Trụ thép cầu vượt hư hỏng vì nước tưới cây xanh

03/02/2021 - 11:14

PNO - Việc trồng hoa, cây cảnh cùng với việc tưới nước tự động xung quanh các trụ thép chống đỡ cầu đang có nguy cơ làm giảm tuổi thọ các công trình này.

Người dân sống ở khu vực một số cầu vượt thép tại TP.HCM phản ánh việc trồng hoa, cây cảnh cùng với việc tưới nước tự động xung quanh các trụ thép chống đỡ cầu đang có nguy cơ làm giảm tuổi thọ các công trình này.

Những năm gần đây, TP.HCM đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng nhiều cầu vượt bằng thép, giúp giải tỏa áp lực giao thông tại các tuyến giao lộ “điểm đen” thường xảy ra ách tắc, tai nạn giao thông nghiêm trọng. Để làm đẹp các cây cầu vượt này, chủ đầu tư đã cho trang trí cây hoa cảnh, tạo mảng xanh dưới gầm cầu, hạn chế việc tập kết rác, phóng uế… gây mất mỹ quan. 

Cận cảnh nước đọng trên trụ cột thép và một mảng chân cột có hiện tượng bị nước ăn mòn gây rỉ sét tại cầu vượt thép phía đường Nguyễn Oanh, chuột làm tổ dưới chân trụ thép
Cận cảnh nước đọng trên trụ cột thép và một mảng chân cột có hiện tượng bị nước ăn mòn gây rỉ sét tại cầu vượt thép phía đường Nguyễn Oanh, chuột làm tổ dưới chân trụ thép

Tuy nhiên, một số người dân phản ánh qua Đường dây nóng của Báo Phụ Nữ TP.HCM rằng, việc trồng hoa, cây cảnh xung quanh các trụ cột được làm bằng bê tông cốt thép và tưới nước thường xuyên, rất dễ gây rỉ sét, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ của các công trình trị giá hàng trăm tỷ đồng này. 

Theo phản ánh của bạn đọc, ngày 21/1, chúng tôi đã đi tìm hiểu hiện trạng các cây cầu vượt tại Q.Gò Vấp, Q.Tân Bình… Tại cầu vượt thép ba nhánh Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp, TP.HCM), một trong sáu dự án trọng điểm của thành phố trong việc giải quyết kẹt xe khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, có tổng mức đầu tư 504 tỷ đồng, được đưa vận hành nhánh cuối cùng vào tháng 1/2019, toàn bộ phần gầm cầu, có các trụ thép đều được trang trí các loại cây cảnh, hoa lá. Ngoài việc trồng hoa tạo mảng xanh khu vực dưới gầm cầu vượt thép, tại các chân trụ thép tròn được bao phủ các loại cây cảnh um tùm.

Phóng viên có mặt dưới nhánh cầu vượt thép hướng từ đường Nguyễn Kiệm (hướng từ ngã tư Phú Nhuận) sang đường Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) ghi nhận dưới 5 chân trụ thép tròn đều phủ đầy mảng xanh. Tại chân trụ thép tròn được cố định trên khối bê tông, bắt ốc vít lớn xung quanh, mảng xanh gần như bao trọn trụ. Những mảng xanh được tưới nước hằng ngày nên khá ẩm ướt, những vũng nước còn đọng lại xung quanh trụ, trên các cành lá. Toàn bộ gầm hệ thống cầu vượt ba nhánh này đều được phủ mảng xanh, ngay cả tiểu đảo vòng xoay lớn, bên dưới có chân trụ thép đều được bao phủ cây cảnh, hoa lá.

Các cột trụ thép dưới chân cầu vượt phía đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) bị bao phủ bởi các mảng xanh đến tận chân cột thép
Các cột trụ thép dưới chân cầu vượt phía đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận) bị bao phủ bởi các mảng xanh đến tận chân cột thép

Theo người dân ở khu vực này, hằng ngày, các mảng xanh đều được tưới nước bằng hệ thống phun nước tự động. Tương tự, tại công trình cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp (giao với các tuyến đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi, Trần Thị Nghỉ), có tổng mức đầu tư 405,72 tỷ đồng, được hoàn thiện và thông xe vào tháng 10/2017, chúng tôi ghi nhận, các mảng xanh bao phủ toàn bộ phần dạ cầu, gầm cầu vượt.

Không chỉ bố trí mảng cây, hoa kiểng tầm thấp, “quấn” quanh các ống trụ chân cầu thép là các cây cau kiểng um tùm. Tại nhánh cầu vượt dẫn xuống đường Nguyễn Oanh, chúng tôi phát hiện, nhiều vũng nước đọng tại vòm trụ hình tròn chụp che chân đế của trụ sắt cầu vượt. Một mảng tiếp giáp giữa chân đế và vòm trụ có nước rỉ ra, một phần lớp chân trụ sắt tiếp giáp với mặt đất khoảng 1m đã bị tróc lớp sơn, để lộ phần sắt đã bị rỉ sét. Theo anh Minh, người lái xe ôm công nghệ hay dừng nghỉ trưa dưới dạ cầu vượt này, cứ cách 2-3 ngày, anh lại thấy các ống phun nước tự động xung quanh mảng xanh này phun nước lên, áp lực lớn khiến nước được “tưới” đến tận chân đế của các trụ cầu vượt này.

Tình trạng trang trí các mảng xanh, bồn hoa có sử dụng hệ thống tưới nước tự động cũng diễn ra ở các công trình cầu vượt khác như: cầu vượt Lăng Cha Cả, cầu vượt Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), cầu vượt Ba Tháng Hai - Lý Thái Tổ (Q.10), cầu vượt Bùng Binh Cây Gõ (Q.11)… Việc tạo mảng xanh nhằm chỉnh trang, làm đẹp dưới chân cầu vượt được coi là công trình phụ giúp cho công trình cầu vượt được khang trang, hài hòa. 

Kỹ sư Vũ Quang Hoài, chuyên gia về xử lý sự cố công trình, cho biết các chân cầu vượt có kết cấu bằng thép, rất dễ bị ăn mòn khi có tiếp xúc giữa chất xúc tác là ô-xy và nước gây ra hiện tượng ăn mòn điện hóa. Các chân cột thép tại các cầu vượt ở các giao lộ điểm đen ở TP.HCM nêu trên có hai bộ phận dễ bị ăn mòn là khe hở giữa bản thép chân đế với bề mặt bê tông và bề ngoài xung quanh cột thép; mặc dù có lớp sơn chống ăn mòn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm trên thế giới, bề mặt này cũng có thể có diện tích bị hở khoảng 1%.

“Để ngăn ngừa phản ứng điện hóa ăn mòn các cột thép trên, tốt nhất là để kết cấu thép trong môi trường khô (không có nước) hoặc ngăn chặn ô-xy. Không được tưới nước vào chân cột thép hoặc trồng hoa, cây cảnh xung quanh cột thép”, kỹ sư Vũ Quang Hoài khuyến cáo.

Hoài An

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu