Trung Quốc muốn thâu tóm năng lượng điện của các quốc gia láng giềng?

06/09/2020 - 14:00

PNO - Lào nhường quyền kiểm soát phần lớn lưới điện cho công ty Trung Quốc. Trung Quốc có mặt trong phân nửa nhà đấu thầu điện tại Myanmar.

Lào sẽ nhường phần lớn quyền kiểm soát lưới điện của quốc gia cho một công ty Trung Quốc, trong bối cảnh phải vật lộn để ngăn chặn khả năng vỡ nợ. Trong khi đó, xuất khẩu điện là kế hoạch trọng tâm trong chiến lược phát triển của Lào.

Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm các nhà phê bình cáo buộc Bắc Kinh sử dụng "ngoại giao bẫy nợ" để giành lợi thế chiến lược ở các nước đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay. Trung Quốc hiện đang là chủ nợ lớn nhất của Lào. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 bởi Viện Lowy có trụ sở tại Úc, nợ của Lào đối với Trung Quốc ở mức 45% GDP.

Theo Tân Hoa Xã, thoả thuận đã được ký kết vào hôm 1/9 giữa Electricite du Laos (EDL) và China Southern Power Grid Company (CSPGC), nhưng không cho biết thông tin cụ thể. Nguồn tin của Tân Hoa Xã, từ 3 người có liên quan vụ việc, cho biết Lào sẽ trao phần lớn quyền kiểm soát Electricite du Laos Transmission Company Limited (EDLT, mới thành lập) cho công ty Trung Quốc.

“Nó sẽ mang lại cho lưới điện quốc gia Lào khả năng thương lượng tốt hơn với các nước trong khu vực và bắt đầu tạo ra lợi nhuận” một người liên quan nói.

Lào sẽ giao quyền kiểm soát phần lớn lưới điện cho công ty Trung Quốc
Lào sẽ giao quyền kiểm soát phần lớn lưới điện cho công ty Trung Quốc

Đại sứ quán Trung Quốc tại Lào cho biết rằng Lào sẽ vận hành các tài sản truyền tải, cũng có thể dần dần mua lại cổ phần trong quá trình hoạt động, nhưng không tiết lộ cụ thể về cổ phần sau thoả thuận được ký kết.

Ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào cho biết dự án này sẽ hưởng lợi về kinh nghiệm, công nghệ và nguồn nhân lực của Trung Quốc. Tân Hoa Xã đưa tin cho biết công ty mới sẽ hoạt động theo quy định của chính phủ Lào, nhưng sẽ tận dụng sức mạnh tài chính và kinh nghiệm trưởng thành của CSPGC trong xây dựng, vận hành và quản lý lưới điện.

EDLT sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ đô la Mỹ vào lưới điện địa phương và các kết nối quốc tế.

Lào đã chi rất nhiều cho các dự án thủy điện, trong đó nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ, với mục đích trở thành “bình điện của Đông Nam Á”. Nhưng những dự án đó, cùng với một tuyến đường sắt cao tốc đang là tâm điểm của một cuộc khủng hoảng nợ.

Hai nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho biết Lào đủ điều kiện để có thể nhận được sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tài chính và giảm nợ trong dịch COVID-19, mà 80 quốc gia đang nhận được. Nhưng Lào cho rằng thà cố gắng tìm ra một giải pháp với Trung Quốc. Một giao dịch với IMF vốn sẽ mang nhiều yêu cầu về minh bạch tài chính. 

Toshiro Nishizawa, một giáo sư người Nhật, người đã cố vấn cho chính phủ Lào về ổn định tài khóa cho biết: “Về mặt kinh tế, Lào sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và điều này là không thể tránh khỏi”.

Tổng đầu tư của Trung Quốc vào điện, giao thông, khu kinh tế biên giới và các dự án khác đã lên tới hơn 10 tỷ USD.

Trong một diễn biến khác, Trung Quốc đang dẫn đầu về đấu thầu các nhà máy điện năng lượng mặt trời ở Myanmar. Trong số 155 đơn vị đấu thầu thì có một nửa đến từ Trung Quốc, trong đó có 3 nhà thầu nổi bật - Sungrow Power Supply, China Machinery Engineering Corporation và Datang International Power.

Các nhà thầu Trung Quốc góp mặt trong một nửa danh sách đấu thầu các dự án điện năng lượng mặt trời ở Myanmar
Các nhà thầu Trung Quốc góp mặt trong một nửa danh sách đấu thầu các dự án điện năng lượng mặt trời ở Myanmar

Các cuộc đấu thầu dành này là cho những nhà máy trải dài tại 30 địa điểm, với tổng công suất là 1.060 megawatt (MW), tương đương với sản lượng của một lò phản ứng hạt nhân. Trong đó mỗi nhà máy phải có công suất phát khoảng 30MW đến 50MW.

Đơn vị trúng thầu sẽ xây dựng nhà máy, sau đó sở hữu và vận hành trong 20 năm, bán sản lượng cho công ty điện nhà nước theo hợp đồng mua bán điện.

Tuy nhiên, việc đấu thầu cũng đang gây ra nhiều vấn đề. Trong đó, có những công ty ở địa phương không thể tham gia vì không đáp ứng được yêu cầu phải có thu nhập 20 triệu USD/năm, trong 3 năm liền. Việc không đấu thầu điện tử cũng gây ra khó khăn cho những công ty nước ngoài do dịch bệnh khiến các đơn vị không thể di chuyển đến Myamar để khảo sát, thẩm định, giao dịch đất đai.

Trước những phản ứng từ các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, Bộ Điện và Năng lượng Myanmar gia hạn thêm thời gian một tháng, đến 17/7, nhưng vẫn bị cho là không hợp lý. 

Hiện, vẫn chưa rõ các nhà thầu Trung Quốc đang cố gắng xoay chuyển tình hình thế nào trước những chướng ngại vật. Trong khi Trung Quốc xem Myanmar là một điểm đầu tư chiến lược.

Myanmar dự kiến sẽ công bố những đơn vị trúng thầu trước cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây. 

Thuỳ Anh (theo South China Morning Post, EQ Magazine)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI