cục nợ đời, nếu không chắc chắn sẽ rớt xuống địa ngục luôn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI